Bộ Quốc phòng Afghanistan hôm thứ Sáu (2/7) cho biết, tất cả các lực lượng Mỹ đã rút khỏi Sân bay Bagram ở Afghanistan, chấm dứt hoạt động triển khai quân gần hai thập kỷ tại căn cứ quân sự lớn nhất của Mỹ ở nước này.

Embed from Getty Images

Quân đội Mỹ đã sử dụng Bagram, một phi đạo do Liên Xô xây dựng cách thủ đô Kabul của Afghanistan khoảng 60 km về phía bắc, làm căn cứ cho các lực lượng của mình. Cơ sở đồn bốt này được dùng như một điểm phóng cho các cuộc tấn công đường không kể từ khi lực lượng liên minh tiếp quản nó vào năm 2001.

Vào tháng 12 năm 2001, lực lượng cứu hỏa và cảnh sát thành phố New York đã được đưa đến để san lấp một phần của Trung tâm Thương mại Thế giới ở Bagram, vài ngày sau khi Taliban bị lật đổ vì chứa chấp Osama bin Laden.

Fawad Aman, phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Afghanistan viết trên Twitter: “Tất cả quân đội Mỹ và Liên quân đã rời Căn cứ Không quân Bagram vào đêm qua,” và nói thêm rằng căn cứ đã được bàn giao cho Lực lượng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Afghanistan. Việc rút các lực lượng khỏi căn cứ tượng trưng cho sự chấm dứt can dự của quân đội Mỹ vào nước này.

Người phát ngôn Lầu Năm Góc John Kirby sau đó nói với các phóng viên rằng Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin đã thông qua kế hoạch vào thứ Sáu để chuyển giao quyền chỉ huy sứ mệnh Afghanistan từ Tướng Scott Miller, chỉ huy quân sự hàng đầu của Mỹ tại khu vực, cho Tướng Frank McKenzie, chỉ huy của Bộ Tư lệnh Trung ương, vào cuối tháng này.

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden nói với các phóng viên tại Nhà Trắng: “Chúng tôi đang đi đúng hướng, đúng như kế hoạch mà chúng tôi mong đợi.”

Khi được hỏi liệu việc rút quân sẽ được hoàn thành trong vài ngày tới hay không, ông Biden trả lời là “không”.

Ông Biden giải thích rằng việc rút quân khỏi Bagram vào thời điểm này là để đảm bảo cho việc Mỹ có thể sẵn sàng rút hết quân trước thời hạn tháng 9 đã đưa ra từ trước đó. “Sẽ vẫn còn một số lực lượng. Nhưng đó là một cuộc rút quân hợp lý với các đồng minh của chúng ta… Vì vậy, không có gì bất thường về nó,” ông nói.

Hoa Kỳ dưới thời chính quyền Trump và Taliban đã đồng ý một thỏa thuận hòa bình vào tháng 2 năm 2020 bao gồm việc rút quân của quân đội Mỹ. Hồi tháng 4 năm nay, ông Biden đã tiếp tục việc này khi thông báo rằng 2.500 nhân viên đóng quân ở Afghanistan sẽ được rút về, với hạn chót là ngày 11/9 – kỷ niệm 20 năm xảy ra vụ tấn công khủng bố 11/9. Sự kiện này sẽ đánh dấu sự kết thúc của chiến dịch từng có tới 100.000 lính Mỹ được điều động.

Tuy vậy, quân đội Mỹ sẽ giữ một lực lượng nhỏ ở Afghanistan vô thời hạn, phần lớn là để đảm bảo an ninh cho Đại sứ quán Mỹ ở Kabul.

Trong khi đó, Taliban đang duy trì hoạt động tấn công và mở rộng lãnh thổ do mình kiểm soát. Nhiều người đã và đang lo ngại rằng việc rút quân của Mỹ sẽ khiến an ninh ở Afghanistan trở nên tồi tệ hơn.

Đặc phái viên của Liên Hợp Quốc tại Afghanistan tuần trước cho biết Taliban đã chiếm hơn 50 trong số 370 huyện của đất nước và đang lên kế hoạch để kiểm soát các thủ phủ của tỉnh khi đất nước ngày càng bất ổn. Ngoài các thành trì truyền thống của mình ở phía nam, Taliban đã giành quyền kiểm soát các khu vực như Kunduz ở phía bắc, nơi mà trước đây nó không có ảnh hưởng.

Thổ Nhĩ Kỳ đã đề nghị tiếp quản bảo vệ Sân bay Quốc tế Hamid Karzai của Kabul. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã đưa ra đề xuất này với ông Biden tại cuộc họp gần đây của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương. Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên duy nhất của NATO với đa số là người Hồi giáo, và nó có quan hệ lịch sử với Afghanistan. Hơn 500 binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ đang tham gia sứ mệnh của NATO tại Afghanistan.

Đối với Afghanistan, sân bay Kabul là cửa ngõ quan trọng với thế giới bên ngoài. Nếu không có một cửa ngõ thông thoáng, sẽ rất khó cho các nhà ngoại giao và nhân viên viện trợ tiếp tục làm việc ở trong nước.

Lê Xuân (theo Nikkei)

Xem thêm: