Cuộc khủng hoảng chính trị tại Venezuela vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Tổng thống Nicolas Maduro mới đây đã viết thư cầu cứu OPEC, trong khi lãnh đạo đối lập Juan Guaido đã cử phái đoàn ngoại giao tới Rome để vận động Tòa thánh Vatican và chính phủ Ý ủng hộ.

Embed from Getty Images

Reuters cho biết ông Maduro hôm 29/1 đã gửi thư cho Tổng thư ký Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) để tìm kiếm sự ủng hộ chống lại các chế tài Mỹ áp đặt lên ngành dầu mỏ nước này trước đó 1 ngày. Ông Maduro viện dẫn rằng chế tài của Washington sẽ tác động tới giá dầu thế giới và tạo ra rủi ro tiềm tàng cho các thành viên khác của OPEC.

Reuters đã xem lá thư của ông Maduro và trích dẫn: “Đất nước chúng tôi hy vọng sẽ nhận được sự đoàn kết và ủng hộ đầy đủ của các quốc gia thành viên OPEC và Hội nghị cấp bộ trưởng của tổ chức này trong cuộc đấu tranh hiện nay chống lại sự can thiệp tùy tiện và bất hợp pháp của Mỹ vào công việc nội bộ của Venezuela.”

Trong thư, ông Maduro cũng nhấn mạnh: “Tôi tìm kiếm sự ủng hộ và hợp tác vững chắc của các bạn để cùng nhau tố cáo và đối mặt với hành vi tước đoạt không biết xấu hổ các tài sản của một thành viên OPEC.”

Tổng thống Maduro cũng đã viết rằng OPEC nên giúp xác định những giải pháp tiềm năng dựa trên “ảnh hưởng mà hành động này tác động tới thị trường năng lượng toàn cầu, và rủi ro mà nó tạo ra đối với các nước khác của… tổ chức này.”

Reuters, dẫn một nguồn tin thông thạo vấn đề này, nói rằng OPEC đã từ chối đưa ra tuyên bố chính thức về tình hình Venezuela hiện nay. OPEC nói họ chỉ quan tâm tới chính sách dầu mỏ, không phải chính trị.

Trước nay, OPEC có xu hướng tránh các tranh cãi chính trị liên quan tới các thành viên đơn lẻ. Năm ngoái, tổ chức này cũng đã từ chối yêu cầu của Iran về việc tổ chức thảo luận trong toàn khối liên quan tới các chế tài mà Mỹ áp đặt lên Tehran.

Venezuela là một trong những thành viên sáng lập OPEC và nằm trong top 3 nhà sản xuất hàng đầu của tổ chức này, nhưng trong những năm gần đây sản lượng dầu mỏ của Caracas đã giảm mạnh do khủng hoảng kinh tế.

Công ty tư vấn và nghiên cứu năng lượng Rystad dự báo rằng sản lượng khai thác dầu mỏ của Venezuela sẽ giảm mạnh xuống còn 680.000 thùng/ngày vào năm tới. Cuối năm 2018, sản lượng dầu của chế độ Maduro là 1,34 triệu thùng/ngày, trước đó vào đầu thế kỷ 21, Venezuela đạt sản lượng 3 triệu thùng/ngày.

Trong khi ông Maduro cầu viện OPEC, hôm thứ Hai (11/2), Tổng thống lâm thời Juan Guaido cũng đã cử phái đoàn ngoại giao tới Rome để gặp các quan chức Tòa thánh Vatican và chính phủ Ý để vận động ủng hộ chính phủ chuyển tiếp, gia tăng áp lực quốc tế lên chính quyền Maduro.

Theo Reuters, phái đoàn ngoại giao của ông Guaido với sự góp mặt của chủ tịch ủy ban các vấn đề đối ngoại Quốc hội Venezeula Francisco Sucre và cựu Thị trưởng Caracas Antonio Ledezma đã gặp các thành viên Bộ Ngoại giao Tòa thánh Vatican.

Trong một tuyên bố phát đi hôm 11/2, Vatican cho biết Tòa thánh “nhấn mạnh mối quan tâm sâu sắc về việc các bên cần tìm một giải pháp công bằng và hòa bình để vượt qua cuộc khủng hoảng này, đồng thời phải tôn trọng nhân quyền, hướng đến lợi ích của người dân đất nước và tránh đổ máu.”

Bộ trưởng Ngoại giao Vatican, Đức Hồng y Pietro Parolin gọi lập trường của Tòa thánh là “trung lập tích cực”, nói rằng họ phải đứng trên cả hai bên nếu muốn giúp đỡ.

Đoàn ngoại giao của chính phủ lâm thời Venezuela cũng đã gặp Phó thủ tướng Ý, Matteo Salvini.

“Chúng tôi đang ở Ý để tìm kiếm sự ủng hộ nhiều hơn cho Tổng thống Guaido của chúng tôi. Chúng tôi đang làm tốt, nhưng chúng tôi cần kết thúc điều này với chiến thắng,” ông Ledezma viết trên Twitter.

Ông Salvini là lãnh đạo của đảng Liên đoàn miền Bắc – phe ủng hộ ông Guaido trong chính phủ Ý.

Theo Reuters, trong thời gian phái đoàn của chính phủ lâm thời Venezuela ở Rome, ông Salvini cũng đã có cuộc điện đàm với ông Juan Guaido, nhấn mạnh việc phản đối ông Maduro và ủng hộ tổ chức một cuộc bầu cử tổng thống mới.

Xuân Thành