Sau kết quả của cuộc bầu cử sơ bộ tại bang Nevada, Thượng nghị sĩ Bernie Sanders, không nghi ngờ gì đã trở thành người dẫn đầu trong cuộc đua giành đề cử Đảng Dân chủ để đối đầu với Tổng thống Donald Trump vào tháng 11. Tuy nhiên, trong cuộc phỏng vấn tại chương trình 60 phút của kênh CBS News, nghị trình cánh tả của ứng viên 78 tuổi này ngày càng hấp dẫn giới trẻ Mỹ, tuy nhiên đã bộc lộ nhiều lỗ hổng mà cả Phe Dân chủ cũng lo ngại.

Embed from Getty Images

Sự hấp dẫn của kế hoạch Sanders nằm ở từ “miễn phí” và “công bằng xã hội”, Sanders kêu gọi làm một cuộc “cách mạng” để thay đổi bản chất tư bản bất công và bóc lột của Hoa Kỳ, để hướng tới một mô hình mà ông tự gọi là “xã hội chủ nghĩa dân chủ”. Theo đó, chính phủ của ông sẽ trang trải mọi chi phí, từ giáo dục đại học, xóa nợ cho sinh viên hiện tại, tăng lương tối thiểu và miễn phí y tế cho tất cả người dân.

Dưới đây là trích đoạn đáng nhớ nhất giữa ông Sanders và phóng viên Anderson Cooper:

Cooper: Ông có biết tất cả những chính sách này tốn bao nhiêu tiền không?

Sanders. Chúng tôi biết. Ý tôi là, bảng giá, nó sẽ nhỏ hơn rất nhiều so với việc để hệ thống hiện tại tiếp tục. Tôi nghĩ nó vào khoảng 30 nghìn tỷ đô.

Cooper: Đó là chỉ cho chính sách “Y tế cho tất cả” phải không?

Sanders: Đúng vậy, đó là chỉ cho “Y tế cho tất cả”.

Cooper: Ông có một bảng giá cho tất cả những chính sách khác không?

Sanders: Không, tôi không có. Chúng tôi cố gắng…miễn học phí cao đẳng và đại học công, xóa nợ sinh viên, đúng thế. Đó là những thứ tôi muốn làm. Chúng tôi sẽ trả tiền cho chúng thông qua một loại thuế khiêm tốn đối với các khoản đầu cơ của Phố Wall.

Cooper: Ông nói rằng ông không biết nó tốn bao nhiêu tiền, nhưng ông biết làm thế nào để trang trải chi phí. Làm sao ông biết được các chi phí này sẽ được trả hết khi mà ông còn không biết nó tốn kém bao nhiêu?

Sanders: Tôi không thể. Anh biết đấy, tôi không thể liệt kê chi tiết cho anh biết từng đồng từng khoản được. Nhưng chúng tôi đã tính toán về “Y tế cho tất cả”. Chúng tôi đã có các lựa chọn để chi trả cho nó.

Theo nhận xét của CNN, một trang tin rõ ràng viết bài theo chiều hướng có lợi cho các ứng viên chống lại Trump, buổi phỏng vấn của ứng viên hàng đầu đảng Dân chủ được gọi là “60 phút thảm họa”.

Sanders không chỉ không biết chắc các đề xuất chính sách của ông ta sẽ tốn kém bao nhiêu, ông ta cũng không thể trình bày được rằng ông ta sẽ lấy tiền ở đâu để chi trả cho các khoản này. Đây rõ ràng là một điểm yếu tiềm tàng nếu ông ta cuối cùng giành đề cử đảng và đối mặt với Tổng thống Trump.

Ngay cả các ứng viên khác trong Đảng Dân chủ cũng bắt đầu công kích điểm yếu này.

Trong lần thứ 2 kể từ tháng trước, Thượng nghị sĩ Sanders đã thừa nhận rằng ông ta không biết khoản chi phí khổng lồ mà các chương trình đồ sộ mới của ông ta sẽ cưỡng ép lấy đi từ các gia đình Mỹ là bao nhiêu”, Kate Bedingfield phó giám đốc chiến dịch tranh cử của Joe Biden nói. “Điều đó là không thể chối cãi”.

Cuối tuần qua, một bức thư của nhóm định hướng ôn hòa trong Đảng Dân chủ mang tên Third Way cảnh báo đảng này về những rủi ro nếu đề cử Sanders:

“Các chuyên gia ước tính các đề xuất khổng lồ của ông Sanders sẽ tiêu tốn số tiền giật mình 60 ngàn tỷ đô, và tăng gấp đôi quy mô chính phủ, trong khi kế hoạch thu thuế của ông ta thiếu tới 27 nghìn tỷ đô để chi trả cho nó. Đó là một lý do mà, khi bị thúc ép hỏi về chi phí của kế hoạch của mình, Sanders từ chối trả lời, nói rằng ông ta không biết và không ai biết cả”, tác giả của bức thư Jonathan Cowan và Matt Bennett viết.

Con số ước tính 60 tỷ USD không đến từ một tờ báo cánh hữu, mà chính từ một chuyên gia của CNN tên Ron Brownstein, người đã phân tích chi phí của ba đề xuất “miễn phí” lớn nhất của Sanders, gồm có: Y tế cho tất cả; Kế hoạch Xanh mới (Green New Deal); miễn phí đại học và xóa nợ sinh viên. Số tiền này gấp khoảng 3 lần GDP của Mỹ trong năm 2019.

Con số này lớn như thế nào? Brownstein nhận định: “Kế hoạch của ứng viên độc lập bang Vermont sẽ khiến chính phủ mở rộng chi phí và kích thướng tới mức chưa từng có kể từ Thế Chiến II, theo dự tính của chính website của ông ta và các ước tính của một loạt các chuyên gia tài chính”.

Mặc dù mọi chi phí chưa thể tính toán chi ly, nhưng kế hoạch của Sanders sẽ tăng chi tiêu chính phủ lên nền kinh tế lớn hơn nhiều New Deal dưới thời Tổng thống Franklin Roosevelt, Đại Xã Hội dưới thời Lyndon Johnson hoặc bất cứ đề xuất nào được đưa ra bởi mọi ứng viên Đảng Dân chủ khác, bao gồm cả ứng viên tự do George McGovern năm 1972, theo phân tích lịch sử bởi Larry Summers, cựu tư vấn kinh tế trưởng cho Tổng thống Barack Obama và cựu Bộ trưởng Tài chính của Bill Clinton”.

Không một chuyên gia, một công ty tài chính nào dám nói rằng chính phủ liên bang có thể lấy tiền ở đâu để trang trải cho những khoản chi tiêu khổng lồ này trong thập kỷ tiếp theo. Mặc dù trong kế hoạch “cách mạng nước Mỹ” của mình, Sanders dự định tăng mạnh thuế lên giới nhà giàu và các tập đoàn giàu có của Mỹ để đạt được “công bằng xã hội và tái phân chia giàu nghèo”, nhưng theo Viện Manhattan, số tiền lớn nhất mà ông này có thể thu về do tăng thuế chỉ là 23 nghìn tỷ đô.

Có lẽ đây là lý do mà Thượng nghị sĩ bang Vermont rất ít nhắc đến chi phí của những chương trình phúc lợi hấp dẫn của mình cũng như khả năng mà kế hoạch trưng thu thuế của ông có thể lấp được bao nhiêu trong lỗ hổng thâm hụt mà các chương trình này tạo ra. Ông cũng tránh nói đến việc phải tăng thuế ở tầng lớp trung lưu Mỹ, vốn là khối cử tri lớn nhất mà ai cũng cần chiều lòng. Ngược lại, đánh thuế giới nhà giàu đã trở thành một quân bài chính trị dễ thắng nhất ở Mỹ.

Chỉ có một lần, Sanders buộc phải thừa nhận rằng những tham vọng chính trị của ông sẽ khiến giới trung lưu phải nộp nhiều thuế hơn. Đó là trong những trao đổi giữa ông và phóng viên Savannah Guthrie của kênh NBC tại một cuộc tranh luận công khai giữa các ứng viên dân chủ hồi tháng 6/2019:

Guthrie: Chính quyền Sanders sẽ tăng thuế cho tầng lớp trung lưu hay không?

Sanders: Những người có bảo hiểm trong chương trình “Y tế cho tất cả” sẽ không phải trả phí hàng tháng, không khoản giảm trừ, không phải đồng trả, không có bất kỳ chi phí thêm nào hết. Đúng, họ sẽ phải nộp thêm thuế, nhưng chỉ trả ít hơn cho những gì họ được hưởng từ y tế.

Ngoại trừ cái danh xưng “chủ nghĩa xã hội dân chủ” nghe đã bị nhiều người Mỹ khó chịu, kế hoạch của người đứng đầu bảng đề cử của Đảng Dân chủ có ba lỗ hổng lớn nhất không thể chối cãi: Ông ta không biết tổng chi phí cho các chương trình của mình là bao nhiêu; ông ta không biết sẽ lấy tiền ở đâu để chi trả; và gần như chắc chắn giới trung lưu sẽ phải chịu thêm gánh nặng về thuế chứ không chỉ có giới nhà giàu ở Mỹ.

Đây là những lỗ hổng chết người mà ngay cả Đảng Dân chủ cũng thấy lo sợ nếu ông Sanders trở thành đại diện của đảng và đối mặt với ông Trump vào tháng 11.

Tổng thống Trump, trong khi đó thẳng thắn nhận xét rằng Sanders “là một người cộng sản, nhưng ít nhất ông ta nói thật về chuyện đó”. Ông Trump cũng lên tiếng chúc mừng Sanders sau khi ông này vươn lên dẫn đầu vòng bầu cử sơ bộ Đảng Dân chủ và nhận định rằng Sanders sẽ chiến thắng cuộc đua này, trừ khi ông ta bị Đảng Dân chủ gian lận gạt ra bên lề, “như những gì đã xảy ra năm 2016”.

Trọng Đức

Xem thêm: