Đối với toàn thế hệ người Mỹ ngày nay, họ luôn phải than phiền về vô số quà tặng đặt dưới gốc cây thông Noel được sản xuất tại Trung Quốc, đối thủ thương mại lớn nhất của Washington. Có phải là Ông Già Noel đã chuyển tới Bắc Kinh mà quên không cho người Mỹ biết?

Embed from Getty Images

Việc dư thừa các sản phẩm chúng ta nhập từ Trung Quốc – nhiều thứ sử dụng công nghệ Mỹ – trong nhiều thập kỷ qua đã đưa tới việc đóng cửa nhiều nhà máy, quét sạch công việc của quá nhiều người Mỹ làm việc chăm chỉ.

Viện Chính sách Kinh tế tự do ước đoán, trên thực tế, từ năm 2001 đến 2015 người Mỹ đã mất 34 triệu việc làm vì thâm hụt thương mại của chúng ta với Trung Quốc.

Sự trỗi dậy hung hãn của Trung Quốc chắc chắn nên là mối quan tâm của mỗi nước đang tìm cách bảo vệ chủ quyền và bảo đảm sự sống còn về kinh tế của họ.

Dưới thời Tổng thống Trump, cuối cùng nước Mỹ đã nhận ra tính toàn diện của thách thức từ Trung Quốc và cùng lúc đang hành động trên nhiều phương diện. Con đường là khó khăn, vì Trung Quốc đã có một khởi đầu thuận lợi đến như vậy – nhưng chí ít thì hiện giờ chúng ta cũng đang phản kháng.

Tổng thống Trump hiểu rằng Trung Quốc khao khát trở thành bá chủ khu vực, và họ đang gia tăng khối của cải và quyền lực khổng lồ qua những thủ đoạn trái phép: tấn công kinh tế, ép buộc quân sự và hối lộ và phá hoại cách thức điều hành tại các nước khác.

Nền kinh tế xuất khẩu được sắp đặt cẩn thận của Trung Quốc đã tiếp nhiên liệu cho sự phát triển nổi bật của họ. Trong nhiều thập kỷ, Bắc Kinh đã sử dụng các chính sách bảo hộ kinh tế và các thủ đoạn kinh doanh táo bạo để làm các sản phẩm công nghiệp của họ có tính cạnh tranh hơn tại thị trường nước ngoài, nền kinh tế đang lớn mạnh của Trung Quốc gây tổn hại cho các đối tác thương mại của họ.

Ví dụ, bằng áp đặt một cách chiến lược các sắc thuế và các hàng rào phi quan thuế đối với hàng hoá nước ngoài, Trung quốc có thể bảo hộ người sản xuất trong nước khỏi các bất ổn kinh tế của việc cạnh tranh trực tiếp.

Tương tự như thế, Bắc Kinh buộc các công ty nước ngoài liên doanh với các công ty Trung Quốc và yêu cầu chuyển giao công nghệ như một điều kiện để được làm ăn tại Trung Quốc – tất cả đều vi phạm các cam kết và nghĩa vụ trong hệ thống giao thương quốc tế.

Sự tăng trưởng kinh tế có được đã cho phép Bắc Kinh tăng chi phí quân sự lên hai con số hoặc một con số ở mức cao suốt hơn 20 năm liền. Điều đó lại thúc đẩy chính sách đối ngoại hung hãn của Trung Quốc – như là xây dựng  và quân sự hoá nhiều hòn đảo ở Biển Đông, vi phạm luật pháp quốc tế.

Trong nhiều thập kỷ, các đời Tổng thống Mỹ đã thực thi nhiều nỗ lực thành tâm – dù là ngây thơ – để đưa Trung Quốc tham gia vào cộng đồng thương mại quốc tế trên cơ sở bình đẳng với các nước khác.

Chính sách của Tổng thống Bill Clinton là một chính sách “can  dự” thân thiện với Trung Quốc.

Tổng thống George W.Bush đã tác động để kết nạp Trung Quốc vào Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), cho rằng với quy chế thành viên trong tổ chức đó, sẽ buộc chế độ Trung Quốc tự do hoá chính sách kinh tế và chính sách đối nội. Thật đáng tiếc, WTO đã không thay đổi được Trung Quốc, thay vào đó, Trung Quốc đã phá hoại Tổ chức này.

Tổng thống Obama, với uy tín của ông, đã cố chống sự xâm lăng khu vực của Trung quốc với chính sách “Xoay trục sang châu Á”. Nhưng sáng kiến đó đã thất bại. Tác động của Obama tới cách thức kinh doanh trái phép của Trung Quốc là không hiệu quả và thất thường.

Tổng thống Trump, trái lại, đã khởi động một chiến dịch mạnh mẽ thách thức Trung quốc trên một loạt phương diện, và điều này đã có tác động.

Theo một nghiên cứu gần đây từ một kênh của các nhà nghiên cứu thuộc Liên minh Châu Âu, Trung Quốc đang chịu gánh nặng giá phải trả bởi việc Tổng thống Trump đánh thuế 25% lên 250 tỷ USD hàng hoá Trung Quốc. Các công ty và người tiêu dùng Mỹ chỉ phải chi trả ít hơn một phần năm toàn bộ gánh nặng này trong khi nền kinh tế Trung Quốc gánh chịu phần còn lại.

“Các công ty Trung Quốc trả khoảng 75 % gánh nặng thuế và các sắc thuế làm giảm xuất khẩu hàng hoá của Trung Quốc tới Mỹ bị ảnh hưởng khoảng 37%”, các nhà nghiên cứu giải thích. “Điều này có nghĩa là cán cân thương mại song phương giữa Mỹ và Trung Quốc rớt khoảng 17%.”

Đó là ngôn ngữ mà Trung Quốc hiểu được. Trung Quốc cuối cùng cũng phải buộc đối đầu với một Tổng thống Mỹ, người quyết tâm sử dụng tất cả các công cụ ảnh hưởng quốc gia để áp giá cho sự xâm lăng của người Trung Quốc.

Đó là một trong những thành tích lớn nhất của Tổng thống Trump. Chỉ trong hai năm, ông hoàn toàn thu hút nước Mỹ vào cuộc tranh đua quốc gia với đối thủ kinh tế mạnh nhất của nước Mỹ. Thậm chí ông còn âm thầm tập hợp sự ủng hộ hai đảng cho nỗ lực này.

Điều quan trọng là người Mỹ không phản ứng thái quá trước những thách thức liên quan tới Trung Quốc. Điều đó giải thích vì sao thật không may là phố Wall có một quan điểm phóng đại về ảnh hưởng tiềm tàng của chính sách thuế mới đối với nền kinh tế Mỹ.

Rốt cuộc thì mỗi năm chúng ta chỉ bán 130 tỷ USD hàng hoá cho Trung Quốc. Đó là khoảng một nửa của một phần trăm nền kinh tế 21 ngàn tỷ USD của chúng ta – con số làm tròn.

Thậm chí nếu có cộng thêm 506 tỷ USD hàng hoá chúng ta nhập khẩu từ Trung Quốc, tổng buôn bán hai chiều gần đây của chúng ta với quốc gia đó chỉ bằng khoảng 2,5 % tổng sản phẩm kinh tế quốc dân.

Điều này giải thích vì sao nền kinh tế của chúng ta có sự tăng trưởng rất lành mạnh trong khi kinh tế Trung Quốc bắt đầu đi xuống. Nói trắng ra, các nhà đầu tư và phân tích ở phố Wall nên tỉnh dậy và nhấm nháp cafe đi.

Mối đe doạ to lớn đối với thương mại tự do đến từ Trung Quốc – chứ không phải từ Washington. Trung Quốc đang mưu toan phá hoại  nền kinh tế quốc tế.

Tổng thống Trump cần sự ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp, gồm cả khối đầu tư, vào những nỗ lực của ông để ngăn chặn người Trung Quốc.

Cuộc đua này có thể kéo dài, nhưng người Mỹ hãy tự tin vào chiến thắng. Trong lĩnh vực kinh tế, nước Mỹ hùng mạnh hơn Trung Quốc.

Chúng ta may mắn là Tổng thống Trump đã khích động những nỗ lực của người Mỹ để bảo vệ nền kinh tế của chính chúng ta và lợi ích của toàn thế giới trong một hệ thống thương mại tự do và công bằng.

Với các chính sách thương mại của Tổng thống, trong những năm tới chúng ta có thể trông đợi rất nhiều rằng bên dưới cây thông những món quà được sản xuất tại Trung Quốc sẽ ít hơn, và có nhiều hơn nữa những món quà được sản xuất  tại Mỹ bởi những công nhân Mỹ.

Tác giả: Andy Puzder, Jim Talent

Jim Talent là Dân biểu Cộng hòa đại diện bang Missouri. Ông là một thành viên của Uỷ ban đánh giá vấn đề an ninh và kinh tế Mỹ-Trung.

Andy Puzder là giám đốc điều hành các nhà hàng CKE hơn 16 năm, và cũng theo nghiệp luật sư. Ông từng được tổng thống Trump đề cử làm Bộ trưởng Lao động nhưng đã rút lui. Năm 2011, ông Puzder đồng tác giả cuốn sách “Tạo công ăn việc làm: làm thế nào để nó thực sự thành công và vì sao chính phủ không hiểu điều đó.” Quyển sách mới nhất của ông là “Chủ nghĩa tư bản trở lại: sự bùng nổ Trump và âm mưu của cánh tả nhằm ngăn chặn nó” .

Bài viết đăng lần đầu trên Fox News

Dung Lê biên dịch

Xem thêm: