Một toà kháng cáo tại Mỹ từ chối khôi phục sắc lệnh cấm nhập cảnh của Tổng thống Donald Trump, tuy nhiên đồng ý cho chính quyền thẩm tra lại quá trình kiểm soát người nước ngoài tới Mỹ.

Toàn Kháng cáo Khu vực 9, đặt tại thành phố San Fransisco hôm 12/6 ra phán quyết rằng chính quyền Trump không chứng minh được việc đồng ý nhập cảnh những người từ 6 quốc gia trong lệnh cấm, cũng như người tị nạn trên khắp thế giới, sẽ gây nguy hại cho an ninh quốc gia.

Biểu tình phản đối sắc lệnh cấm du hành của Tổng thống Mỹ Donald Trump

Sắc lệnh cấm du hành sửa đổi được Tổng thống Mỹ ký vào 6/3, trong đó cấm người từ 6 quốc gia Hồi giáo đa số tới Mỹ trong vòng 90 ngày để đội ngũ kiểm soát nhập cư của Trump có thời gian đánh giá và xây dựng quy trình phù hợp đối với những người được cho là đến từ những quốc gia có nguy cơ khủng bố cao. Đồng thời lệnh cấm cũng ngừng nhận người tị nạn trong vòng 120 ngày.

Trong phán quyết của mình đăng trên trang web toà án Mỹ, ba thẩm phán kết luận: “vấn đề nhập cư, thậm chí đối với Tổng thống, cũng không phải là màn trình diễn một người“.

Phản ứng trước phán quyết này, Phát ngôn viên Nhà Trắng Sean Spicer cho biết chính quyền kỳ vọng tranh cãi pháp lý này sẽ được Toà án Tối cao giải quyết hợp lý.

Chúng ta cần mọi công cụ hiện có để ngăn cản khủng bố xâm nhập vào nước Mỹ và gây ra những hành động đổ máu và bạo lực. Chúng tôi tiếp tục tin tưởng rằng sắc lệnh hành pháp của Tổng thống nhằm bảo vệ quốc gia này hoàn toàn hợp pháp và sẽ được tôn trọng bởi Tối cao Pháp viện“, ông Spicer nói.

Mặc dù Toà kháng cáo giữ nguyên trạng việc sắc lệnh của ông Trump bị chặn, các thẩm phán không nói sắc lệnh này có vi hiến hay không, đồng thời chỉ trích toà án quận tại Hawaii vì đã không tuân theo nguyên tắc “toà án phải cực kỳ cẩn trọng và không được đưa ra các phán quyết không cần thiết về hiến pháp“.

Hôm 16/3, Thẩm phán liên bang Hawaii chặn sắc lệnh của ông Trump, đồng thời cho rằng quyết định của Tổng thống bị thúc đẩy bởi “động cơ tôn giáo” và vi phạm hiến pháp vì phân biệt tín ngưỡng đối với người Hồi giáo. Phán quyết này, theo các thẩm phán Toà kháng cáo, là không phù hợp.

Thay vào đó, ban thẩm phán 3 người cho rằng sắc lệnh của ông Trump đơn giản là vượt qua thẩm quyền của Tổng thống trong việc được phép “cấm nhập cảnh người nước ngoài hoặc các bộ phận người nước ngoài“, bởi vì chính quyền không chứng minh được việc cấm hơn 180 triệu người dựa vào quốc tịch của họ phục vụ lợi ích an ninh của Mỹ. Nói cách khác, bản chất của phán quyết này khác hoàn toàn so với lý do các mà sắc lệnh này bị chặn bởi các thẩm phán trước.

Tuần trước, sau khi diễn ra các vụ tấn công khủng bố ở Anh do các phần tử Hồi giáo cực đoan tiến hành, Tổng thống Trump viết trên Twitter rằng Mỹ cần có lệnh cấm du hành ngay lập tức, và các toà án thì chậm chạp và bị chính trị hoá.

Ở Toà án Tối cao, ông Trump cần có sự ủng hộ của ít nhất 5 (trong tổng số 9 thẩm phán) thì mới có thể khôi phục lệnh cấm này.

Trọng Đức

Xem thêm: