Theo một tài liệu mật của Liên Hợp Quốc được hãng tin Reuters trích dẫn, trong những năm qua Triều Tiên tiếp tục phát triển các chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo và việc tấn công mạng vào các sàn giao dịch tiền mã hoá là một nguồn thu nhập quan trọng đối với Bình Nhưỡng.

Báo cáo thường niên của các nhà quan sát độc lập cuộc cấm vận được đệ trình vào chiều thứ Sáu (4/2) lên Uỷ ban Trừng phạt Triều Tiên của Hội đồng Bảo an LHQ. 

“Dù không có vụ thử hạt nhân hoặc vụ phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) nào được báo cáo, Triều Tiên vẫn tiếp tục phát triển năng lực sản xuất vật liệu phân hạch hạt nhân,” các chuyên gia viết. 

Từ lâu, Triều Tiên đã bị Hội đồng Bảo an LHQ cấm thực hiện các vụ thử hạt nhân và phóng tên lửa đạn đạo. 

“Việc duy trì và phát triển cơ sở hạ tầng hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Triều Tiên vẫn tiếp diễn, và Triều Tiên vẫn tiếp tục tìm kiếm vật liệu, công nghệ và tri thức cho các chương trình này ở nước ngoài, bao gồm thông qua các phương tiện không gian và nghiên cứu khoa học chung,” báo cáo viết. 

Kể từ năm 2006, Triều Tiên phải chịu các lệnh trừng phạt của LHQ, và qua nhiều năm Hội đồng Bảo an đã gia tăng thêm để nhằm vào nguồn tài trợ cho các chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng.

Các nhà giám sát lưu ý rằng có một “sự gia tăng rõ rệt” việc thử tên lửa của Bình Nhưỡng.

Hôm thứ Sáu, Mỹ và nhiều nước khác nói rằng Triều Tiên đã thực hiện 9 vụ phóng tên lửa đạn đạo, cho biết đó là con số lớn nhất trong một tháng trong lịch sử các chương trình tên lửa và vũ khí huỷ diệt hàng loạt của nước này. 

“Triều Tiên đã chứng tỏ khả năng tăng cường triển khai nhanh chóng, khả năng cơ động rộng lớn (kể cả trên biển), và cải thiện khả năng phục hồi lực lượng tên lửa của họ,” các giám sát viên lệnh trừng phạt cho biết. 

Các giám sát viên còn báo cáo rằng “các vụ tấn công mạng, đặc biệt vào tài sản tiền mã hoá, vẫn là một nguồn thu nhập quan trọng” đối với Triều Tiên, và rằng họ đã nhận được thông tin các tin tặc Triều Tiên tiếp tục nhằm vào các tổ chức tài chính, công ty và sàn giao dịch tiền mã hoá. 

“Theo một nước thành viên, những kẻ tấn công mạng đã đánh cắp hơn 50 triệu đôla trong khoảng năm 2020 đến giữa năm 2021 từ ít nhất ba sàn giao dịch tiền mã hoá tại Bắc Mỹ, châu Âu và châu Á,” báo cáo cho biết. 

Các nhà giám sát cũng trích dẫn một báo cáo tháng trước của công ty an ninh mạng Chainalysis rằng năm ngoái Triều Tiên đã tiến hành ít nhất bảy cuộc tấn công các nền tảng tiền mã hoá và lấy đi gần 400 triệu đôla tài sản kỹ thuật số.

Năm 2019, các nhà giám sát việc cấm vận của LHQ đã báo cáo rằng Triều Tiên đã tạo ra ước tính khoảng 2 tỷ đôla cho chương trình vũ khí huỷ diệt hàng loạt bằng cách sử dụng các cuộc tấn công mạng rộng rãi và ngày càng tinh vi của họ.

Báo cáo cũng cho biết “tình trạng nhân quyền của Triều Tiên “tiếp tục xấu đi”, và việc thiếu thông tin từ Triều Tiên có nghĩa là rất khó xác định các biện pháp trừng phạt của LHQ có thể gián tiếp ảnh hưởng cho dân thường đến mức nào.

Ngân Hà (theo Reuters)

Xem thêm: