Theo Michelle Bachelet, người đứng đầu cơ quan nhân quyền của Liên Hợp Quốc, Taliban được cho là đang thực hiện các vụ giết người trả thù các cựu lực lượng an ninh Afghanistan.

Embed from Getty Images

Trích dẫn những cáo buộc đáng tin cậy mà văn phòng của bà nhận được, bà Bachelet cũng cho biết đã có báo cáo về các trường hợp Taliban bắt giữ các cựu quan chức của chính phủ Afghanistan bị lật đổ và người thân của họ. Những người này sau đó được xác nhận là đã chết.

Người đứng đầu cơ quan nhân quyền cảnh báo rằng Afghanistan có thể đang bước vào một “giai đoạn mới và nguy hiểm”, bất chấp những trấn an ban đầu từ Taliban rằng họ sẽ không trả đũa và thành lập một chính phủ gồm nhiều thành phần hơn so với thời kỳ nắm quyền lần cuối vào những năm 1990, AP đưa tin.

Đã có nhiều cáo buộc rằng các chiến binh Taliban đã tiến hành khám xét từng nhà đối với các cựu quan chức chính phủ Afghanistan và những người khác từng làm việc với lực lượng và doanh nghiệp Hoa Kỳ, trong khi các báo cáo khác cho biết các thành viên của nhóm này đã đánh các nhà báo và dẹp các cuộc biểu tình, bà Bachelet nói.

Bà Bachelet lưu ý rằng phụ nữ đã bắt đầu lo sợ mất các quyền cơ bản vì họ đã dần bị loại ra khỏi cuộc sống cộng đồng kể từ khi nhóm này lên nắm quyền vào giữa tháng 8 và chỉ định một chính phủ toàn nam giới.

Các chính phủ phương Tây và người đứng đầu cơ quan nhân quyền của LHQ đã lên tiếng bày tỏ lo ngại về những bước đi đầu tiên của Taliban khi bắt đầu thiết lập quyền lực ở Afghanistan.

Trong khi đó, Liên Hợp Quốc đã tổ chức một hội nghị các nhà tài trợ để gây quỹ khẩn cấp cho những người dân Afghanistan nghèo khổ đang đối mặt với nạn đói lan rộng sau nhiều thập kỷ xung đột.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đã đưa ra lời kêu gọi với ngân sách hơn 600 triệu USD cho thời gian còn lại của năm nay dành cho người Afghanistan.

Theo LHQ, có nhiều lo ngại rằng sự bất ổn và các nỗ lực nhân đạo chưa được tiến hành, cộng với một đợt hạn hán đang diễn ra, có thể gây nguy hiểm hơn nữa đến tính mạng và đẩy Afghanistan vào nạn đói.

Liên Hợp Quốc cho biết những diễn biến gần đây đã làm người Afghanistan ngày càng dễ bị tổn thương.

Trùng hợp với hội nghị ở Geneva, người đứng đầu cơ quan tị nạn của Liên hợp quốc, Filippo Grandi, đã có chuyến thăm không báo trước đến Kabul. Ông viết trên Twitter rằng ông sẽ đánh giá nhu cầu nhân đạo và tình hình của 3,5 triệu người Afghanistan phải di dời – bao gồm hơn 500.000 người đã phải di dời chỉ trong năm nay.

Trong Hội nghị các nhà tài trợ, Bộ trưởng Ngoại giao Đức Heiko Maas cho biết thế giới có “nghĩa vụ đạo đức” là tiếp tục giúp đỡ người dân Afghanistan, và nói rằng Đức sẽ “tăng cường đáng kể” viện trợ nhân đạo cho Afghanistan. Nhưng ông cũng đề nghị viện trợ như vậy sẽ chỉ tiếp tục nếu các quyền được Taliban tôn trọng.

“Chúng tôi yêu cầu Taliban tôn trọng các quyền cơ bản của con người, đặc biệt là quyền của phụ nữ và trẻ em gái”, ông Maas tuyên bố và nói rằng đó sẽ là “chuẩn mực cho chúng tôi và các đối tác của chúng tôi trong việc xác định sự tham gia trong tương lai với một chính phủ Afghanistan mới – bao gồm cả đối với hỗ trợ phát triển.”

Ông cũng chỉ trích quyết định của Taliban loại trừ các nhóm khác khỏi chính phủ lâm thời được công bố gần đây, cho rằng đó là “tín hiệu không đúng đắn” cho sự hợp tác và ổn định quốc tế ở Afghanistan.

Lê Vy

Xem thêm: