Hôm 2/5, Lầu Năm Góc đã công bố một bản báo cáo, trong đó có đánh giá về việc Trung Quốc đang tăng cường các hoạt động ở khu vực Bắc Cực, để trải đường cho việc gia tăng quân sự hóa trong tương lai tại khu vực này, trong đó có việc triển khai tàu ngầm để đề phòng tấn công hạt nhân.

Embed from Getty Images

Một tàu ngầm hạt nhân loại 094A của quân đội Trung Quốc trong trong đợt duyệt binh Hải quân ngày 23/4 kỷ niệm 70 năm thành lập lực lượng Hải quân nước này (Ảnh: Getty Images)

Đánh giá này được đính kèm báo cáo thường niên của quân đội Mỹ đệ trình lên Quốc hội liên quan đến lực lượng vũ trang Trung Quốc và theo sau việc Bắc Kinh phát hành sách trắng chính sách Bắc cực hồi năm ngoái.

Tháng 6 năm ngoái, Trung Quốc lần đầu tiên chính thức xuất bản Sách trắng Bắc cực. Trong Sách trắng này, Trung Quốc đã khái quát kế hoạch “Con đường tơ lụa địa cực”. Kế hoạch này dựa trên cơ sở Sáng kiến “Một vành đai, Một con đường” của ông Tập Cận Bình.

Mặc dù Trung Quốc không phải là quốc gia vùng Bắc Cực, nhưng lại hoạt động ngày càng sôi nổi tại nơi đây. Năm 2013, Trung Quốc trở thành thành viên quan sát của Hội đồng Bắc Cực. Việc này đã khiến cho nhiều nước vùng Bắc Cực phản đối Bắc Kinh, lo ngại về các mục tiêu chiến lược trường kỳ của Trung Quốc tại đây, trong đó có cả việc triển khai quân sự, v.v.

Báo cáo của Lầu Năm Góc chỉ ra, Đan Mạch biểu thị quan ngại về việc Trung Quốc thể hiện sự quan tâm đến đảo Greenland, Trung Quốc đã đề xuất các kiến nghị đối với Đan Mạch như xây dựng trạm nghiên cứu, xây dựng các trạm vệ tinh mặt đất, cải tạo sân bay và mở rộng khai thác khoáng sản.

Báo cáo nói, “Nghiên cứu dân dụng có thể tăng cường sự hiện diện quân sự của Trung Quốc tại Bắc Băng Dương, trong đó có thể bao gồm triển khai tàu ngầm đến khu vực này nhằm ngăn chặn các cuộc tấn công hạt nhân.”

Báo cáo cũng chỉ ra, quân đội Trung Quốc đã coi việc hiện đại hóa hạm đội tàu ngầm là việc quan trọng. Hải quân Trung Quốc hiện có 4 tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân, 6 tàu ngầm tấn công chạy bằng hạt nhân và 50 tàu ngầm tấn công sử dụng nhiên liệu thông thường. Đến năm 2020, số lượng tàu ngầm của Trung Quốc có thể tăng lên 65 – 70 chiếc.

Cùng với đó, Mỹ và các đồng minh cũng đang mở rộng triển khai hải quân chống tàu ngầm ở khu vực Đông Á. Mỹ sẽ tăng cường tuần tra bằng máy bay chống ngầm tiên tiến P-8 Poseidon ở Singapore và Nhật Bản.

Biện pháp ứng phó Đài Loan

Việc mở rộng hạm đội tàu ngầm của Trung Quốc chỉ là một nhân tố hiện đại hóa quân đội nước này, chuyên gia Mỹ chỉ ra, mục đích việc này chủ yếu là để ngăn chặn hành động của lực lượng vũ trang Mỹ.

Mặc dù ngân sách quốc phòng của Bắc Kinh năm 2018 là 175 tỉ USD, nhưng theo dự tính của Lầu Năm Góc, nếu ngân sách quốc phòng của Trung Quốc bao gồm cả nghiên cứu, phát triển vũ khí và mua vũ khí từ nước ngoài, thì số tiền thực tế là hơn 200 tỉ USD. Dự báo đến năm 2022, ngân sách quốc phòng của Trung Quốc có thể đạt đến 260 tỉ USD.

Đại bộ phận mục tiêu quân sự của Trung Quốc đều tập trung vào Đài Loan.

Ngày 2/1 năm nay, trong một bài phát biểu của ông Tập Cận Bình có nói rằng, Trung Quốc bảo lưu sử dụng vũ lực để đặt Đài Loan dưới quyền kiểm soát của Trung Quốc, nhưng sẽ cố gắng thực hiện “thống nhất trong hòa bình”.

Báo cáo của Lầu Năm Góc đã khái quát một số biện pháp có thể áp dụng khi Bắc Kinh quyết định dùng vũ lực đối với Đài Loan.

Tuy nhiên phân tích của Mỹ dường như cũng giảm khả năng Trung Quốc xâm nhập Đài Loan bằng hai nhánh lục quân và thủy quân, báo cáo này cũng chú ý đến khả năng Trung Quốc tấn công Đài Loan bằng tên lửa đạn đạo.

“Trung Quốc có thể dùng hệ thống phòng không với tên lửa đạn đạo để tấn công một cách chính xác từ trên không, mục tiêu bao gồm căn cứ không quân, trạm radar, tên lửa, tài nguyên không gian và cơ sở thông tin, để giảm năng lực phòng ngự của Đài Loan, làm suy yếu sự lãnh đạo của chính phủ Đài Loan, hoặc phá vỡ quyết tâm của người dân Đài Loan”, báo cáo nói.

Trong vài năm qua, Trung Quốc nhiều lần điều máy bay và tàu quân dụng tiến hành diễn tập quân sự gần đảo Đài Loan, cũng như cố gắng cô lập Đài Loan trên quốc tế, làm giảm số lượng các nước đồng minh ngoại giao của Đài Loan.

Lực lượng quân đội Đài Loan rất nhỏ so với Trung Quốc, sự chênh lệch giữa hai bên mà Lầu Năm Góc chỉ ra đang ngày càng lớn theo từng năm.

Báo cáo nhận thức được sự chênh lệch giữa hai bờ eo biển (Trung Quốc và Đài Loan), đồng thời chỉ ra: “Đối với cuộc chiến không đối xứng, Đài Loan đang khai phá những ý tưởng mới và năng lực mới.”

Huệ Anh

Xem thêm: