Hôm thứ Sáu (7/10), Hoa Kỳ đã đưa ra một biện pháp kiểm soát xuất khẩu toàn diện và nghiêm ngặt nhất, nhằm hạn chế việc Đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) kết hợp dân sự và quân sự sử dụng công nghệ chip của Mỹ để phát triển siêu máy tính, AI và các công nghệ khác.

Các nhà phân tích chỉ ra rằng loạt biện pháp này có lẽ là sự thay đổi chính sách lớn nhất của Mỹ kể từ những năm 1990 đối với việc xuất khẩu công nghệ cho ĐCSTQ. Các điều khoản này nghiêm ngặt tương tự như các lệnh trừng phạt trước đây của Hoa Kỳ đối với Huawei, và nó đã được mở rộng ra toàn bộ ngành công nghiệp chip của ĐCSTQ.

Nếu được triển khai hiệu quả, nó có thể khiến ngành công nghiệp chip của ĐCSTQ bị tụt hậu hơn 1 hoặc 2 thế hệ. Những người trong ngành cho biết nếu lệnh cấm mới được thực hiện nghiêm túc, điều này tương đương với việc đưa công nghệ chip của ĐCSTQ trở lại “thời kỳ đồ đá”.

Hạ nghị sĩ Michael McCaul bang Texas, thành viên hàng đầu của Đảng Cộng hòa trong Ủy ban Đối ngoại Hạ viện, cũng ca ngợi những hạn chế mới của chính quyền Biden đối với Trung Quốc trong một tuyên bố hôm 7/10.

Ông nói: “Nếu Cục Công nghiệp và An ninh (BIS) của Bộ Thương mại thực thi các quy định này theo các tiêu chuẩn nghiêm ngặt nhất, thì điều đó sẽ đánh trúng trọng tâm các mục tiêu chiến lược của Trung Quốc.”

Lệnh cấm nhằm ngăn chặn Trung Quốc phát triển năng lực quân sự và khả năng giám sát

Ngày 7/10, Mỹ đã thêm nhà sản xuất chip hàng đầu của Trung Quốc Yangtze Memory Technologies (YMTC) và 30 đơn vị khác của Trung Quốc vào danh sách chưa được xác minh. Bị đưa vào “Danh sách chưa được xác minh” là tiền đề để liệt vào danh sách đen.

Các quan chức Nhà Trắng nói rằng những hạn chế này là cần thiết để ngăn Trung Quốc phát triển quân đội, vũ khí và thiết bị tối tân, nhằm tăng cường hơn nữa mạng lưới giám sát của họ. Mạng lưới giám sát Internet của Trung Quốc hiện nay là một trong những mạng lưới tinh vi nhất trên thế giới.

Bà Thea D. Rozman Kendler, trợ lý Bộ trưởng Thương mại về quản lý xuất khẩu, cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Sáu (7/10) rằng Trung Quốc “đã đầu tư đáng kể các nguồn lực vào việc phát triển siêu máy tính, và tìm cách trở thành quốc gia dẫn đầu thế giới về trí tuệ nhân tạo vào năm 2030. Nước này đang sử dụng những khả năng trên để giám sát và theo dõi các công dân của chính mình, và tăng cường sức mạnh cho việc hiện đại hóa quân đội của họ.”

Lệnh cấm mới đẩy Trung Quốc trở lại “thời kỳ đồ đá”

Theo các biện pháp kiểm soát xuất khẩu mới của Mỹ, một số chip dành cho trí tuệ nhân tạo, máy tính hiệu suất cao và siêu máy tính được sản xuất bằng công nghệ của Hoa Kỳ, chỉ có thể được bán cho Trung Quốc khi có giấy phép xuất khẩu. Trong khi những giấy phép này rất khó xin được.

Ngoài ra, Washington cũng cấm công dân hoặc tổ chức Hoa Kỳ làm việc với các nhà sản xuất chip Trung Quốc, trừ khi có được chấp thuận đặc biệt.

Ông Jim Lewis, chuyên gia an ninh tại “Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế” (CSIS) cho biết: “Điều này sẽ khiến Trung Quốc thụt lùi lại một vài năm.”

Ông Ngô Tư Hạo (SzeHo Ng), Giám đốc điều hành của China Renaissance, cũng nhận định: “Nói dễ hiểu, (các công ty Trung Quốc) về cơ bản đã trở lại thời kỳ đồ đá.”

chip
(Ảnh: Shutterstock)

Người dùng Trung Quốc hiện chiếm gần 1/4 nhu cầu chip toàn cầu, các nhà cung cấp nước ngoài cũng sẽ bị ảnh hưởng. Nhưng một số nhà phân tích cho rằng động lực chính của Mỹ là làm chậm lại sự phát triển công nghệ bán dẫn tiên tiến nhất của ĐCSTQ.

Các nhà sản xuất hàng đầu trong ngành như TSMC hay Intel sẽ được hưởng lợi. Các công ty sản xuất bộ nhớ cạnh tranh trực tiếp với YMTC như Kioxia của Nhật Bản cũng sẽ có lợi.

“Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Mỹ” (SIA), đại diện cho các nhà sản xuất chip, cho biết họ đang nghiên cứu các quy tắc, và đốc thúc Chính phủ “thực thi các quy tắc một cách có mục tiêu và làm việc với các đối tác quốc tế, nhằm tạo được một môi trường cạnh tranh bình đẳng.”

Vũ khí bí mật: “Quy tắc sản phẩm trực tiếp nước ngoài” (FDPR)

Lần này, chính quyền Biden đã sử dụng một vũ khí bí mật ít được biết đến, đó là “Quy tắc sản phẩm trực tiếp nước ngoài” (FDPR). Quy tắc này không chỉ áp dụng cho các nhà sản xuất chip của Mỹ, mà cho bất kỳ công ty chip nào trên thế giới sử dụng thiết bị hoặc phần mềm của Mỹ. Ngày nay, hầu như tất cả các con chip đều được làm bằng các công cụ của Mỹ, hoặc được thiết kế bằng phần mềm của Mỹ.

Năm 2020, chính quyền Trump đã cắt nguồn cung cấp chip cho Huawei, nhưng sau đó phát hiện rằng một số các nhà máy bên ngoài Hoa Kỳ vẫn gửi chip cho Huawei. Để bịt lỗ hổng này, tháng 8/2020, các nhà quản lý Hoa Kỳ đã tung ra vũ khí bí mật FDPR.

FDPR đã làm tê liệt hoạt động kinh doanh điện thoại thông minh của Huawei. Hai năm sau, Huawei không chỉ mất doanh thu mà còn mất vị trí dẫn đầu trong ngành.

Các siêu máy tính có thể được sử dụng để phát triển vũ khí hạt nhân và công nghệ quân sự khác. Các chuyên gia trong ngành cho rằng định nghĩa mới của Hoa Kỳ về siêu máy tính, có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc các quy tắc mới ảnh hưởng đến Trung Quốc như thế nào.

Quy tắc mới của Hoa Kỳ định nghĩa một siêu máy tính là sức mạnh tính toán trong một không gian xác định, tức khả năng thực hiện 100.000 tỷ hoạt động mỗi giây trong không gian 41.600 feet khối.

Ông Freund, nhà tư vấn tại Công ty AI Cambrian, cho biết: “Họ [ĐCSTQ] sẽ phải phát triển công nghệ sản xuất của riêng mình. Họ sẽ phải phát triển công nghệ vi xử lý của riêng mình, để thay thế những công nghệ của Mỹ hoặc phương Tây mà họ đang sử dụng hiện nay.” Ông nói thêm rằng trong trường hợp này, có thể mất từ ​​5 -10 năm để Trung Quốc bắt kịp công nghệ hiện đại.

Quy định FDPR yêu cầu sự hợp tác của các nhà sản xuất chip bên ngoài Hoa Kỳ. Đáp lại tuyên bố của Hoa Kỳ, Bộ Kinh tế Đài Loan cho biết, từ lâu ngành công nghiệp bán dẫn của Đài Loan đã phục vụ khách hàng toàn cầu, và rất coi trọng việc tuân thủ luật pháp.

SK Hynix của Hàn Quốc, một trong những nhà sản xuất chip nhớ lớn nhất thế giới có nhà máy ở Trung Quốc, cũng cho biết sẽ hợp tác chặt chẽ với Chính phủ Hàn Quốc về việc này.

Các thể chế chính trị khác nhau quyết định cách thức phát triển và sử dụng công nghệ khác nhau

Vào giữa tháng Chín, “Dự án Nghiên cứu Năng lực Cạnh tranh Đặc biệt” (SCSP) đã phát hành một báo cáo có tựa đề “Những thách thức giữa thập kỷ đối với năng lực cạnh tranh quốc gia.”  Nhiều thành viên của SCSP là cựu thành viên của “Hội đồng An ninh Quốc gia về Trí tuệ Nhân tạo” (NSCAI) do Quốc hội Hoa Kỳ trước đây thành lập.

Báo cáo cho biết các thể chế chính trị khác nhau sẽ quyết định cách thức phát triển và sử dụng công nghệ khác nhau.

Cuộc cạnh tranh công nghệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ quyết định công nghệ được sử dụng để cải thiện xã hội và phúc lợi cho con người, hay để kiểm soát và giám sát con người. Điều này can hệ tới xã hội tự do, thị trường mở, chính phủ dân chủ và trật tự thế giới trong tương lai bắt nguồn từ tự do thay vì ép buộc.

Bình Minh (t/h)