Ngày 3/12, một cơ quan thương mại Litva (Lithuania) thông báo, Trung Quốc đã áp đặt lệnh chặn hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu của Litva, trong bối cảnh quan hệ hợp tác giữa thủ đô Vilnius và Đài Bắc ngày càng thắt chặt.

Litva đã khiến chế độ cộng sản ở Bắc Kinh phẫn nộ vì cho phép Đài Loan mở đại sứ quán trên thực tế ở Vilnius bằng tên riêng của mình. Đáp lại, Bắc Kinh hạ cấp quan hệ ngoại giao với quốc gia Baltic và đình chỉ các dịch vụ lãnh sự ở đó.

Chế độ Trung Quốc coi hòn đảo tự trị Đài Loan là một phần lãnh thổ của mình và luôn cố cô lập Đài Bắc trên trường thế giới.

Embed from Getty Images

Tổng thống Litva Gitanas Nauseda (Ảnh minh họa: Getty Images)

“Tôi lấy làm tiếc về quyết định này của các nhà chức trách Trung Quốc,” Tổng thống Litva Gitanas Nauseda trao đổi với các phóng viên hôm 3/12. “Thật đáng tiếc khi Litva giải thích khá rõ ràng rằng việc mở cơ quan đại diện của Đài Loan không mâu thuẫn với nguyên tắc ‘Một Trung Quốc’ mà chúng tôi tuân thủ.”

Ông đã yêu cầu chính phủ Litva tìm cách bồi thường thiệt hại cho các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng từ lệnh chặn hải quan của Trung Quốc.

Trong tuần tới, Litva sẽ yêu cầu Ủy ban châu Âu “can thiệp và bảo vệ lợi ích của Litva”, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao nói với Reuters hôm thứ 3/12.

Ông Vidmantas Janulevicius, Chủ tịch Liên đoàn các nhà công nghiệp Litva dẫn lời ba thành viên của cơ quan thương mại quốc gia Baltic cho hay, họ đã ghi nhận các báo cáo đầu tiên về động thái chặn hải quan của Trung Quốc vào ngày 2/12.

Ông nhấn mạnh: “Hải quan Trung Quốc không loại tên Litva khỏi danh sách các quốc gia xuất xứ. Vì vậy, họ không thể điền vào các biểu mẫu hải quan cho hàng hóa xuất khẩu từ Litva.”

Ông Janulevicius tiết lộ thêm, Liên đoàn các nhà công nghiệp Litva sẽ yêu cầu chính phủ đệ đơn khiếu nại lên Tổ chức Thương mại Thế giới để phản đối các rào cản thương mại.

Văn phòng đảm trách sự vụ (Charge d’Affairs) của Trung Quốc ở Vilnius hiện không có bất cứ bình luận gì về thông tin này.

Phát ngôn viên của Ủy ban châu Âu hôm 3/12 cho biết, họ đã liên hệ với Vilnius và phái đoàn EU tại Bắc Kinh để làm rõ tình hình.

“Chúng tôi đã được thông báo, các lô hàng của Litva không được thông quan qua hải quan Trung Quốc, và các đơn đăng ký nhập khẩu đang bị từ chối,” phát ngôn viên này phát biểu trong một cuộc họp thường kỳ. Tuy nhiên, Ủy ban châu Âu từ chối bình luận thêm.

Litva giao dịch phần lớn với các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU). EU đã xuất khẩu hàng hóa trị giá 300 triệu Euro sang Trung Quốc vào năm 2020, trở thành điểm đến xuất khẩu lớn thứ 22, theo số liệu thống kê của chính phủ.

Trong khi quốc gia Baltic không có quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Bắc, họ đã cho phép mở Văn phòng đại diện Đài Loan tại Litva vào ngày 18/11. Trong khi đó, các văn phòng khác của Đài Loan ở châu Âu và Hoa Kỳ đều sử dụng tên của thành phố Đài Bắc, tránh bất kỳ tham chiếu đến chính hòn đảo.

Bộ Ngoại giao Bắc Kinh từng chỉ trích trong một tuyên bố ngày 21/11, động thái này của Litva đã tạo ra “một tiền lệ nghiêm trọng trên thế giới”, đồng thời cảnh cáo Litva “phải hứng chịu mọi hậu quả về sau”.

Hồi tháng 11, Bộ trưởng Ngoại giao Litva Gabrielius Landsbergis trao đổi với Reuters trong chuyến thăm tới Washington rằng, Bắc Kinh đã gỡ bỏ các liên hệ thương mại với nước này và gây áp lực buộc các nước thứ ba không được giao thương với Vilnius.

Ông Landsbergis nói rằng, Litva đang nỗ lực giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc và đa dạng hóa chuỗi cung ứng của mình, đồng thời muốn cho thế giới thấy một hình mẫu về một quốc gia có thể chịu được áp lực của chế độ Trung Quốc.

Phớt lờ cảnh báo của Bắc Kinh, các nghị sĩ Litva, cùng với một số nhà lập pháp từ Latvia và Estonia, hiện đang tham dự một diễn đàn dân chủ ở Đài Bắc.

Minh Ngọc (Theo The Epoch Times)

Xem thêm: