Tin đồn chính quyền Trung Quốc đang có kế hoạch xây dựng một căn cứ hải quân ở Cộng hòa Guinea Xích Đạo (Equatorial Guinea) – nước sản xuất dầu mỏ thuộc Tây Phi, đã làm chao đảo giới an ninh Washington.

Embed from Getty Images

Ngày 23/4/2019 tàu khu trục tên lửa dẫn đường Type 055 Nam Xương của Hải quân Trung Quốc đã được duyệt binh trên biển (Nguồn: Mark Schiefelbein / AFP/ Getty).

Ngày 5/12/2021, WSJ (Wall Street Journal) đã công bố bài viết gây chú ý có tựa “Tình báo mật của Mỹ, cho biết: “Các quan chức từ chối mô tả chi tiết về các phát hiện tình báo bí mật. Nhưng họ chỉ ra các báo cáo đã gióng lên hồi chuông cảnh báo trong Nhà Trắng và Lầu Năm Góc về mối đe dọa rằng trong tương lai, tàu chiến Trung Quốc có thể tiếp tế và tân trang các tàu của họ trên bờ biển phía đông nước Mỹ”.

Từ tháng 5 năm ngoái, các quan chức cấp cao quân đội Mỹ đã rất lo lắng trước viễn cảnh này. Chỉ huy Stephen Townsend của Bộ tư lệnh châu Phi (Mỹ) cảnh báo: “Họ đang tìm kiếm một nơi để tiếp tế vũ khí và sửa chữa tàu chiến”. Ông cũng cho hay trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 5/2021: “Tôi rất lo lắng về bờ biển Đại Tây Dương”. Ông lưu ý rằng khoảng cách từ bờ biển phía tây của châu Phi đến Mỹ là tương đối ngắn.

Nhưng phản ứng của các bên về điều này là không nhất quán. Trong thông tin của Foreign Policy gọi những tuyên bố đó là “mơ hồ và gây hoang mang”.

Có chuyên gia chính sách được Epoch Times phỏng vấn nói rằng thành phố cảng Bata ở Guinea Xích Đạo đối diện với Đại Tây Dương sẽ là nơi đặt căn cứ hải quân của Trung Quốc, thành phố Bata lớn nhất Guinea Xích Đạo đã có một cảng nước sâu thương mại của Trung Quốc.

Thomas Cromwell, chủ tịch của East West Communications, nói với Epoch Times trong một email: “Cảng Bata hiện đang được tận dụng chưa đầy đủ, chủ yếu để xuất khẩu gỗ xẻ”.

Ông Cromwell đã làm phim quảng cáo cho Guinea Xích Đạo và làm việc với các quan chức chính phủ ở đó, nói rằng mặc dù quy mô của cảng Bata tương đối nhỏ, nhưng có thể đủ neo đậu cho các tàu hải quân cỡ trung bình đủ khả năng gây trở ngại. Ông viết: “Đối với một nước phía nam Sahara, Guinea Xích Đạo có cơ sở hạ tầng tuyệt vời, bao gồm cảng, sân bay, đường sá, họ có tham vọng trở thành trung tâm thương mại của khu vực Vịnh Guinea… Trung Quốc sẽ rất vui nếu có căn cứ hải quân ở Bata vì rất phù hợp với chiến lược bao vây nước Mỹ. Một căn cứ ở Tây Phi sẽ đưa mối đe dọa này đến gần bờ biển của Mỹ”.

Năm 2017, chính quyền Trung Quốc đã chi 590 triệu USD để xây dựng căn cứ quân sự ở nước ngoài đầu tiên ở Djibouti thuộc vùng Sừng châu Phi.

Nằm đối diện với Yemen, tại lối vào chiến lược dẫn đến Hành lang Biển Đỏ, ngày nay Djibouti có các cơ sở quân sự của Mỹ, Đức, Tây Ban Nha, Ý, Pháp, Vương quốc Anh, Nhật Bản và Ả Rập Xê-út.

Nhưng Washington đặc biệt lo ngại về sự hiện diện quân sự của Trung Quốc trên bờ biển Đại Tây Dương.

Giảng viên cao cấp tại Khoa Chính trị Đại học Nigeria, ông Freedom Onuoha cho biết: “Trong trường hợp tương lai có xung đột, căn cứ của Trung Quốc ở Đại Tây Dương có thể đóng một vai trò quyết định trong việc cắt đứt khả năng tiếp cận của Mỹ với các nguồn lực chiến lược từ nhiều nước châu Phi”. Ông nói với Epoch Times: “Trong trường hợp tương lai có xung đột, khu vực sẽ giúp hải quân Trung Quốc dễ dàng hơn trong hành trình qua lại bờ biển Đại Tây Dương của châu Phi”.

Đã từ lâu, Mỹ đầu tư rất nhiều vào ngành công nghiệp dầu mỏ của Guinea Xích Đạo, cung cấp cho chính quyền nước họ nguồn tài chính khổng lồ và đưa họ trở thành nước có thu nhập trung bình. Tuy nhiên, gần đây Washington đã lên tiếng phản đối hồ sơ nhân quyền tồi tệ và bộ máy chính trị hủ bại của Guinea Xích Đạo.

Nhiều chuyên gia suy đoán rằng áp lực của Mỹ có thể khiến nước Tây Phi này nghiêng về phía Trung Quốc – nước những năm gần đây cũng đã đầu tư mạnh vào Guinea Xích Đạo.

Chuyên gia Freedom Onuoha nói:

“Hai cường quốc thế giới đang cạnh tranh về tài nguyên và quan hệ hữu nghị, những diễn biến như thế gần đây mang lại đầy hy vọng nhưng cũng đầy nguy cơ cho một quốc gia nhỏ và mong manh như Guinea Xích Đạo”;

“Guinea Xích Đạo có các nguồn lực mà các cường quốc tìm kiếm, điều này được kỳ vọng sẽ mang lại giá trị lớn nhất nếu được lãnh đạo đúng đắn”;

“Nhưng triển vọng cũng rất nguy hiểm. Bởi vì bất kỳ nước lớn nào cũng có thể đầu tư vào nước châu Phi nhỏ bé này, hoặc tạo thế lực khiến nước này chìm vào bất ổn và tiềm ẩn nguy cơ thành quốc gia thất bại”;

“Điều đó cũng gây ảnh hưởng lớn đối với quản lý nhà nước, vì các nhà chức trách cầm quyền có thể phụ thuộc vào Trung Quốc để tồn tại, qua đó quyền con người và quyền công dân trở nên xa xỉ”;

“Các khoản đầu tư của Trung Quốc vào các lĩnh vực dầu khí và hàng hải của Guinea Xích Đạo khiến tình hình càng trở nên nguy hiểm hơn”.

Còn chưa ngã ngũ

Hiện nay, ý định thực sự của Bắc Kinh về việc thiết lập một căn cứ hải quân ở Guinea Xích Đạo vẫn chưa rõ ràng. Một số nhà quan sát cho rằng tham vọng biển của Trung Quốc có thể chủ yếu vì lợi ích kinh tế, trong khi có quan điểm khác cho rằng một căn cứ của Trung Quốc trên bờ biển Đại Tây Dương của châu Phi sẽ thay đổi vị thế sức mạnh của Trung Quốc.

Ông Cromwell theo quan điểm thứ hai. Ông nói với Epoch Times:

“Châu Âu có quan hệ lịch sử chặt chẽ với châu Phi nhưng không tích cực trong việc thúc đẩy sự phát triển của châu Phi, chỉ gần đây mới quyết định cạnh tranh với Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường của Trung Quốc ở châu Phi”.

“Có một số phần quan trọng mà châu Âu và Mỹ nên tập trung vào, bao gồm năng lượng, cơ sở hạ tầng, nông nghiệp và thương mại”;

“Thay vì lo lắng về quản trị kém và tránh can dự vào các vấn đề nhân quyền, tốt hơn là theo đuổi một chương trình đầu tư và thương mại tích cực để giúp châu Phi hiện đại hóa quản trị và cơ sở hạ tầng”.

Trung Quốc không quan tâm đến quản trị hoặc nhân quyền

Cromwell nói: “Như thế khiến Trung Quốc dễ dàng gần gũi với các chế độ châu Phi vốn tùy tiện, cũng khiến họ dễ ứng xử tiêu cực với người dân châu Phi, bao gồm cả những hậu quả kinh tế tai hại đối với các chính phủ châu Phi, làm cản trở tăng trưởng kinh tế địa phương vì dùng người lao động của Trung Quốc thay vì người lao động châu Phi”.

Chuyên gia Freedom Onuoha lo ngại hơn về những lợi ích của Trung Quốc khi có được vị trí đường biển. Ông nói: “Cũng như ở các nước châu Phi khác, xâm nhập hoặc thiết lập một chỗ đứng ở Guinea Xích Đạo hàm nghĩa về thực trạng bành trướng sức mạnh của Trung Quốc.”

Ông nói rằng nếu Trung Quốc giành được các nhượng bộ thương mại và thành nhà tài trợ cho cơ sở hạ tầng, có vẻ như Trung Quốc sẽ thay thế Mỹ và châu Âu ở châu Phi: “Nếu không ngăn chặn thành công thì sẽ phải trả giá theo theo nhiều cách: giảm tỷ trọng thương mại với các nước châu Phi, đòn bẩy để ảnh hưởng đến chính trị nội bộ của các nước châu Phi sẽ bị hạn chế, và mất phiếu ủng hộ từ châu Phi trong các vấn đề tại Liên Hiệp Quốc”.