Ngày 29/5, người đứng đầu cơ quan tị nạn của Liên Hợp Quốc cho biết, ước tính khoảng một triệu người có thể chạy trốn khỏi Sudan vào tháng 10. Thực trạng này rất có thể sẽ làm gia tăng nạn buôn người và phát tán vũ khí tại quốc gia này.

Embed from Getty Images

Người đứng đầu cơ quan tị nạn Liên Hợp Quốc Filippo Grandi (Ảnh minh họa: Getty Images)

Hiện đã có hơn 350.000 người chạy trốn qua biên giới Sudan kể từ khi cuộc chiến giữa quân đội và Lực lượng hỗ trợ nhanh bán quân sự (RSF) nổ ra vào ngày 15/4, hầu hết hướng đến Ai Cập, Chad và Nam Sudan.

Hơn 1 triệu người đã phải di dời ở Sudan, quốc gia có dân số 49 triệu người. Giao tranh ác liệt đã tàn phá các khu dân cư của thủ đô Khartoum và bạo lực cũng bùng phát ở khu vực phía Tây Darfur.

UNHCR dự đoán, khoảng 800.000 người Sudan và 200.000 người thuộc các quốc tịch khác sẽ rời Sudan trong vòng hơn 6 tháng, người đứng đầu cơ quan tị nạn Filippo Grandi nói trong một cuộc phỏng vấn ở Cairo sau chuyến thăm biên giới với Sudan.

Ông bày tỏ: “Dự báo đưa ra về con số [người rời khỏi Sudan] trong vài tháng khá dè dặt. Lúc đầu, tôi không tin điều đó sẽ xảy ra, nhưng đến giờ tôi bắt đầu lo lắng.”

Các quốc gia giáp với Sudan bao gồm Nam Sudan, Cộng hòa Trung Phi, Ethiopia và Libya, tất cả đều bị ảnh hưởng bởi các cuộc xung đột gần đây của chính họ.

Ông Grandi nhận định, sự sụp đổ của luật pháp và trật tự ở Sudan và thực tế rằng có “rất nhiều người tuyệt vọng muốn tiếp tục sống” – những điều đó sẽ có thể dẫn đến nạn buôn người, đồng thời vũ khí lưu thông qua biên giới có thể gây ra nhiều bạo lực hơn.

“Chúng tôi đã thấy điều đó ở Libya với Sahel. Chúng tôi không muốn điều đó lặp lại bởi vì đó sẽ là một cấp số nhân của cuộc khủng hoảng và các vấn đề nhân đạo,” ông khẳng định.

Liên Hợp Quốc đã kêu gọi hỗ trợ 470 triệu đô la Mỹ cho hoạt động ứng phó với người tị nạn trong cuộc khủng hoảng Sudan trong hơn 6 tháng. 

Ông Grandi cho hay, UNHCR đang cố gắng thiết lập sự hiện diện ở thị trấn Wadi Halfa phía Bắc Sudan, nơi nhiều đàn ông Sudan từ 16 đến 50 tuổi gặp khó khăn khi xin thị thực vào Ai Cập, nhưng ông không chắc khi nào điều này có thể thực hiện được. Phụ nữ, trẻ em và người già không cần thị thực.

Ông cũng lưu ý, viện trợ cần được chuyển đến vùng đệm giữa các đồn biên phòng của Ai Cập và Sudan, nơi những người chạy trốn cũng phải chờ đợi lâu.

Kể từ khi cuộc xung đột bắt đầu, gần 160.000 người đã vượt biên từ Sudan sang Ai Cập, nơi vốn đã là nơi sinh sống của một cộng đồng lớn người Sudan.

Minh Ngọc (Theo Reuters)