Một báo cáo của Liên Hợp Quốc cho thấy, việc trồng thuốc phiện ở Myanmar do quân đội cai trị đã tăng 33% vào năm ngoái, đảo ngược xu hướng giảm trong 6 năm qua ở đất nước vốn đang bị xung đột tàn phá này.

Theo một quan chức tại Văn phòng Liên Hợp Quốc về Ma túy và Tội phạm (UNODC), sự tăng trưởng này “có liên quan trực tiếp” đến những bất ổn chính trị và kinh tế ở Myanmar kể từ khi quân đội lên nắm quyền sau một cuộc đảo chính gần hai năm trước.

Ông Jeremy Douglas, đại diện khu vực của UNODC nhận định: “Những gián đoạn về kinh tế, an ninh và quản trị sau khi quân đội tiếp quản vào tháng 2/2021 đã hội tụ lại, và những người nông dân ở những khu vực xa xôi, những vùng thường xuyên xảy ra xung đột… không còn lựa chọn nào khác ngoài việc quay trở lại với thuốc phiện.”

Phát ngôn của chính quyền Myanmar đã không trả lời các yêu cầu bình luận của báo giới.

Nền kinh tế Myanmar đã suy giảm đáng kể từ sau cuộc đảo chính. Đồng Kyat mất giá mạnh so với đồng Đô la; trong khi giá lương thực và nhiên liệu leo ​​thang.

Giám đốc UNODC Myanmar Benedikt Hofmann cảnh báo: “Nếu không có các giải pháp thay thế và sự ổn định kinh tế thì có khả năng việc trồng và sản xuất thuốc phiện sẽ tiếp tục mở rộng.”

Báo cáo còn cho hay, diện tích canh tác cây thuốc phiện vào năm 2022 đã tăng thêm một phần ba lên 40.100 ha, trong khi năng suất trung bình ước tính tăng 41% lên gần 20kg mỗi ha, giá trị cao nhất kể từ khi UNODC bắt đầu lưu giữ hồ sơ vào năm 2002.

Bang Shan ở phía Đông Myanmar, nơi tiếp giáp với Trung Quốc, Thái Lan và Lào, có mức tăng trồng trọt thuốc phiện lớn nhất, lên đến 39%.

Đáng lưu ý, giá trị của thuốc phiện được sản xuất hàng năm ở Myanmar có thể lên tới 2 tỷ USD, mà phần lớn thuốc phiện được buôn lậu sang các nước láng giềng và thị trường toàn cầu, theo báo cáo.

Minh Ngọc (Theo Reuters)