Malawi đã tiêu hủy gần 20.000 liều vắc xin AstraZeneca ngừa COVID-19 hết hạn sử dụng bất chấp lời kêu gọi của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh châu Phi không làm như vậy, theo tờ Newsweek đưa tin.

Embed from Getty Images

Thứ trưởng Y tế Malawi, ông Charles Mwansambo nói với Associated Press rằng các liều thuốc được đốt trước mặt một số quan chức hàng đầu để “tăng cường tính minh bạch.”

Bộ trưởng Y tế Malawi, Khumbize Kandodo Chiponda, nói với AP: “Chúng tôi đang tiêu hủy [những liều vắc-xin này] vì theo chính sách của chính phủ, không có hàng hóa y tế hết hạn nào được sử dụng”. 

“Trong lịch sử, theo chương trình tiêm chủng mở rộng của Malawi, chưa có loại vắc-xin nào hết hạn sử dụng,” bà nói thêm.

Bà Chiponda cho biết việc đốt vắc-xin sẽ ngăn những người có nhận thức tiêu cực về việc tiêm chủng lấy lý do vắc-xin hết hạn sử dụng để tiêm phòng.

Bà nói: “Chúng tôi đang tiêu hủy công khai như một phần trách nhiệm đối với người dân Malawi. Các loại vắc-xin hết hạn sẽ không được sử dụng trong chiến dịch tiêm chủng”. “Thay mặt chính phủ, tôi đảm bảo với tất cả người dân Malawi rằng sẽ không có ai được tiêm vắc-xin COVID hết hạn.”

Bà cho biết lượng vắc-xin bị đốt là phần còn lại trong 102.000 liều vắc-xin được vận chuyển đến Malawi vào ngày 26/3, chỉ 18 ngày trước khi chúng hết hạn vào ngày 13/4. Malawi đã cố gắng dùng hết khoảng 80% trước khi vắc-xin hết hạn.

Bộ trưởng Y tế cũng cảm ơn WHO, Liên minh châu Phi và Ấn Độ đã tài trợ vắc-xin.

Tháng trước, WHO đã kêu gọi các quốc gia châu Phi không tiêu hủy các liều vắc-xin AstraZeneca đã hết hạn sử dụng sau khi một số quốc gia nhận được những liều vắc-xin có thời hạn sử dụng rất ngắn từ Ấn Độ.

Malawi đã nhận lô hàng 360.000 liều AstraZeneca đầu tiên vào đầu tháng 3 từ sáng kiến ​​COVAX do WHO hậu thuẫn, sau đó, họ nhận được 50.000 liều AstraZeneca từ chính phủ Ấn Độ. Cộng với số vắc-xin do liên minh châu Phi tài trợ, nước này có tổng số 512.000 liều.

Cho đến nay đã có 212.615 liều được tiêm ở Malawi. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Châu Phi, cả nước có 34.216 ca mắc COVID-19 được xác nhận, trong đó có 1.153 trường hợp tử vong.

Tiến Minh 

Xem thêm: