Theo một báo cáo ngày 6/10 của Politico, một lỗ hổng nghiêm trọng được phát hiện trong các camera giám sát của công ty Hikvision Trung Quốc – hiện đang sử dụng rộng rãi ở châu Âu – đã làm tăng thêm những lo ngại trước đây về hoạt động thu thập dữ liệu của công ty này. Hikvision do một tập đoàn công nghiệp quân sự Trung Quốc kiểm soát, và từng bị cáo buộc bắt tay với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) trong việc đàn áp nhân quyền với người Duy Ngô Nhĩ.

Hikvision xac nhan bi kiem soat boi quan doi Trung Quoc 1
(Ảnh minh họa: Par yoamod/Shutterstock)

Trước đó, trong báo cáo công bố vào ngày 18/9, Watchful IP, một nhà nghiên cứu bảo mật ẩn danh, đã phát hiện ra một số lượng lớn phần mềm camera Hikvision có lỗ hổng bảo mật “cho phép kẻ tấn công giành toàn quyền kiểm soát thiết bị”.

“Đây là lỗ hổng bảo mật ở mức độ nghiêm trọng nhất,” báo cáo nhấn mạnh. “Với việc triển khai các camera này tại các địa điểm nhạy cảm, các cơ sở hạ tầng quan trọng có thể gặp rủi ro.”

Nhóm nghiên cứu IPVM cũng nhìn nhận, lỗ hổng có thể ảnh hưởng đến 100 triệu camera trên toàn cầu, Politico đưa tin. Hầu hết các mẫu camera bị ảnh hưởng đều là những mẫu gần đây nhất, dù vậy lỗ hổng này cũng vẫn có thể được truy xuất từ một số mẫu sản xuất năm 2016, theo Watchful IP.

Politico cho hay, Hikvision là nhà cung cấp hệ thống giám sát và camera chính ở châu Âu. Có thể kể đến như, hãng điều hành sân bay Tây Ban Nha AENA gần đây đã thuê Hikvision làm nhà cung cấp 175 camera phân phối trên hàng chục sân bay, bao gồm Madrid-Barajas và El Prat ở Barcelona .

Mặc dù Hikvision đã thừa nhận lỗ hổng bảo mật và cung cấp phần mềm mới để sửa chữa nó, nhưng mối quan ngại về quyền riêng tư dữ liệu vẫn không hề giảm bớt.

Theo Báo cáo thường niên năm 2020 của Hikvision, “lãnh đạo thực tế” của công ty là một tập đoàn công nghiệp – quân sự Trung Quốc có tên là China Electronics Technology Group Ltd. (CETC). CETC cũng là “Nhà thầu quốc phòng điện tử lớn nhất Trung Quốc”.

Các tập đoàn quân sự – công nghiệp của Trung Quốc buộc phải tuân thủ ĐCSTQ, ngay cả khi trong trường hợp chế độ này yêu cầu các công ty giao nộp dữ liệu. Hikvision do một ủy ban của đảng giám sát và có nhiều người của ĐCSTQ trong công ty. Trang web chính thức của Hikvision thậm chí còn nhắc đến các hoạt động của ĐCSTQ trong công ty, trong đó có mục đích “duy trì và cải thiện vai trò lãnh đạo của ĐCSTQ”.

Ông Lord Alan West, cựu bộ trưởng an ninh Anh cho rằng, ĐCSTQ có thể sử dụng dữ liệu để giám sát người dân. Tại một cuộc tranh luận ở Hạ viện, ông tuyên bố Trung Quốc sử dụng tính năng “nhận dạng khuôn mặt và tận dụng thông tin này trên quy mô lớn để kiểm soát dân số của họ.”

Ông Audrey Fritz, một nhà nghiên cứu tại Viện Chính sách Chiến lược Úc cũng trao đổi với Politico: “Các hệ thống [camera] thu thập rất nhiều dữ liệu cá nhân. Mối quan ngại hàng đầu của chúng ta chính là, họ [chế độ Trung Quốc] không chỉ dừng trong nước, họ không bị ràng buộc bởi luật và quy định của đất nước các vị… Bởi luật pháp và quy định của [Trung Quốc] yêu cầu các công ty Trung Quốc phải giao nộp mọi dữ liệu cho cơ quan chính quyền, điều đó thực sự đáng quan ngại.”

Vì những lo ngại này, hợp đồng giữa châu Âu với Hikvision đã gây ra sự phản đối từ một số nhà chức trách.

“Châu Âu nên thận trọng khi cho phép các cường quốc nước ngoài kiểm soát quá nhiều các hệ thống, cần phải cảnh giác về‘ khả năng tấn công chúng ta ở những nơi có thể rất nhạy cảm’,” ông Alex Voss, thành viên Nghị viện Châu Âu nói với Politico.

Đáng lưu ý, Hikvision còn bị cáo buộc bắt tay với chính quyền ĐCSTQ trong cuộc đàn áp các nhóm tôn giáo và dân tộc thiểu số ở Tân Cương.

Vào năm 2019, chính quyền Trump đã đưa Hikvision vào danh sách đen cùng với 27 thực thể khác. Các công ty Trung Quốc này có “liên đới đến vi phạm nhân quyền trong chiến dịch đàn áp, giam giữ tùy tiện trên quy mô lớn và giám sát công nghệ cao của ĐCSTQ đối với người Duy Ngô Nhĩ, Kazakhstan và thành viên của các nhóm thiểu số Hồi giáo,” theo Bộ Thương mại Hoa Kỳ.

Chính quyền Hoa Kỳ tiền nhiệm và hiện tại, chính phủ Canada, Hà Lan, Lithuania, Bỉ, Cộng hòa Séc và Vương quốc Anh, cùng nhiều các chuyên gia và học giả pháp lý quốc tế đều coi cuộc đàn áp của ĐCSTQ với người Duy Ngô Nhĩ là hành vi “diệt chủng”.

Theo Hội đồng Đạo đức Na Uy, các camera giám sát của Hikvision trải rộng khắp Tân Cương, đặc biệt là gần các nhà thờ Hồi giáo và trại lao động.

Minh Ngọc (Theo The Epoch Times)

Xem thêm: