Hôm 25/8, Bắc Hàn ăn mừng sự kiện bắn thử nghiệm thành công một tên lửa từ tàu ngầm lần đầu tiên, và cũng đánh dấu thất bại của các nỗ lực quốc tế nhằm ngăn chặn đất nước hiếu chiến này phát triển kỹ nghệ vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Kim Jong Un cho mở tiệc ăn mừng phóng thành công tên lửa từ tàu ngầm tháng 8/2016
Kim Jong Un cho mở tiệc ăn mừng phóng thành công tên lửa từ tàu ngầm tháng 8/2016

Tên lửa đạn đạo tầm trung này được đến 500 km về phía Nhật Bản, được khẳng định một bước tiến lớn trong chương trình phát triển vũ khí của Bình Nhưỡng. Trước đó, các tên lửa phóng từ tàu ngầm của nước này không quá nổi khoảng cách 30 km.

Hôm 3/8, Nhật Bản cũng báo động vì Bình Nhưỡng cho bắn hai tên lửa đạn đạo, trong đó một tên lửa rơi vào vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản, tên lửa kia đã phát nổ sau khi được phóng đi.

Ngoài ra, Bắc Triều Tiên cũng đã bắn một tên lửa tầm xa vào tháng 2, bắn một tên lửa tầm trung vào tháng 6, bắn 3 tên lửa đạn đạo vào biển trong tháng 7. Sự việc gây quan ngại nhất là vụ thử bom hạt nhân, mà Bình Những tuyên bố là bom H, được tiến hành vào ngay đầu năm nay.

Vừa rồi chủ tịch Bắc Hàn Kim Jong Un còn kêu gọi các nhà khoa học của nước này nỗ lực làm việc để tiến tới trang bị đầu đạn hạt nhân cho toàn bộ các tên lửa đạn đạo để chuẩn bị cho một cuộc “chiến tranh toàn diện và chiến tranh hạt nhân với bọn đế quốc Mỹ”.

Theo Uỷ Ban Quốc Gia về Triều Tiên, một tổ chức phi chính phủ của Mỹ, Bình Nhưỡng được cho là đang nắm trong tay hơn 1000 tên lửa các loại, bao gồm cả những tên lửa đạo đạo liên lục địa, có thể được sử dụng để bắn đầu đạn nguyên tử.

Với việc phóng thành công tên lửa từ tàu ngầm – vốn khó phát hiện hơn rất nhiều các tên lửa phóng từ mặt đất, cộng với khả năng hạt nhân và ý đồ hiếu chiến của mình, Bắc Hàn đặt ra một mối đe dọa ngày càng lớn về an ninh đối với khu vực cũng như thế giới. Người ta lại tiếp tục đặt câu hỏi: “Liên Hiệp Quốc đang làm gì?”.

Hội Đồng Bảo An LHQ, cơ quan an ninh cao nhất quốc tế ngày càng tỏ ra bất lực, ngoài các phát ngôn phản đối lặp đi lặp lại chẳng còn mấy giá trị răn đe đối với Bắc Hàn. Chia rẽ trong nội bộ các cường quốc đã khiến cho nguy hiểm an ninh từ ung nhọt chế độ Kim Jong Un ngày càng phình to ra.

Hiện tại  chỉ có ba cường quốc Mỹ, Nga, Trung Quốc (và cũng là ba trong số năm thành viên thường trực Hội đồng Bảo an) là có thể ngăn chặn được Bắc Triều Tiên leo thang vũ khí. Tuy nhiên, ba nước này lại có những bất đồng, chia rẽ không thể dung hòa, khiến cho LHQ bất lực trước việc thông qua một biện pháp mạnh tay để có thể răn đe nước này như đã từng thành công năm 2007.

Trung Quốc là đồng minh lâu năm của Bắc Hàn, cũng là người đỡ đầu và thị trường quan trọng nhất của đất nước độc tài khép kín này. Nga hiện cũng đứng về phía Trung Quốc trong một số tranh chấp liên quan đến vùng biển Đông ở phía nam, còn Mỹ thì là đồng minh thân cận của Hàn Quốc. Các hoạt động quân sự của Mỹ Hàn không chỉ khiến Bình Nhưỡng tức giận mà Bắc Kinh cũng e dè.

Tranh cãi gay gắt về hệ thống lá chắn chống tên lửa THAAD mà Hoa Kỳ sẽ đặt ở Hàn Quốc cũng phản ánh những căng thẳng dằng dai giữa ba cường quốc. Seoul và Washington muốn dùng THAAD để đối phó với mối đe dọa Bắc Triều Tiên, nhưng Bắc Kinh và Moscow lại cực lực phản đối hệ thống này vì lo sợ an ninh cho chính đất nước của họ.

Sư phản đối quyết liệt hệ thống THAAD làm giảm đi hy vọng là Trung Quốc sẽ giúp chặn đứng chương trình phát triển tên lửa và hạt nhân của Bắc Triều Tiên. Chính Bắc Kinh nay cũng lên án vụ thử tên lửa mới nhất của Bình Nhưỡng, nhưng như những lần trước, luôn phủ quyết một biện pháp mạnh tay mà Mỹ muốn đề xướng.

Ngoài ra, vì các lợi ba nước Mỹ, Nga, Trung Quốc vẫn có lợi ích địa chính trị khác nhau trên bán đảo Triều Tiên và điều này cản trở khả năng ba cường quốc đi đến đồng thuận về các biện pháp trừng phạt chế độ Bình Nhưỡng. Rốt cuộc, đối với Trung Quốc một Bắc Hàn còi cọc nhưng duy trì được đe dọa về an ninh vẫn tốt hơn việc nước này bị nuốt trọn bởi Hàn Quốc và để Trung Quốc trơ sườn phía đông trong tầm ngắm của tên lửa Hoa Kỳ.

Trọng Đức