Sau khoảng hơn 2 năm thực hiện các biện pháp phong tỏa và kiểm soát biên giới do đại dịch COVID-19, Đông Nam Á cuối cùng đang đón trở lại một lượng lớn khách du lịch.

Đông Nam Á
(Ảnh minh họa: Skycolors/Shutterstock)

Cụ thể, theo công ty phân tích dữ liệu chuyến bay Cirium, số lượng các chuyến bay đang dần trở lại như năm 2019 ở các nền kinh tế lớn trong khu vực, trong đó Singapore, Thái Lan và Malaysia là những điểm đến được nhiều người lựa chọn nhất.

Tại Singapore, quốc gia có nhiều người đặt chuyến bay đến nhất Đông Nam Á trong năm nay, lượng đặt chỗ vào tháng 1 đã tăng từ mức khoảng 30% (so với mức năm 2019) lên 48% tại thời điểm giữa tháng 6. Theo Cirium, Philippines cũng có lượng đặt vé máy bay tăng mạnh, từ khoảng 20% ​​hồi đầu tháng 1 lên gần 40% vào giữa tháng 6.

Theo Tổ chức Du lịch Thế giới của Liên Hợp Quốc, du lịch là ngành tạo doanh thu chính cho Đông Nam Á. Khu vực này có lượng khách quốc tế tăng hơn gấp đôi từ 63 triệu năm 2009 lên 139 triệu vào năm 2019.

Theo một báo cáo tháng 5/2022 được công bố bởi Ngân hàng Phát triển châu Á, ngành du lịch chiếm khoảng 10% tổng sản phẩm quốc nội ở Việt Nam, Singapore, Malaysia và từ 20% đến 25% ở Thái Lan, Campuchia và Philippines.

Hầu hết các quốc gia ở Đông Nam Á, như Singapore, Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Việt Nam và Philippines, đã ngừng yêu cầu khách du lịch đã tiêm vắc-xin đầy đủ phải tiến hành xét nghiệm COVID-19 trước khi nhập cảnh.

Ông Stanley Foo, người sáng lập công ty lữ hành địa phương Oriental Travel & Tours, cho biết rằng sau khi Singapore bỏ yêu cầu xét nghiệm trước khi nhập cảnh hồi tháng 4, thì hoạt động kinh doanh của công ty đã bắt đầu hồi sinh nhanh chóng. Ông cho hay rằng du khách đang đặt các chuyến đi dài hơn và chi tiêu nhiều hơn trước.

Vào thời điểm trước khi xảy ra đại dịch, công ty nhận được khoảng 20 lượt đặt chuyến du lịch mỗi tuần, chủ yếu là các chuyến kéo dài từ 3 đến 4 ngày. Giờ đây, công ty đang xử lý 25 lượt đặt chuyến du lịch mỗi tuần, một số đặt các chuyến đi dài tới 10 ngày. Chi tiêu trung bình cho các chuyến du lịch đã tăng từ khoảng 2.000 USD/người trước đại dịch lên 4.000 – 6.000 USD hiện nay. Theo ông Foo, khách du lịch liên hệ với công ty ông đến từ khắp nơi trên thế giới, đặc biệt là các nước Đông Nam Á.

Điều đó hoàn toàn trái ngược với trước đại dịch, khi mà khách Trung Quốc nằm trong nhóm khách hàng lớn nhất của công ty. Hiện nay, nước này tiếp tục áp đặt hạn chế nghiêm ngặt người dân xuất cảnh không vì mục đích thiết yếu.

Theo Ngân hàng Phát triển châu Á, vào năm 2019, du khách từ Trung Quốc chiếm hơn 30% lượng khách du lịch đến một số nước Đông Nam Á.

Tình trạng sụt giảm khách từ Trung Quốc đã trở nên trầm trọng hơn vào tháng 4 do các hạn chế đi lại nghiêm ngặt ở Trung Quốc và tình hình được dự báo là sẽ không sớm thay đổi.

Ông John Grant, nhà phân tích tại công ty dữ liệu du lịch OAG, cho biết quá trình phục hồi du lịch của châu Á tụt hậu so với các châu lục khác do phụ thuộc vào du khách quốc tế, đặc biệt là từ Trung Quốc, cũng như các chiến lược mở cửa trở lại khác nhau trong khu vực.

Được biết, Đông Nam Á có tỷ lệ lấp đầy ghế 66% trong các chuyến bay so với mức trước đại dịch. Trong khi đó, châu Âu và Bắc Mỹ đã quay trở lại khoảng 88% và 90% so với trước đại dịch.

Bên cạnh đó, quá trình phục hồi du lịch của Đông Nam Á cũng phải đối mặt với những thách thức toàn cầu khác như chi phí và lãi suất tăng, lạm phát và suy thoái tiềm ẩn.

Theo Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế, giá nhiên liệu máy bay vào đầu tháng 6 đã tăng 128% so với một năm trước. Vậy nên, các hãng hàng không đang tăng giá vé, nhưng ít nhất cho đến nay, dường như giá vé không ảnh hưởng đến nhu cầu trong bối cảnh mọi người muốn giải tỏa nhu cầu du lịch do bị dồn nén trong hơn 2 năm qua.

Tuy nhiên, điều đó có thể nhanh chóng thay đổi nếu phụ phí nhiên liệu và lạm phát tác động mạnh tới chi tiêu của du khách.

Lãi suất tăng có thể sẽ làm mất giá tiền tệ của các nền kinh tế mới nổi so với USD, qua đó khiến hàng hóa nhập khẩu trở nên đắt đỏ hơn cũng như khiến người dân giảm số tiền chi tiêu cho những việc không cần thiết như nghỉ lễ.

Hơn nữa, ngay cả khi Đông Nam Á tiếp tục thu hút nhiều lượng khách du lịch, các hãng hàng không có thể không đáp ứng nổi vì không tìm được đủ người phục vụ các chuyến bay.

Trên thực tế, nhiều người công tác trong ngành hàng không đã rời đi hoặc bị cho thôi việc trong 2 năm đầu tiên của đại dịch. Theo hiệp hội vận tải hàng không toàn cầu Aviation Benefits Beyond Borders, số việc làm trong ngành hàng không ít hơn 50% vào cuối năm 2021 so với thời kỳ trước đại dịch COVID-19.

Tình trạng hủy chuyến, hoãn chuyến và sân bay đông đúc đang làm cho du khách cảm thấy chán nản trong mùa du lịch hè ở châu Âu và Bắc Mỹ. Mức lương thấp khiến nhiều người thấy rằng công việc tại các sân bay và hãng hàng không là điều kém hấp dẫn. Nhiều người lao động ngành hàng không ở châu Âu đang biểu tình phản đối mức lương thấp cũng như điều kiện làm việc tồi tệ.

Tình trạng hỗn loạn du lịch ở các khu vực khác trên thế giới vẫn chưa lan tới Đông Nam Á. Đây là tình trạng mà các quan chức trong khu vực hy vọng có thể ngăn chặn được.

Dẫu vậy, Đông Nam Á cũng bắt đầu trải qua tình trạng này. Hồi tháng 4 vừa, Tập đoàn sân bay Changi ở Singapore đã phải dời lại một số chuyến bay trong 4 ngày cuối tuần do thiếu nhân viên.

Trong khi đó, truyền thông Malaysia cho biết khoảng 1/10 chuyến bay nội địa bay trong thời gian diễn ra lễ Hari Raya Aidilfitri vào cuối tháng 4 và đầu tháng 5 đã bị hoãn, một phần vì thiếu nhân viên.

Ông Mayur Patel, Giám đốc bán hàng khu vực của OAG tại Nhật Bản và Châu Á – Thái Bình Dương, cho hay rằng các hãng hàng không đã không được cấp thêm chỗ hạ cánh hoặc cất cánh do các sân bay không có đủ nhân lực để đáp ứng các chuyến bay bổ sung.

Phan Anh