Ngày 2/4, Liên minh châu Âu (EU) và Vương quốc Anh đã lên tiếng bày tỏ quan ngại về quyền tự do truyền thông ở Trung Quốc, sau khi hai phóng viên làm việc cho các đài truyền hình Anh và Ireland buộc phải rời nước này vào cuối tháng trước.

Embed from Getty Images

Phóng viên Trung Quốc của BBC John Sudworth và vợ là bà Yvonne Murray cùng phóng viên Trung Quốc của đài truyền hình Ireland RTE, đã phải rời Trung Quốc đến Đài Loan vào ngày 23/3.

Bà Nabila Massrali, phát ngôn viên của EU về các vấn đề đối ngoại và chính sách an ninh, cho biết: “Việc rời đi của ông Sudworth và các đồng nghiệp trên đài BBC diễn ra sau một thời gian dài bị nhà chức trách quấy rối, bao gồm giám sát, đe dọa về pháp lý, cản trở, hăm dọa…”

“Đây là trường hợp mới nhất về việc các phóng viên nước ngoài buộc phải rời khỏi Trung Quốc do liên tục bị quấy rối và cản trở công việc của họ. Trước đó có ít nhất 18 phóng viên bị trục xuất vào năm ngoái,” bà nói trong một tuyên bố.

Bà khẳng định EU đã “nhiều lần bày tỏ quan ngại của mình” với Bắc Kinh về “những hạn chế quá mức áp đặt trong công việc của các nhà báo nước ngoài cũng như cáo buộc về hành vi quấy rối có liên quan”.

Tuyên bố nhấn mạnh: “EU kêu gọi Trung Quốc tuân thủ các nghĩa vụ của mình theo luật pháp quốc gia và luật quốc tế, đồng thời đảm bảo quyền tự do ngôn luận và báo chí.”

Người phát ngôn của Văn phòng Đối ngoại, Khối thịnh vượng chung và Phát triển của Vương quốc Anh (FCDO) cũng nói với The Epoch Times: “Chúng tôi vẫn luôn quan ngại sâu sắc về việc thiếu tự do truyền thông và tình thế ngày càng xấu đi đối với các nhà báo ở Trung Quốc. Và chúng tôi thường xuyên nêu rõ vấn đề này với Bắc Kinh.”

Theo Câu lạc bộ Phóng viên Nước ngoài của Trung Quốc (FCCC), “Ông Sudworth đã phải rời đi sau nhiều tháng bị tấn công cá nhân và hàng loạt thông tin sai lệch nhắm vào ông cùng các đồng nghiệp tại BBC. Mà tình trạng này hết sức phổ biến cả từ phía truyền thông nhà nước Trung Quốc cũng như các quan chức chính phủ Trung Quốc.”

FCCC cho biết chính quyền Trung Quốc chỉ cấp cho Sudworth thị thực ngắn hạn kéo dài một, ba và sáu tháng trong hai năm qua. Điều này rõ ràng là “nhằm trả đũa việc ông đưa tin về Tân Cương, đại dịch COVID-19 và các vấn đề khác mà các quan chức Bộ Ngoại giao Trung Quốc liên tục nói rằng điều đó đã vượt quá ‘lằn ranh đỏ’”.

Các mối đe dọa đã gia tăng sau khi cơ quan quản lý phát thanh truyền hình Ofcom của Vương quốc Anh hôm 4/2 thu hồi giấy phép của CGTN, một kênh tin tức vệ tinh quốc tế bằng tiếng Anh do Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) trực tiếp kiểm soát.

Ngày 11/2, chính quyền Trung Quốc đã thông báo rằng họ đã ngừng phát sóng BBC World News ở Trung Quốc.

Ngày 18/3, Thời báo Hoàn cầu, một cơ quan tuyên truyền của Trung Quốc, dẫn lời một quan chức Tân Cương cho biết “một số quan chức” trong khu vực này đang lên kế hoạch “kiện BBC về việc sản xuất tin tức giả, tung tin đồn về Tân Cương, và vu khống chính sách của Trung Quốc tại khu vực Tân Cương”.

FCCC tuyên bố: “Đáng báo động là các nhà chức trách Trung Quốc cũng sẵn sàng đe dọa các nhà báo bằng các biện pháp pháp lý và các vụ kiện có thể khiến họ bị cấm xuất cảnh, cấm họ rời khỏi Trung Quốc.”

Hồi tháng 9/2020, chính phủ Úc đã phải nỗ lực đưa hai nhà báo khỏi Trung Quốc sau khi nhà chức trách cố ngăn cản họ rời đi. Nhà báo Bill Birtles của đài ABC (Australian Broadcasting Corporation) và Mike Smith của đài AFR (Australian Financial Review) đã phải trải qua 5 ngày trú ẩn tại các cơ quan đại diện ngoại giao cho đến khi họ được phép rời đi.

Minh Ngọc (Theo The Epoch Times)

Xem thêm: