Ngày 12/1, Liên Hợp Quốc xác nhận rằng khoảng thời gian 8 năm qua là thời điểm nóng nhất từng được ghi nhận, kể cả khi hiện tượng La Nina xảy ra năm 2020 đã phần nào giúp làm mát bầu khí quyển.

Embed from Getty Images

Một cánh đồng ô liu nhìn từ trên cao khi hạn hán trên khắp châu Âu đe dọa ngành nông nghiệp ở Jaen, Tây Ban Nha vào ngày 6/1/2023 (Ảnh minh họa: Getty Images) 

Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) cho biết năm ngoái, khi thế giới phải đối mặt với một loạt các thảm họa thiên nhiên chưa từng có do biến đổi khí hậu gây ra, nhiệt độ trung bình toàn cầu cao hơn khoảng 1,15 độ C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp.

“8 năm qua là khoảng thời gian nóng kỷ lục nhất trên toàn cầu, gây ra bởi nồng độ khí nhà kính ngày càng tăng và nhiệt tích lũy,” cơ quan của Liên Hợp Quốc nêu rõ trong một tuyên bố.

Năm nóng nhất được ghi nhận là năm 2016, tiếp theo là năm 2019 và 2020.

Đáng lưu ý, năm 2022 đánh dấu năm thứ tám liên tiếp nhiệt độ toàn cầu hàng năm cao hơn ít nhất một độ so với mức thời kỳ tiền công nghiệp từ năm 1850 đến 1900.

Thỏa thuận Paris, được gần như tất cả các quốc gia trên thế giới nhất trí vào năm 2015, kêu gọi hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5C. Các nhà khoa học đánh giá, mức này sẽ hạn chế tác động của biến đổi khí hậu ở mức có thể kiểm soát được.

Tuy nhiên, WMO đã cảnh báo hôm 12/1, “nguy cơ nhiệt độ tăng vượt giới hạn 1,5C… đang gia tăng theo thời gian.”

WMO đưa ra kết luận dựa trên việc hợp nhất sáu bộ dữ liệu quốc tế hàng đầu, bao gồm bộ theo dõi khí hậu Copernicus của Liên minh Châu Âu (C3S) và Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Hoa Kỳ (NOAA). Các tổ chức này đã công bố những phát hiện tương tự trong tuần này.

Cơ quan của Liên Hợp Quốc nhấn mạnh, khoảng thời gian 8 năm nóng nhất được ghi nhận là kể từ năm 2015, bất chấp các sự kiện La Nina liên tiếp kể từ năm 2020.

Nhờ sự kiện La Nina, năm 2022 chỉ là năm nóng thứ năm hoặc thứ sáu từng được ghi nhận, theo WMO.

Dù vậy, tình hình cục bộ khá nghiêm trọng hơn ở một số khu vực.

Copernicus liệt kê trong báo cáo thường niên hôm 10/1, các vùng cực của Trái Đất đã trải qua nhiệt độ kỷ lục vào năm ngoái, cùng với nhiều khu vực rộng lớn ở Trung Đông, Trung Quốc, Trung Á và Bắc Phi.

Châu Âu cũng đã trải qua năm nóng thứ hai từ trước đến nay khi Pháp, Anh, Tây Ban Nha và Italy lập kỷ lục nhiệt độ trung bình mới. Các đợt nắng nóng cùng với tình trạng hạn hán nghiêm trọng diễn ra trên khắp lục địa.

WMO nhận định, tác động của La Nina đối với hành tinh nói chung dự kiến sẽ kết thúc trong vòng vài tháng và đây chỉ là hiệu ứng ” trong thời gian ngắn”. Hiện tượng La Nina cũng “sẽ không đảo ngược xu hướng ấm lên trong thời gian dài do mức độ khí nhà kính đang ngày càng tăng mạnh trong bầu khí quyển của chúng ta”.

Tại hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP27 vào tháng 11 năm ngoái, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đã tiết lộ kế hoạch 5 năm trị giá 3 tỷ USD để xây dựng một hệ thống cảnh báo sớm toàn cầu đối với các hiện tượng thời tiết cực đoan. 

Minh Ngọc (Theo AFP)