Người đứng đầu cơ quan nhân quyền của Liên Hợp Quốc Michelle Bachelet cho biết hôm thứ Năm (3/3), hàng chục triệu sinh mạng đang gặp rủi ro ở Ukraine khi cuộc chiến ở đó ngày càng diễn biến khốc liệt.

Embed from Getty Images

Bà Michelle Bachelet kêu gọi chấm dứt ngay các hành động thù địch khi bà mở cuộc tranh luận tại Hội đồng Nhân quyền ở Geneva về việc thành lập một ủy ban quốc tế điều tra về các vi phạm bị cáo buộc của Nga.

Bà nhấn mạnh: “Hàng chục triệu người vẫn còn ở trong nước, có thể gặp nguy hiểm đến tính mạng. Tôi vô cùng lo ngại rằng sự leo thang của các hoạt động quân sự hiện nay sẽ làm gia tăng thêm những bất lợi mà họ phải đối mặt.”

Đại sứ Nga tại hội đồng LHQ, ông Gennady Gatilov đã bác bỏ các yêu cầu điều tra, tố cáo cái mà ông gọi là “chế độ tội phạm ở Kyiv”, đồng thời cáo buộc Hoa Kỳ và EU cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine.

Ông lưu ý: “Chúng tôi không nhận thấy bất kỳ giá trị nào trong cuộc tranh luận ngày hôm nay.”

Bà Emine Dzhaparova, Thứ trưởng Ngoại giao thứ nhất của Ukraine, đã gửi thông điệp đến cuộc đàm phán qua tin nhắn video rằng, quân đội Nga đang thực hiện các hành vi tương đương với tội ác chiến tranh và kêu gọi các thủ phạm phải chịu trách nhiệm.

Bà nói: “Các sự kiện gần đây chỉ ra rõ ràng thực tế là quân đội Nga đang chiến đấu ở Ukraine đã thực hiện các hành vi vi phạm và lạm dụng nhân quyền một cách trắng trợn nhất, tham gia một cách có hệ thống vào các hành vi tương đương với tội ác chiến tranh và tội ác chống lại loài người.”

Bà Dzhaparova kêu gọi hội đồng thông qua một nghị quyết do Ukraine và các đồng minh bao gồm Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu đưa ra để khởi động cuộc điều tra quốc tế. Nghị quyết này dự kiến ​​sẽ được thông qua trong một cuộc bỏ phiếu vào thứ Sáu (4/3), các nhà ngoại giao phương Tây cho hay.

Hàng trăm binh sĩ Nga và dân thường Ukraine đã thiệt mạng kể từ khi Tổng thống Vladimir Putin đưa quân qua biên giới hôm 24/2.

Nga gọi các hành động của mình ở Ukraine là một “hoạt động đặc biệt”, phủ nhận việc nhắm mục tiêu vào dân thường và nói rằng mục đích của họ là “phi quân sự hóa” Ukraine và bắt giữ các nhà lãnh đạo mà nước này gọi là Tân Quốc xã giả dối.

Đại sứ Pháp Jerome Bonnafont nhận định với EU: “Tình hình nghiêm trọng đến mức có thể đủ để thành lập một ủy ban điều tra. Nga phải chịu trách nhiệm về các hành vi của mình.”

Đại sứ Mỹ Sheba Crocker cũng phát biểu tại diễn đàn: “Chúng tôi vô cùng lo lắng trước các báo cáo hàng ngày về thương vong dân sự và việc Nga triển khai vũ khí như bom chùm và bom nhiệt áp nhằm vào các thành phố, nơi người dân vô tội đang trú ẩn.”

Trong một bài phát biểu không đề cập đến Nga, Đại sứ Trung Quốc Chen Xu nói rằng Bắc Kinh luôn phản đối việc chính trị hóa các vấn đề nhân quyền và “phản đối việc sử dụng các vấn đề nhân quyền như một cái cớ để gây áp lực lên các nước khác”.

“Do đó, chúng tôi phản đối việc thành lập một ủy ban điều tra quốc tế độc lập về Ukraine,” ông Chen bày tỏ.

Trong một diễn biến khác, một nhóm điều tra từ Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) ở Hague đã lên đường đến “khu vực Ukraine” vào ngày 3/3 để xem liệu có bằng chứng về hành vi tàn bạo của tất cả các bên hay không, công tố viên hàng đầu của họ nói với Reuters.

Minh Ngọc (Theo Reuters)