Theo hãng tin AP, Ngoại trưởng Antony Blinken hứa sẽ “tập hợp sự ủng hộ của quốc tế” để tái thiết Gaza trong cuộc họp với các nhà lãnh đạo trong khu vực hôm thứ Ba (25/5). Blinken cũng cho biết ông sẽ đảm bảo không có khoản viện trợ nào đến tay Hamas. 

Phản hồi lại, lãnh đạo Hamas Yahya Sinwar nói với các nhà báo rằng nhóm hoan nghênh các nỗ lực hỗ trợ tái thiết, miễn là nó không đến từ Israel. Ông Sinwar cũng cam kết không động đến khoản viện trợ.

“Tôi nhấn mạnh cam kết của chúng tôi tại Hamas rằng chúng tôi sẽ không lấy một xu nào dành cho nỗ lực xây dựng lại hoặc các vấn đề nhân đạo”, ông Sinwar nói với AP.

Ngoại trưởng Blinken đã hạ cánh xuống Cairo một ngày sau khi hội đàm với các nhà lãnh đạo Israel và Palestine. Tại Ai Cập, ông đã gặp Tổng thống Abdel Fattah el-Sissi và các quan chức hàng đầu khác. Sau đó, ông đến Jordan để gặp Vua Abdullah II.

Blinken mô tả Ai Cập và Jordan là những bên trung tâm trong việc mang lại hòa bình cho khu vực. Cả hai quốc gia đều là đồng minh quan trọng của Hoa Kỳ có thỏa thuận hòa bình với Israel và thường xuyên đóng vai trò hòa giải giữa Israel và Palestine.

Ông Blinken nói với các phóng viên vào cuối ngày thứ Ba rằng: “Ai Cập đóng một vai trò quan trọng trong việc làm trung gian hòa giải cho lệnh ngừng bắn và Jordan từ lâu đã trở thành tiếng nói cho hòa bình và ổn định trong khu vực”.

Ai Cập duy trì quan hệ với Hamas, nhưng cũng thực thi phong tỏa chặt chẽ trên Gaza tương tự như Israel, với mục tiêu chung là ngăn chặn nhóm Hồi giáo trang bị vũ khí.

Ông Blinken đã đặt ra những mục tiêu khiêm tốn cho chuyến thăm chính thức đầu tiên của ông tới Trung Đông với tư cách là ngoại trưởng. Việc dừng chân ở Cairo, cùng với cuộc điện đàm của Tổng thống Joe Biden với El-Sissi trong khi lệnh ngừng bắn đang được đàm phán vào tuần trước, báo hiệu mối quan hệ chặt chẽ hơn giữa chính quyền Biden và Ai Cập sau một khởi đầu nguội lạnh khi Mỹ bày tỏ quan ngại về vấn đề hồ sơ nhân quyền của chính quyền ông Sissi.

Trong cuộc hội đàm với các nhà lãnh đạo Israel và Palestine hôm thứ Ba, ông Blinken nói rõ rằng Mỹ không có kế hoạch theo đuổi các cuộc đàm phán hòa bình giữa các bên ngay lúc này, mặc dù ông bày tỏ hy vọng tạo ra một “môi trường tốt hơn” có thể dẫn đến các cuộc đàm phán.

Điều này dường như sẽ bắt đầu với nỗ lực tái thiết Gaza. Cuộc chiến kéo dài 11 ngày đã khiến hơn 250 người thiệt mạng, cũng như phá hủy nhiều cơ sở hạ tầng ở vùng lãnh thổ ven biển nghèo khó do Hamas kiểm soát. Hamas bị cáo buộc đã sử dụng các cơ sở dân thường làm “lá chắn” cho những hoạt động của mình.

Ahmed Aboul Gheit, tổng thư ký của Liên đoàn Ả Rập, cho biết cam kết của Hoa Kỳ là rất quan trọng đối với khu vực. 

Lãnh đạo Hamas Sinwar trước đó cho biết Hamas nhận được sự hỗ trợ quân sự phong phú từ các nguồn bên ngoài – đứng đầu là kẻ thù không đội trời chung của Israel: Iran.

Ông nói: “Khi tôi nói rằng chúng tôi không lấy tiền dành cho viện trợ, đó là vì chúng tôi có các nguồn quỹ thoải mái để trang trải cho các hoạt động của mình.”

Ông cũng chỉ trích Ngoại trưởng Blinken vì đã cố gắng tận dụng các thiệt hại của Hamas để củng cố Chính quyền Palestine. Sinwar nói: “Họ đang cố đổ thêm dầu vào lửa chia rẽ người Palestine.”

Trong một diễn biến khác, Ngoại trưởng Anh Dominic Raab đã có mặt tại Israel vào thứ Tư để củng cố động lực cho chuyến thăm của Blinken.

Nhắc lại thông điệp của ông Blinken, ông Raab cho biết Vương quốc Anh ủng hộ quyền tự vệ của Israel trước hỏa lực tên lửa của Hamas và sẽ tìm cách ngăn chặn tiền viện trợ đến tay Hamas. Tuy nhiên, ông cũng bày tỏ hy vọng rằng các nỗ lực ngừng bắn sẽ dẫn đến giải pháp hòa bình rộng lớn hơn trong khu vực.

Ông nói: “Chúng tôi muốn hỗ trợ Israel nhưng chúng tôi cũng muốn người Palestine tìm ra con đường hướng tới một nền hòa bình lâu dài.”

Blinken cho biết Mỹ đang cố gắng hỗ trợ chính phủ đối thủ của Tổng thống Mahmoud Abbas, lực lượng bị Hamas lật đổ khỏi Gaza vào năm 2007.

Chính quyền Palestine của ông Abbas hiện quản lý các khu tự trị ở Bờ Tây do Israel chiếm đóng. 

Ông Abbas hy vọng sẽ thiết lập một nhà nước độc lập ở tất cả Bờ Tây, Gaza và đông Jerusalem – những khu vực bị Israel chiếm được trong cuộc chiến năm 1967.

Ông Blinken hôm thứ Ba đã công bố kế hoạch mở lại một văn phòng ngoại giao ở Jerusalem, có nhiệm vụ giám sát hoạt động tiếp cận người Palestine.

Năm 2018, Tổng thống Donald Trump quyết định chuyển Đại sứ quán Hoa Kỳ đến Jerusalem, khiến người Palestine tức giận và cắt đứt hầu hết quan hệ với Hoa Kỳ.

Ông Blinken cũng tuyên bố sẽ viện trợ bổ sung gần 40 triệu đô la cho người Palestine. Nói chung, chính quyền Biden đã cam kết viện trợ khoảng 360 triệu đô la cho người Palestine, khôi phục các tiền mà chính quyền Trump đã cắt bỏ.

Thỏa thuận ngừng bắn kết thúc cuộc chiến ở Gaza hôm thứ Sáu cho đến nay vẫn được duy trì, nhưng nó không giải quyết được bất kỳ vấn đề nào sâu xa hơn gây ra xung đột giữa Israel và Palestine. 

Trong phát biểu của mình sau cuộc gặp với ông Blinken hôm thứ Ba, Thủ tướng Israel Netanyahu hầu như không đề cập đến người Palestine, cảnh báo về một phản ứng “rất mạnh mẽ” nếu Hamas phá vỡ lệnh ngừng bắn trong khi bày tỏ sự ủng hộ đối với sự phát triển kinh tế ở Bờ Tây.

Ông Blinken nhiều lần khẳng định những gì ông nói là quyền tự vệ của Israel. Nhưng ông cũng kêu gọi các nhà lãnh đạo của tất cả các bên vạch ra một “lộ trình tốt hơn” với hy vọng tạo cơ sở cho các cuộc đàm phán hòa bình nhằm thiết lập một nhà nước Palestine độc ​​lập cùng với Israel.

Lê Xuân (t/h)

Xem thêm: