Trong một chuyển động chính trị hiếm thấy, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc mới đây đã bỏ phiếu thông qua nghị quyết kêu gọi tạm dừng bán vũ khí cho chính quyền quân sự Myanmar nhằm phản ứng lại cuộc đảo chính quân sự tại quốc gia Đông Nam Á này vốn xảy ra từ đầu năm nay.

Embed from Getty Images

Theo BBC, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc hôm 18/6 đã bỏ phiếu thông qua nghị quyết lên án chính quyền quân sự Myanmar, kêu gọi họ thả tự do các tù nhân chính trị như lãnh đạo dân cử Aung San Suu Kyi và chấm dứt hành vi bạo lực chống lại những người biểu tình ôn hòa.

Mặc dù nghị quyết nêu trên không có tính ràng buộc pháp lý, nhưng nó mang ý nghĩa chính trị đáng kể cho phong trào dân chủ tại Myanmar.

Đặc sứ Liên Hiệp Quốc tại Myanmar Christine Schraner Burgener đã nói tại Đại hội đồng: “Rủi ro về một cuộc chiến tranh dân sự quy mô lớn là hiện hữu. Thời gian là điều cốt yếu. Cơ hội để đảo ngược sự tiếm quyền của quân đội [Myanmar] đang thu hẹp”.

119 quốc gia đã đồng ý thông qua nghị quyết nêu trên, 36 quốc gia khác bỏ phiếu trắng và chỉ duy nhất Belarus bỏ phiếu trống. Trong số 36 nước bỏ phiếu trắng có Nga và Trung Quốc vốn là hai nhà cung cấp vũ khí lớn nhất cho quân đội Myanmar.

Một số quốc gia bỏ phiếu trắng nói rằng cuộc khủng hoảng tại Myanmar hiện nay là công việc nội bộ của nước này, trong khi các nước bỏ phiếu trắng khác cho rằng nghị quyết này của Liên Hiệp Quốc đã không xử lý được cuộc đàn áp quân sự đẫm máu đối với cộng đồng người Hồi giáo Rohingya xảy ra 4 năm trước. Năm 2017, quân đội Myanmar bị cáo buộc đã trấn áp tàn bạo người Hồi giáo Rohingya khiến gần một triệu người phải trốn chạy khỏi quốc gia Đông Nam Á này.

Đại sứ Liên minh châu Âu tại Liên Hiệp Quốc Olof Skoog nói rằng nghị quyết đã thể hiện việc “không công nhận chính quyền quân sự, lên án hành vi lạm dụng vào bạo lực của chính quyền này đối với người dân của họ và cho thấy sự biệt lập của chính quyền này trong mắt thế giới”.

Tuy nhiên, ông Kyaw Moe Tun, Đại sứ Myanmar tại Liên Hiệp Quốc, đại diện cho chính quyền dân sự đã bị lật đổ, nói rằng ông thất vọng khi Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc mất quá nhiều thời gian để thông qua được nghị quyết mà ông gọi đó là sự “trách khéo” chính quyền quân sự Myanmar.

Quân đội Myanmar thực hiện cuộc đảo chính từ đầu tháng Hai và sau đó dẫn tới các cuộc biểu tình dai dẳng khắp quốc gia Đông Nam Á.

Chính quyền quân sự đã thực hiện trấn áp tàn bạo các cuộc biểu tình, đặc biệt nhắm vào những người ủng hộ dân chủ, các nhà hoạt động và các nhà báo.

Theo nhóm giám sát Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị (AAPP), lực lượng an ninh của chính quyền quân sự Myanmar cho đến nay đã giết hại hơn 860 người và bắt giam gần 5.000 người.

Như Ngọc (Theo BBC)

Xem thêm: