Người đứng đầu cơ quan giám sát hạt nhân của Liên Hợp Quốc đã yêu cầu tiến hành một cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng Bảo an vào thứ Năm (ngày 11/8) về cuộc khủng hoảng “nghiêm trọng” đang diễn ra tại nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia ở Ukraine, khi Moscow và Kyiv đồng thời đưa ra cáo buộc về vụ pháo kích mới gần cơ sở này.

Embed from Getty Images

Ông Rafael Grossi, Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (Ảnh: Getty Images)

“Đây là thời khắc nghiêm trọng, một thời khắc nghiêm trọng,” ông Rafael Grossi, Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) nói với Hội đồng Bảo an. Ông nhấn mạnh thêm, IAEA phải nhanh chóng được phép thực hiện một sứ mệnh tới Zaporizhzhia.

Tại Kyiv, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cáo buộc Moscow “đe dọa hạt nhân” trong khi ông kêu gọi cộng đồng quốc tế “phản ứng ngay lập tức để đuổi những kẻ chiếm đóng khỏi Zaporizhzhia”.

Ông Zelensky phát biểu trong một đoạn video: “Chỉ có sự rút lui hoàn toàn của người Nga… mới đảm bảo an toàn hạt nhân cho toàn bộ châu Âu.”

Moscow và Kyiv hôm thứ Năm (11/8) đã cáo buộc lẫn nhau về vụ pháo kích mới gần nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia, một sự leo thang nguy hiểm sau 5 tháng chiến tranh.

Cả hai bên đều thông báo, đã xảy ra 5 vụ tấn công bằng tên lửa gần khu vực chứa chất phóng xạ tại nhà máy, cơ sở hạt nhân lớn nhất châu Âu, nơi đang là trọng tâm của các cuộc giao tranh mới trong những ngày gần đây.

Cơ quan hạt nhân của Ukraine Energoatom cho biết, sau đó đã có một cuộc pháo kích mới của Nga gần một trong sáu lò phản ứng của nhà máy, dẫn đến tình trạng “khói lan rộng”“một số cảm biến bức xạ bị hư hỏng”.

Hiện nhà máy Zaporizhzhia nằm dưới sự kiểm soát của quân đội Nga từ tháng 3/2022. Ông Vladimir Rogov, một thành viên của chính quyền khu vực do Moscow dựng lên, tuyên bố rằng, các lực lượng Ukraine đã “một lần nữa tấn công” nhà máy. Phía Ukraine lại khẳng định Moscow đã điều động hàng trăm binh sĩ và tàng trữ vũ khí ở đó.

Embed from Getty Images

Tại New York, các thành viên Hội đồng Bảo an đều ủng hộ lời kêu gọi thực hiện một phái bộ khẩn cấp của IAEA tới Ukraine – nhưng không có sự nhất trí nào về việc ai là người chịu trách nhiệm cho các cuộc tấn công và ai sẽ chịu trách nhiệm hỗ trợ sứ mệnh này.

Ông Bonnie Jenkins, Thứ trưởng phụ trách kiểm soát vũ khí và an ninh quốc tế của Bộ Ngoại giao Mỹ nhận định, chuyến thăm của IAEA tới Ukraine “không thể chờ đợi thêm nữa”, và hiện chỉ cần rút toàn bộ quân đội Nga khỏi Ukraine sẽ có thể giữ an toàn cho nhà máy hạt nhân.

“Điều đó sẽ cho phép Ukraine khôi phục hiệu suất an toàn, an ninh và các biện pháp bảo vệ hoàn hảo mà họ đã duy trì trong nhiều thập kỷ tại cơ sở này.”

Tuy nhiên, Đại sứ Liên Hợp Quốc của Nga Vasily Nebenzya lại đổ lỗi cho các lực lượng Ukraine về các cuộc tấn công xung quanh Zaporizhzhia, yêu cầu “họ ngay lập tức ngừng các cuộc tấn công vào điện hạt nhân Zaporizhzhia để đảm bảo các điều kiện an toàn cho việc tiến hành sứ mệnh của IAEA”.

Ông còn nói: “Quy mô thực sự của thảm họa hạt nhân tại nhà máy điện hạt nhân Zaporozhye là quá khó để hình dung. Trong trường hợp này, trách nhiệm sẽ thuộc về các nhà tài trợ phương Tây của Kyiv.”

Trước đó, ngày 11/8, Washington cũng ủng hộ các lời kêu gọi thiết lập một khu phi quân sự xung quanh nhà máy.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cũng từng cảnh báo Nga có thể gây ra một sự cố “còn thảm khốc hơn cả Chernobyl” – ám chỉ thảm họa hạt nhân ở Ukraine thời thuộc Liên Xô năm 1986.

Minh Ngọc (Theo AFP)