Liên Hợp Quốc (LHQ) và Liên minh châu Âu (EU) tiếp tục kêu gọi Bắc Kinh ngay lập tức trả tự do cho một nhà báo đang bị bỏ tù vì đã đưa tin về COVID-19 tại Vũ Hán trong những ngày đầu của đại dịch, khi mà bà đang bị bệnh hiểm nghèo.

Screen Shot 2020 12 28 at 4.04.17 PM e1609146338461
Bà Trương Triển (Ảnh chụp màn hình)

Các chuyên gia nhân quyền của Liên Hợp Quốc cho biết hôm 22/11, bà Trương Triển (Zhang Zhan), một phụ nữ 38 tuổi, đã bị giam giữ ở Thượng Hải từ tháng 5/2020, hầu như không thể tự đi lại hoặc ngẩng cao đầu (nếu không có sự trợ giúp) sau khi tuyệt thực kéo dài 17 tháng.

Theo các chuyên gia, cuộc tuyệt thực kéo dài đã khiến bà bị suy dinh dưỡng trầm trọng, loét dạ dày, phù nề chi dưới cùng nhiều biến chứng khác. Khi được đưa vào bệnh viện nhà tù hồi cuối tháng 7, bà được cho là bị trói vào giường và bị bức thực.

Các báo cáo viên nhân quyền cảnh báo trong một tuyên bố chung: “Việc chính quyền Trung Quốc không hành động nhanh chóng và hiệu quả có thể gây ra hậu quả chết người cho bà Trương Triển.”

Họ nhấn mạnh: “Chúng tôi kêu gọi họ [chính quyền Trung Quốc] ngay lập tức phóng thích vô điều kiện cho bà [Trương] và đảm bảo bà được điều trị y tế thích đáng càng sớm càng tốt.”

Bà Nabila Massrali, phát ngôn viên của EU cũng lặp lại lời kêu gọi vào ngày 23/11, yêu cầu ngay lập tức thả bà Trương vô điều kiện. Bà nêu rõ, “những hạn chế của Bắc Kinh đối với quyền tự do ngôn luận, quyền tiếp cận thông tin, cũng như đe dọa, giám sát và giam giữ các nhà báo, giới trí thức, luật sư và các nhà hoạt động” vẫn là một mối quan tâm lớn.

Trước khi bị giam giữ, bà Trương đã đến Vũ Hán và ghi lại cuộc sống của cư dân địa phương khi tâm chấn của đại dịch trải qua đợt bùng phát đầu tiên. Trong hàng chục video điện thoại di động (bị rung nhòe) tải lên Youtube, bà kể chi tiết các chuyến thăm và phỏng vấn của mình tại các bệnh viện, trung tâm cách ly và Viện Virus Vũ Hán. Điều này khiến Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) hết sức không hài lòng.

Cảnh sát Thượng Hải đã bắt bà Trương vào tháng 5/2020 và giam giữ bà trong vài tháng mà không có lý do chính thức.

Ngày 28/12/2020, bà Trương bị kết án 4 năm tù vì tội “tạo tranh cãi và gây bất ổn”, một cáo buộc thường được sử dụng để truy tố những người bất đồng chính kiến.

Luật sư đã đề xuất bà Trương từ chối nhận tội và bắt đầu tuyệt thực để phản đối những cáo buộc chống lại bà.

Đáng chú ý là cả thân và luật sư của bà Trương đều bị cấm đến gặp bà trực tiếp. Theo anh trai bà Trương là ông Zhang Ju (hiện đang sinh sống tại Thượng Hải), lần cuối họ liên hệ với nhau là vào ngày 29/10 qua trò chuyện video.

“Tôi không nghĩ em gái mình có thể sống sót được lâu nữa,” ông cảm thán một bài đăng trên mạng xã hội hôm 30/10. “Tôi ước gì thế giới sẽ vẫn còn nhớ cô ấy, nếu cô ấy không thể sống sót qua mùa đông lạnh giá sắp tới này.”

Trong tuyên bố hôm 23/11, EU kêu gọi Bắc Kinh “thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết để đảm bảo bà Trương Triển được điều trị y tế khẩn cấp và đầy đủ, đồng thời được trao quyền gặp gỡ các thành viên gia đình và luật sư mà bà lựa chọn.”

Ngày 19/11, Hoa Kỳ kêu gọi trả tự do cho bà Trương, nhấn mạnh rằng Washington vô cùng lo ngại về tình trạng sức khỏe xấu đi của bà.

Các nhóm nhân quyền quốc tế, bao gồm Tổ chức Ân xá Quốc tế, cũng yêu cầu trả tự do cho bà Trương. Tại Trung Quốc, các nhà hoạt động nhân quyền đã phát động một bản kiến ​​nghị kêu gọi chăm sóc y tế ngay lập tức cho nữ nhà báo. Tính đến ngày 24/11, gần 700 người Trung Quốc đã ký tên mình vào lá thư.

Ngày 17/11, Tổ chức phóng viên không biên giới đã trao cho Trương Giải thưởng Tự do Báo chí năm 2021 ở hạng mục lòng dũng cảm.

Bà Trương là một trong số các công dân Trung Quốc khác bị chế độ trừng phạt vì tiết lộ mức độ nghiêm trọng của đợt bùng phát đại dịch COVID-19 ở Vũ Hán. Chính quyền Trung Quốc ngày càng thắt chặt luồng thông tin kể từ khi virus corona lần xuất hiện đầu tiên vào cuối năm 2019. Người thổi còi Lý Văn Lượng, bác sĩ đầu tiên lên tiếng báo động loại virus rất dễ lây nhiễm này đã bị cảnh sát khiển trách ngay từ tháng 1/2020. Bác sĩ Lý Văn Lượng sau đó đã qua đời do nhiễm COVID-19.

Minh Ngọc (Theo The Epoch Times)

Xem thêm: