Gần đây, truyền thông Hàn Quốc đưa tin, nhà cầm quyền Trung Quốc ra điều kiện với tập đoàn LG Hàn Quốc, yêu cầu LG Display phải chuyển giao công nghệ cho phía Trung Quốc để đổi lại việc được tiếp tục xây dựng nhà máy liên doanh tại Quảng Châu. Nhà máy của LG Display đã xây dựng được hơn 8 tháng, số tiền đầu tư đã lên đến hàng trăm tỷ won. Có phân tích chỉ ra, Trung Quốc không phải là một quốc gia pháp trị, đây là hệ quả khó tránh khi qua lại với chính quyền Trung Quốc, cách tốt là hãy tránh xa nó.

LG
Ảnh minh họa từ Flickr

LGD khó chấp nhận ba điều kiện của chính quyền Trung Quốc

Công ty sản xuất màn hình LG Display thuộc (LGD) Tập đoàn LG Hàn Quốc cho biết chi nhánh của mình ở Trung Quốc đang gặp nhiều rắc rối.

Những nguồn tin chỉ ra, nhà cầm quyền Trung Quốc đã dựa vào việc phê chuẩn cho xây dựng nhà máy LG Display tại Quảng Châu, đưa ra yêu cầu: thứ nhất, chuyển giao công nghệ sản xuất màn hình OLED; thứ hai, xây dựng trung tâm nghiên cứu và phát triển OLED; thứ ba, vật liệu các bộ phận và linh kiện phải mua sắm từ địa phương, mục đích để bảo hộ các doanh nghiệp liên quan của Trung Quốc Đại lục.

LG Display có kế hoạch đầu tư 7,4 nghìn tỷ won (khoảng 6,86 tỷ đô la Mỹ) để xây dựng một nhà máy OLED thế hệ 8.5 tại Quảng Châu, dự kiến ​​sẽ hoàn thành vào nửa cuối năm sau. Vốn đăng ký khoảng 15,7 tỷ nhân dân tệ (2,45 tỷ đô la Mỹ), LGD sẽ nắm giữ 70% cổ phần, còn công ty Công nghệ Kaide Quảng Châu của Trung Quốc nắm giữ 30%. Trong quá trình xét duyệt cho LG Display xây dựng nhà máy ở Quảng Châu, đã có nhân sự cấp cao của nhà sản xuất màn hình BOE Trung Quốc phản đối mạnh mẽ.

Theo nguyên tắc phải thỏa thuận trước khi bắt đầu xây dựng nhà máy

Trên Epoch Times, nhà bình luận Tần Bằng (Qin Peng) chỉ ra, theo quy định của WTO, hai yêu cầu đầu tiên của nhà cầm quyền Trung Quốc là không được phép. Nhà cầm quyền Trung Quốc nên thông báo trước khi bắt đầu xây dựng nhà máy. Việc họ bất ngờ đưa ra yêu cầu sau khi xây dựng hoàn thành một nửa, về bản chất đây là minh chứng điển hình của thủ đoạn cưỡng ép chuyển giao công nghệ. Hành động kiểu lưu manh này chỉ có nhà cầm quyền Trung Quốc mới dám làm.

“Hai yêu cầu đầu tiên nhằm vào vấn đề chiếm lĩnh kỹ thuật, thậm chí là đánh cắp, về dài hạn mà nói không khác gì đòi mạng của LG. Trong ngắn hạn LG có thể có được thị trường, kiếm được tiền; nhưng về khả năng cạnh tranh dài hạn, khi công nghệ cốt lõi bị chuyển giao hoặc bị mất do trộm cắp, nhiều khả năng doanh nghiệp có thể sẽ dần bị các đối thủ cạnh tranh Trung Quốc thay thế.”, Tần Bằng nhận định.

Còn ông Cao Duy Bang (Gao Weibang), Chủ tịch của “Hội Nhà Đầu tư Đài Loan là Nạn nhân Trung Quốc”  (Victims of Investment in China Association, VICA) thì chia sẻ, Trung Quốc không phải là một đất nước pháp trị, những trường hợp bị Trung Quốc trở mặt là quá nhiều, sau khi doanh nghiệp nước ngoài bỏ tiền đầu tư xong thì họ mới bắt đầu gây chuyện. Trước đây từng có dạo các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Đài Loan có trình độ công nghệ đã cho thành lập các nhà máy tại Trung Quốc đại lục. “Ban đầu Trung Quốc đại lục không có công nghệ liên quan nào, đặc biệt là công nghệ sản xuất consumer product (hàng dân dụng).”

“Sau khi doanh nghiệp Đài Loan mở nhà máy thì bị trở mặt, bị quy tội trốn thuế, rồi trục xuất tổng giám đốc, quản đốc của nhà máy về Đài Loan, bằng cách đó toàn bộ nhà máy bị biếu không cho Trung Quốc. Thông thường các công ty nước ngoài không có khả năng để chống lại; đây là số phận không thể tránh khỏi khi làm ăn với một quốc gia không có pháp trị. Vì vậy cách tốt nhất là hãy tránh xa nó”.

Ông Cao Duy Bang lấy dẫn chứng trước đây Samsung của Hàn Quốc đã liên doanh với một công ty Trung Quốc để sản xuất màn hình LCD, vì thèm muốn thị trường lớn Trung Quốc, lại có thêm cổ đông lớn. “Nhưng nếu anh bị mất công nghệ, về dài hạn anh sẽ mất thị trường, đây chính là ý đồ của Trung Quốc”.

Vào cuối năm ngoái giới truyền thông Trung Quốc Đại lục đưa tin, những năm gần đây nhiều công ty sản xuất màn hình LCD Trung Quốc phát triển bùng nổ, cùng với chính sách của Nhà nước trợ cấp cho sự phát triển công nghệ màn hình mới đã làm cho các công ty Hàn Quốc cảm thấy nguy cơ, đang phải dần chuyển sang OLED, từ bỏ dây chuyền sản xuất màn hình LCD. Chỉ trong vòng ba năm mà Samsung Display đã liên tiếp đóng cửa một nhà máy màn hình LCD thế hệ thứ 7 cùng hai dây chuyền màn hình LCD thế hệ thứ 5 để xây dựng hai nhà máy OLED quy mô lớn ở Hàn Quốc. Năm nay họ cũng đầu tư 8,8 tỷ đô la Mỹ để mở rộng năng lực sản xuất và chuyển đổi dây chuyền sản xuất LCD ban đầu thành dây chuyền sản xuất OLED.

Chính phủ Hàn Quốc đã sớm cảnh giác

Trên thực tế, ngày 26/12 năm ngoái Chính phủ Hàn Quốc mới phê duyệt có điều kiện cho LG đầu tư vào Trung Quốc đại lục. Chính phủ Hàn Quốc yêu cầu: thứ nhất, nâng tỷ lệ “nội địa” đối với vật liệu và thiết bị… tỷ lệ khoảng 70%; thứ hai,… công ty LG phải cùng Chính phủ Hàn Quốc thành lập nhóm nghiên cứu các biện pháp an toàn, cứ 6 tháng một lần kiểm tra tình hình bảo mật kỹ thuật tại nhà máy ở Trung Quốc; thứ ba, công nghệ OLED thế hệ mới phải được nghiên cứu và phát triển trong nước, các thiết bị liên quan cũng cần phải được sản xuất tại Hàn Quốc.

Theo phân tích của Cao Duy Bang, nếu chính phủ Hàn Quốc ra tay gây áp lực đối với Trung Quốc, cách ứng phó của Trung Quốc sẽ áp dụng linh hoạt, cho đến khi áp lực đạt đến một mức độ nhất định nào đó thì nhà cầm quyền Trung Quốc có thể sẽ tuyên bố “đôi bên đã xảy ra chút hiểu lầm”. “Sau đó theo thời gian, cuối cùng cũng sẽ dần bị Trung Quốc thôn tính. Nhờ vào số tiền trợ cấp của Nhà nước, phía doanh nghiệp Trung Quốc rồi sẽ tiếp cận được công nghệ, sau đó dùng giá thành rẻ đưa ra thị trường khiến hầu như không có đối thủ nào cạnh tranh được.”

“Tổng thống Trump đã nhiều lần lên tiếng phản đối thủ đoạn buộc các công ty nước ngoài chuyển giao công nghệ cho Trung Quốc. Tất nhiên đó là vì ông Trump cảnh giác, vì vậy mới mạnh tay như vậy đối với Trung Quốc, đặc biệt là tăng thuế quan (50 tỷ) để ngăn chặn thủ đoạn bất hợp pháp cướp công nghệ, để cảnh cáo. Sau khi xảy ra sự kiện LGD, có lẽ toàn bộ Hàn Quốc sẽ thức tỉnh”, ông Cao Duy Bang nói.

Ông Tần Bằng (Qin Peng) cho rằng áp lực của Mỹ sẽ làm chính quyền Trung Quốc hạn chế những hành động tương tự đối với các doanh nghiệp Mỹ, nhưng không thể loại bỏ được hoàn toàn.

Mới đây (ngày 01/6), Ủy ban châu Âu đã có thông báo,  theo đó, WTO đã bắt đầu thủ tục tố tụng chống lại tình trạng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ mà Trung Quốc gây ra đối với các công ty châu Âu. Liên quan vấn đề này, nhiều nhận định cho rằng nếu các nước khác cũng mạnh mẽ áp dụng những biện pháp tương tự, có thể hạn chế được Trung Quốc ở một mức độ nhất định.

Huệ Anh

Xem thêm: