Trong thời gian chưa đầy ba tháng, ông Kim Jong-un đã có chuyến thăm thứ ba tới Trung Quốc. Truyền thông Nhật Bản đưa tin, trong chuyến thăm Trung Quốc lần này Kim Jong-un có phát ngôn hiếm thấy khi nhấn mạnh quan hệ Trung-Triều là “mối quan hệ đặc biệt chưa từng có”. Nhiều suy đoán rằng có thể ông Kim Jong-un lại nhận được “kẹo ngọt” trong chuyến thăm này, và ông Tập Cận Bình có thể đến thăm Bắc Triều Tiên trong tương lai gần. Trong bối cảnh căng thẳng thương mại Trung – Mỹ đang gay gắt, Trung Quốc đang phải tận dụng tối đa “quân cờ” Bắc Triều Tiên.

Kim Jong-un
Ông Kim Jong-un bắt tay ông Tập Cận Binh trong chuyến thăm Trung Quốc lần 3 (Ảnh: KCNA)

Khác với thường lệ, Bắc Kinh công bố sớm chuyến thăm của Kim Jong-un

Ngày 20/6, Thông tấn xã Trung ương Bắc Triều Tiên (KCNA) chỉ ra, trong chuyến thăm Bắc Kinh của lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un, tại bữa tiệc chào đón của phía Trung Quốc, ông Kim Jong-un có phát ngôn hiếm thấy khi nhấn mạnh quan hệ Trung – Triều là “mối quan hệ đặc biệt chưa từng có từ trước tới giờ”.

Truyền thông Nhật Bản Yomiuri Shimbun cho biết, Tập Cận Bình đã đáp lại rằng “Trung Quốc sẽ tiếp tục đóng một vai trò quan trọng trong tiến trình hòa bình ở bán đảo Triều Tiên”.

Nhiều suy đoán rằng ông Kim Jong-un lại nhận được “kẹo ngọt” trong chuyến thăm Trung Quốc này, ngoài sự hỗ trợ ngầm từ Trung Quốc, ông Tập Cận Bình sẽ sớm đến thăm Bắc Triều Tiên. Trong chuyến thăm Trung Quốc lần đầu tiên của ông Kim Jong-un hồi cuối tháng Ba, ông Tập Cận Bình đã chấp nhận lời mời đến thăm Bắc Triều Tiên, cộng thêm hai lần viếng thăm tiếp theo của ông Kim Jong-un vừa qua thì ông Tập Cận Bình có đầy đủ lý do để đến thăm Bắc Triều Tiên bất cứ lúc nào.

Ông Đặng Duật Văn (Deng Yuwen), nghiên cứu viên cao cấp của Hội học thuật Chahar Trung Quốc đã trả lời trong một cuộc phỏng vấn rằng, có thể có ba vấn đề quan trọng trong chuyến thăm này của ông Kim Jong-un: (1) Thông báo với Trung Quốc về tình hình Hội đàm Trump – Kim, đặc biệt là vấn đề có hay không việc đạt được thỏa thuận với Tổng thống Mỹ Trump liên quan đến một số chi tiết không được công bố về từ bỏ chương trình hạt nhân; (2) Thảo luận về bước tiếp theo của cải cách và mở cửa Bắc Triều Tiên, tìm kiếm sự ủng hộ của Trung Quốc; (3) Đàm phán dỡ bỏ lệnh trừng phạt.

Theo ông Đặng Duật Văn, đáng chú ý là ngay trước khi ông Kim Jong-un viếng thăm Trung Quốc, Mỹ vừa mới công bố các biện pháp áp đặt tăng thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc, ông cho rằng giữa hai vấn đề tranh chấp thương mại Mỹ – Trung và Bắc Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân “chắc chắn có liên quan”. Khác với thông lệ, lần này phía Trung Quốc thông báo sớm về chuyến thăm của Kim Jung-un, không loại trừ ý định của Trung Quốc sử dụng Bắc Triều Tiên như một quân cờ để gây áp lực với Mỹ.

Ông chỉ ra nếu mục đích của Kim Jong-un thăm Trung Quốc lần này đúng như ba điểm kể trên, cộng thêm tâm lý bấp bênh của ông Kim Jong-un trong thỏa thuận từ bỏ chương trình hạt nhân, như vậy nhiều khả năng Bắc Triều Tiên sẽ ngả về Trung Quốc, trở thành quân cờ trong ván cờ Mỹ – Trung.

Kim Jong-un từng cho biết “đã khắc phục mọi khó khăn”

Vào sáng ngày 19/6 (thời gian Bắc Kinh), Trump đã ra lệnh chuẩn bị tăng thuế đối với các sản phẩm Trung Quốc trị giá 200 tỷ Đô la Mỹ. Trong năm 2017, thặng dư thương mại của Trung Quốc với Mỹ cao đến 375,2 tỷ Đô la Mỹ.

Theo tờ Nikkei Shimbun của Nhật Bản, chỉ hai giờ sau đó Tân Hoa xã Trung Quốc đã loan tin về sự xuất hiện của Kim Jong-un tại Bắc Kinh. Trung Quốc chưa bao giờ ngay lập tức tuyên bố kiểu như vậy đối với những chuyến thăm của lãnh đạo tối cao Bắc Triều Tiên. Không thể phủ nhận việc lần này Trung Quốc nhanh chóng công bố thông tin là vì muốn ngầm nhắn cho Tổng thống Trump rằng “quân cờ Bắc Triều Tiên đang trong tay Trung Quốc”.

“Quân cờ Bắc Triều Tiên” đã từng được Trung Quốc sử dụng, đó là trước Hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều, ngày 07 – 08/5, lần thứ hai ông Kim Jong-un tới Trung Quốc đã gặp ông Tập Cận Bình tại Đại Liên, vài ngày sau (ngày 16) thì ông Kim Jong-un đột ngột “trở mặt” hủy bỏ cuộc họp cấp cao Hàn Quốc-Bắc Triều Tiên đã định tổ chức vào ngày hôm đó, đồng thời đe dọa sẽ hủy bỏ Hội đàm Trump – Kim.

Đến ngày 24/5 Tổng thống Mỹ Trump tuyên bố hủy bỏ Hội đàm Trump – Kim. Ông cho rằng Kim Jong-un không chân thành, lý do chủ yếu là vì Bắc Kinh đóng vai quan trọng trong các cuộc đàm phán Mỹ – Triều nên đã trao cho Bắc Triều Tiên “kẹo ngọt”, khiến ông Kim Jong-un trở mặt.

Hai ngày sau (26/5), ông Kim Jong-un vội vàng đi gặp Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, bày tỏ “lập trường kiên định” hy vọng Hội đàm Trump – Kim có thể được tổ chức suôn sẻ, và sẵn sàng chấp nhận quan điểm từ bỏ hạt nhân.

Sau vài rắc rối, ông Trump lấy lại quyền chia bài và Hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều đã được tổ chức vào ngày 12/6 tại Singapore như dự kiến. Sau khi kết thúc đàm phán, vào buổi chiều cùng ngày ông Kim Jong-un và ông Trump đã ký thỏa thuận mang tính lịch sử, công bố thế giới đã có sự thay đổi lớn. Thời điểm đó ông Kim Jong-un cho biết đã khắc phục mọi khó khăn để đến đây. Về lời phát ngôn này của ông Kim Jong-un, một số cư dân mạng đã ám chỉ ông ta có ý nhắc đến những kẻ phá rối đứng sau là Trung Quốc và Nga: “Thật không dễ dàng, vì quá nhiều kẻ muốn phá bĩnh.”

Huệ Anh

Xem thêm: