Chính phủ Lithuania đã tuyên bố rút khỏi cơ chế hợp tác “17+1” của Trung Quốc. Đây là một sáng kiến của chế độ Bắc Kinh mà Lithuania đã ký kết tham gia từ năm 2012.

Embed from Getty Images

Chế độ Trung Quốc chính thức triển khai cơ chế hợp tác nêu trên – tên ban đầu là cơ chế hợp tác “16+1” – vào tháng 4/2012 để tăng cường hợp tác với 11 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) và 5 quốc gia khu vực Balkan. Hy Lạp đã ký kết tham gia vào cơ chế hợp tác này vào tháng 4/2019 và nó chính thức được đổi tên thành “17+1”.

Sáng kiến hợp tác “17+1” kêu gọi các quốc gia tham gia hợp tác với Trung Quốc trên nhiều lĩnh vực, trong đó có tài chính, y tế, thương mại và công nghệ. Dựa theo mô hình này, Bắc Kinh đã cho ra mắt một dự án khác vào năm 2013, được gọi là “Sáng kiến Vành đai và Con đường” (BRI, cũng thường được gọi là “Một Vành đai, Một con đường”). Sáng kiến này là nỗ lực của chế độ Bắc Kinh nhằm xây dựng dần các con đường thương mại trên bộ và trên biển kết nối Trung Quốc với các khu vực khác trên thế giới.

Vào ngày 22/5, Ngoại trưởng Lithuania Gabrielius Landsbergis đã phát đi tuyên bố nói rằng quốc gia Baltic này đã không coi bản thân họ là thành viên của “17+1” nữa và sẽ không tham gia trong các hoạt động của sáng kiến này, theo tờ Baltic News.

Ông Gabrielius Landsbergis nói thêm rằng các thành viên EU có quan điểm “chia rẽ” về cơ chế hợp tác “17+1” do Trung Quốc khởi xướng. Ông đã kêu gọi các quốc gia thành viên EU hãy theo đuổi “cách tiếp cận và thông tin với Trung Quốc theo cơ chế 27+1 hiệu quả hơn nhiều”.

Sức mạnh và tầm ảnh hưởng của châu Âu là trên cơ sở đoàn kết của khối”, ông Landsbergis nói thêm. Hiện tại, EU chỉ còn lại 27 thành viên sau khi Anh Quốc chính thức rút lui khỏi khối này vào tháng 1/2020.

Việc Lithuania quyết định rút khỏi cơ chế hợp tác “17+1” là không bất ngờ. Vào tháng Ba, ông Landsbergis đã nói với tờ nhật báo Frankfurter Allgemeine Zeitung của Đức rằng cơ chế “17+1” đã không đạt được mức kỳ vọng của Lithuania, đặc biệt là về các khoản đầu tư phục vụ các lợi ích song phương.

Ông Landsbergis giải thích thêm với tờ báo Đức rằng tham gia cơ chế hợp tác do Trung Quốc khởi xướng cũng dẫn tới những hậu quả không mấy tích cực. “Cơ chế này đã kèm theo các xu hướng chia rẽ trong EU và áp lực chính trị lớn hơn từ Trung Quốc”, ông Landsbergis nói.

Động thái nêu trên là chỉ dấu mới nhất cho thấy mối quan hệ giữa Lithuania và Trung Quốc đang tụt dốc nhanh chóng.

Trước đó hai ngày, hôm 20/5, Nghị viện Lithuania đã thông qua một nghị quyết không rằng buộc lên án cách chế độ Bắc Kinh đối xử với nhóm thiểu số Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương là hành vi “diệt chủng”.

Nghị quyết này cũng kêu gọi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) “lập tức chấm dứt hành vi thu hoạt nội tạng bất hợp pháp của các tù nhân lương tâm, thả tự do cho tất cả tù nhân lương tâm tại Trung Quốc, trong đó có các học viên Pháp Luân Công”.

Vào tháng 11/2020, chính phủ Lithuania đã tuyên bố rằng họ cam kết ủng hộ “các cuộc chiến vì tự do” trên khắp thế giới, trong đó có Đài Loan.

Đài Loan và Lithuania không phải là đồng minh ngoại giao chính thức nhưng các quan chức từ quốc gia Balktic đã đang lên tiếng ủng hộ quốc đảo dân chủ Đông Á được tham gia vào Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Đài Loan hiện không phải là thành viên của WHO vì Bắc Kinh phản đối.

Hồi tháng Ba vừa qua, Lithuania đã tuyên bố rằng họ muốn tăng cường mối quan hệ với Đài Loan thông qua việc mở một văn phòng đại diện tại quốc đảo dân chủ Đông Á.

Lithuania trước đó cũng đã từng cảnh báo về các hoạt động gián điệp ngày càng gia tăng của Trung Quốc bên trong nội bộ quốc gia Baltic.

Theo The Baltic Times, Báo cáo Đánh giá Mối đe dọa Quốc gia năm 2019 của Lithuania tuyên bố: “Từ việc tiếp cận công dân Lithuania, tình báo Trung Quốc có thể theo đuổi việc thu thập thông tin nhạy cảm hoặc bí mật quốc gia hoặc thông tin của NATO và EU”.

Các chuyến thăm Trung Quốc được tình báo Trung Quốc cấp tiền tài trợ đã được sử dụng để tuyển dụng các công dân Lithuania”, báo cáo nói thêm.

Tình báo Trung Quốc tìm kiếm các mục tiêu phù hợp – những nhà hoạch định chính sách, các cá nhân khác đồng cảm với Trung Quốc và có thể tạo ra đòn bẩy chính trị. Họ tìm cách gây ảnh hưởng lên các cá nhân như vậy thông qua việc tặng quà, tài trợ tiền cho các chuyến đi Trung Quốc, bao gồm cả việc trả chi phí đào tạo và các khóa học được tổ chức tại đó”, báo cáo cho biết.

Một số lĩnh vực mà các quan chức tình báo Trung Quốc đặc biệt quan tâm gồm có các chính sách đối nội và đối ngoại của Lithuania, cũng như các lĩnh vực kinh tế và quốc phòng của quốc gia Baltic này.

Xuân Thành (Theo The Epoch Times)