Liên Hiệp Quốc hôm thứ Năm (22/4) cho biết tình trạng mất an ninh lương thực đang tăng lên nhanh chóng tại Myanmar trong bối cảnh đảo chính quân sự, trấn áp biểu tình và khủng hoảng tài chính sâu rộng. Cuộc khủng hoảng ngày càng trở nên tồi tệ hơn sẽ khiến thêm hàng triệu người dân Myanmar phải đối mặt với nạn đói trong 3 đến 6 tháng tới.

Embed from Getty Images

Reuters dẫn một phân tích của Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) của Liên Hiệp Quốc cho biết có thêm khoảng 3,4 triệu người Myanmar sẽ gặp khó trong việc mua thực phẩm trong 3 đến 6 tháng tới. Các khu vực đô thị sẽ chịu ảnh hưởng tồi tệ nhất do gia tăng mất việc làm trong các ngành sản xuất, xây dựng và dịch vụ, và giá thực phẩm tăng cao.

Trước cuộc đảo chính quân sự đầu tháng Hai, WFP cho biết khoảng 2,8 triệu người Mynmar được xem là thiếu an ninh lương thực trong bối cảnh suy giảm kinh tế do đại dịch virus Vũ Hán.

Giám đốc quốc gia Stephen Anderson của WFP nói trong một tuyên bố phát đi hôm 22/4 rằng: “Càng ngày càng có nhiều người nghèo [tại Myanmar] mất việc làm và không có khả năng mua lương thực”.

Bây giờ đòi hỏi phải có phản ứng từ nhiều phía để giảm thiểu sự đau khổ ngay lập tức, và cũng để ngăn chặn sự suy giảm đáng báo động về an ninh lương thực”, ông Stephen Anderson nói thêm.

Theo WFP, giá gạo và dầu ăn trên thị trường Myanmar đã tăng lần lượt 5% và 18% kể từ cuối tháng Hai. WFP ghi nhận nhiều gia đình tại thành phố Yangon (trung tâm thương mại lớn nhất Myanmar) đang phải bỏ bữa ăn, ăn ít thực phẩm bổ dưỡng hơn, và phải vay nợ.

WFP cho biết họ sẽ mở rộng hoạt động, tăng gấp ba số người dân Myanmar cần trợ giúp lên 3,3 triệu người, và đang huy động 106 triệu USD.

Cuộc khủng hoảng tại Myanmar cũng dẫn tới hệ thống ngân hàng bị đình trệ, nhiều chi nhánh ngân hàng đóng cửa nên các doanh nghiệp không thể giao dịch và người dân không thể rút tiền.

Theo Reuters, hầu hết các công ty ngành xuất nhập khẩu đã bị tạm dừng hoạt động và các nhà máy đã dừng sản xuất. Ngoài ra, nhiều người dân Myanmar sống phụ thuộc vào khoản tiền người thân gửi từ nước ngoài về và họ hiện đang không thể rút khoản này từ ngân hàng.

Ngân hàng Thế giới (WB) dự đoán GDP của Mynamar sẽ giảm 10% trong năm 2021. Dự đoán này là đảo ngược với thông tin lạc quan mà WB nhận định về kinh tế Myanmar trước khi xảy ra cuộc đảo chính quân sự.

Trước khi đưa ra thông tin về việc có thêm hàng triệu người Myanmar phải đối mặt với nạn đói trong vài tháng tới, Liên Hiệp Quốc hôm thứ Tư (21/4) đã loan báo rằng việc quân đội Myanmar đàn áp người biểu tình chống đảo chính đã khiến gần 1/4 triệu người Myanmar phải di tản.

Báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về tình hình nhân quyền tại Myanmar Tom Andrews hôm 21/4 đã viết trên Twitter: “Theo các nguồn tin, thật kinh hoàng khi biết rằng … các cuộc tấn công của quân đội [Myanmar] đã khiến gần một phần tư triệu người Myanmar phải di tản. Thế giới phải hành động ngay lập tức để giải quyết thảm họa nhân đạo này.

Theo Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị (AAPP), một tổ chức giám sát địa phương, ít nhất 738 người đã bị giết và 3.300 người đang sống mòn mỏi trong các nhà tù như những tù nhân chính trị kể từ sau ngày 1/2.

Xuân Thành (Theo Reuters)

Xem thêm: