Ngày 28/5, người đứng đầu NATO Jens Stoltenberg đã kêu gọi Kosovo giảm căng thẳng với Serbia, hai ngày sau khi xảy ra các cuộc đụng độ giữa cảnh sát Kosovo và những người biểu tình phản đối các thị trưởng người Albania nhậm chức tại các khu vực của người dân tộc Serbia. 

Embed from Getty Images

Ông Stoltenberg, tổng thư ký liên minh quân sự xuyên Đại Tây Dương (NATO) người Na Uy, tiết lộ, ông đã nói chuyện với người phụ trách chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), ông Josep Borrell, về vấn đề Kosovo và ông cũng kêu gọi Pristina (thủ đô của Kosovo) và Belgrade (thủ đô của Serbia) phải tham gia cuộc đối thoại do EU chủ trì.

Trong một bài đăng trên Twitter, ông nhấn mạnh: “Pristina phải xuống thang và không thực hiện các bước đơn phương gây bất ổn.”

Người Serb, chiếm đa số tại khu vực phía bắc của Kosovo, không chấp nhận việc Kosovo tuyên bố độc lập khỏi Serbia vào năm 2008 và vẫn coi Belgrade là thủ đô của họ sau hơn hai thập kỷ kết thúc chiến tranh vào năm 1999.

Ngược lại, người dân tộc Albania chiếm hơn 90% dân số ở Kosovo nói chung.

Người Serb đã từ chối tham gia các cuộc bầu cử địa phương vào tháng 4 và các ứng viên người Albania đã giành chiến thắng ở cả bốn thành phố tự trị với tỷ lệ cử tri đi đầu là 3,5%.

Người Serb địa phương, được Belgrade hậu thuẫn, tuyên bố họ sẽ không chấp nhận các thị trưởng này bởi vì những người này không đại diện cho họ.

Hôm thứ Sáu (26/5), ba trong số bốn thị trưởng đã được cảnh sát hộ tống đến văn phòng của họ. Những người này đã bị những người biểu tình ném đá và cảnh sát đã đáp trả bằng hơi cay và vòi rồng để giải tán những người biểu tình.

Hôm 28/5, cảnh sát vũ trang hạng nặng trong các xe bọc thép vẫn đang bảo vệ văn phòng của thị trưởng này.

Một tuyên bố chung của các đại sứ quán Hoa Kỳ, Ý, Pháp, Đức và Anh, còn được gọi là nhóm Quint, và văn phòng EU ở Pristina đã cảnh báo Kosovo không được thực hiện bất kỳ biện pháp nào khác để tiếp cận các tòa thị chính bằng vũ lực.

Nhóm Quint và EU lưu ý: “Chúng tôi cảnh báo mạnh mẽ tất cả các bên không được thực hiện các mối đe dọa và hành động khác có thể ảnh hưởng đến môi trường an toàn và an ninh, bao gồm quyền tự do đi lại, [bởi vì] điều đó có thể gây căng thẳng hoặc thúc đẩy xung đột.”

“Các hành động đơn phương mới sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến quan hệ với các nước Quint và EU.”

Hoa Kỳ, Anh và EU là các quốc gia ủng hộ chính của Kosovo bởi vì quốc gia này vẫn chưa phải là thành viên Liên Hợp Quốc do sự phản đối của Serbia, Nga, Trung Quốc và các nước khác.

Nhật Minh (Theo Reuters)