Liên đoàn các cầu thủ bóng đá toàn cầu phát biểu rằng họ đã “sốc và cảm thấy kinh tởm” trước thông tin một cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp người Iran có nguy cơ bị hành quyết vì tham gia vào các cuộc biểu tình phản đối chính phủ.

Tổ chức Liên đoàn Cầu thủ Chuyên nghiệp Quốc tế (FIFPRO), viết trên Twitter rằng họ “bị sốc và cảm thấy kinh tởm trước các báo cáo về việc cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp Amir Nasr-Azadani phải đối mặt với án tử hình ở Iran sau khi vận động cho quyền phụ nữ và quyền tự do cơ bản tại đất nước của anh ấy.”

“Chúng tôi đoàn kết cùng Amir và kêu gọi dỡ bỏ ngay hình phạt đối với anh ấy.”

Anh Nasr-Azadani, 26 tuổi, là cựu cầu thủ của 2 câu lạc bộ Rah-Ahan và Tractor, từng thi đấu ở Giải bóng đá ngoại hạng Iran cho đến năm 2019. Anh đã bị bắt vào cuối tháng 11 sau khi tham gia một cuộc biểu tình trong đó có 3 quan chức an ninh thiệt mạng. Tờ Iranwire đã trích dẫn thông tin từ ông Saeed Azari, cựu giám đốc một câu lạc bộ bóng đá, người đã xác nhận vụ bắt giữ anh Nasr-Azadani trên Instagram.

Ông Azari đã chia sẻ hình ảnh của 2 cầu thủ bóng đá Iran, Nasr-Azadani và Voria Ghafouri, cả hai đều bị lực lượng an ninh bắt giữ.

Trang mạng Iran đã liên lạc với một người họ hàng của anh Nasr-Azadani, người này nói với nhà xuất bản rằng gia đình anh Nasr-Azadani đã bị chính quyền gây áp lực vào những ngày sau khi anh bị bắt. Người thân giấu tên cho biết cảnh sát đã đe dọa rằng anh Nasr-Azadani sẽ phải đối mặt với hình phạt nghiêm trọng hơn nếu họ tiết lộ tin tức về vụ bắt giữ anh ấy.

Theo danh sách của Ủy ban Theo dõi Tù nhân đối với các công dân Iran đã bị kết án tử hình, anh Nasr-Azadani đã bị buộc tội “gây chiến chống lại Chúa” sau khi tham gia các cuộc biểu tình ở thành phố Isfahan miền trung Iran.

Các cuộc biểu tình vào năm 2022 được tiến hành bởi dân thường chứ không phải các nhóm chiến binh. Những người Iran từ mọi tầng lớp xã hội đã phẫn nộ và đứng lên. Điều này đặt ra một trong những thách thức lớn nhất về tính chính thống của giới tinh hoa giáo sĩ Shi’ite kể từ Cách mạng Hồi giáo năm 1979.

Các cuộc biểu tình nổ ra sau khi cô Mahsa Amini, 22 tuổi, một người phụ nữ người Kurd gốc Iran, bị cảnh sát đạo đức bắt giữ vào giữa tháng Chín vì mặc trang phục không phù hợp với quy định bắt buộc của Cộng hòa Hồi giáo và đột ngột qua đời trong lúc bị giam giữ. Các nhân chứng khẳng định cô Amini bị đánh đập trong nhà giam vì trước đó đã đeo khăn trùm đầu không đúng cách, tuy nhiên chính phủ Iran lại thông báo cô từ vong do bị đau tim.

Iran bị trục xuất khỏi Ủy ban Phụ nữ Liên Hợp Quốc

Trong lúc đó, Hội đồng Kinh tế và Xã hội của Liên Hợp Quốc (LHQ) đã bỏ phiếu vào ngày 14/12 để ngay lập tức loại Iran khỏi cơ quan nổi tiếng về quyền phụ nữ do chế độ này vi phạm một cách có hệ thống các quyền của phụ nữ và trẻ em gái.

Nghị quyết do Hoa Kỳ ủng hộ được đưa ra sau cuộc đàn áp tàn bạo đối với những người biểu tình tại Iran vào tháng Chín.

Cuộc bỏ phiếu loại Iran khỏi Ủy ban Địa vị Phụ nữ thuộc LHQ trong thời hạn còn lại của nhiệm kỳ 2022–2026 có kết quả là 29–8, cùng 16 phiếu trắng, trong hội đồng 54 thành viên của Hội đồng Kinh tế và Xã hội.

Nga phản đối nghị quyết và tuyên bố trước cuộc bỏ phiếu rằng họ muốn nhận được ý kiến từ các chuyên gia pháp lý của LHQ về việc liệu Hội đồng Kinh tế và Xã hội có quyền loại bỏ Iran một cách hợp pháp hay không.

Nghị quyết bày tỏ “mối quan ngại sâu sắc” đối với các hành động của Iran kể từ tháng Chín vì “liên tục làm suy yếu và ngày càng đàn áp nhân quyền của phụ nữ và trẻ em gái, bao gồm quyền tự do biểu đạt ý kiến và quan điểm, thường đi kèm với việc sử dụng bạo lực quá mức, bằng cách thực thi các chính sách trắng trợn đi ngược lại quyền con người của phụ nữ và trẻ em gái và chỉ thị của Ủy ban về Địa vị Phụ nữ, cũng như thông qua việc sử dụng vũ lực dẫn đến cái chết của những người biểu tình ôn hòa, bao gồm cả phụ nữ và trẻ em gái.”

Được thành lập vào năm 1946, Ủy ban về Địa vị Phụ nữ đóng vai trò hàng đầu trong việc thúc đẩy quyền của phụ nữ, cung cấp tự liệu thực tế cuộc sống của phụ nữ trên khắp thế giới.

45 thành viên của Ủy ban, từ tất cả các khu vực trên thế giới, được bầu cho nhiệm kỳ 4 năm bởi Hội đồng Kinh tế và Xã hội của Liên hợp quốc.

Vy An (Theo Epoch Times)