Theo BBC, lãnh đạo Scotland Nicola Sturgeon vừa xác nhận bà đang tìm cách tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý thứ hai nhằm kêu gọi Scotland độc lập khỏi Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ai Len (Anh quốc) vì mâu thuẫn hậu Brexit.

Thủ hiến Scotland Sturgeon nói bà hy vọng cuộc trưng cầu sẽ được khởi động vào khoảng giữa mùa thu năm 2018 đến mùa xuân năm sau.

Lý do của cuộc trưng cầu thứ hai được bà cho là nhằm bảo vệ lợi ích của người Scotland trong bối cảnh Anh đang rục rịch rời Liên minh Châu Âu (EU).

Rõ ràng là bà Sturgeon muốn cuộc trưng cầu diễn ra trước khi việc Anh rời liên minh hoàn tất, dự kiến là vào năm 2019.

Phản ứng trước thông báo của bà Sturgeon, Thủ tướng Anh Theresa May nói rằng cuộc trưng cầu dân ý đòi độc lập thứ 2 sẽ đặt Scotland vào một chặng đường “bất ổn và chia rẽ”. Bà khẳng định rằng phần lớn người dân Scotland không muốn bỏ phiếu lần 2 về vấn đề này.

Tầm nhìn phiến diện mà Đảng Quốc gia Scotland biểu hiện hôm nay thật vô cùng đáng tiếc. 

Thay vì chơi trò chơi chính trị với tương lai của đất nước, chính phủ Scotland nên tập trung vào việc thực thi công việc quản lý và cung cấp dịch vụ công một cách tốt đẹp cho người dân Scotland. Chính trị không phải là trò chơi“, lãnh đạo Anh quốc nói.

Từ Edinburgh, lãnh đạo xứ Scotland khẳng định người dân ở đây phải được đưa ra một lựa chọn giữa “một cuộc thoát Âu đau đớn” và việc trở thành một quốc gia độc lập.

Chính quyền của bà Sturgeon đã công bố các đề xuất trong đó nói rằng Scotland muốn và sẽ có thể ở lại thị trường chung Châu Âu ngay cả khi phần còn lại của Anh quốc rời đi.

Trước Brexit, vào tháng 9/2014 một cuộc trưng cầu dân ý đã được tổ chức ở Scotland trong đó 55,3% cử tri không muốn rời khỏi Vương quốc Liên hiệp Anh.

Nhưng trong cuộc bỏ phiếu Brexit 2016, trong khi tỷ lệ 52% toàn bộ cử tri của Vương quốc Anh chọn bỏ EU, thì có tới 62% cử tri Scotland muốn ở lại EU.

Kết quả của Brexit đã làm lãnh đạo Scotland vô cùng thất vọng. Bà nói rằng Scotland đang đứng trước “một ngã tư đường vô cùng quan trọng” và sẽ phải tiếp tục thương lượng để đạt nhượng bộ từ chính phủ Anh.

Tôi sẽ thực hiện những bước đi cần thiết để đảm bảo Scotland sẽ có một lựa chọn ở cuối tiến trình này. Một lựa chọn rằng đi theo Anh quốc, thực hiện một cuộc thoát Âu đau đớn, hay trở thành một quốc gia độc lập để đảm bảo hợp tác bình đẳng với phần còn lại của Anh quốc và quan hệ của chúng tôi với châu Âu“.

Tuy nhiên việc tổ chức trưng cầu dân ý không phải do một mình chính phủ Scotland quyết định là được. Bà Sturgeon phải được chuẩn thuận từ chính phủ Vương quốc Anh để kích hoạt điều 30 Đạo luật Scotland 1998.

Đến nay Thủ tướng Anh Theresa May vẫn từ chối trả lời câu hỏi rằng bà sẽ từ chối hay chuẩn thuận yêu cầu của chính phủ Scotland.

Đức Trí

Xem thêm: