Theo Tổng giám đốc y tế Malaysia Tan Sri Noor Hisham Abdullah, có 40 nhân viên y tế của nước này bị nhiễm COVID-19 dù đã tiêm đủ 2 liều vắc-xin. 

vắc-xin
Ảnh minh họa: (Par Akella Srinivas Ramalingaswami/Shutterstock)

Trong một bài đăng trên Facebook, ông cho biết rằng 31 người trong số đó đã bị nhiễm bệnh chưa đầy 2 tuần sau khi tiêm liều vắc-xin thứ 2, và 9 người còn lại đã mắc bệnh hơn 2 tuần sau đó.

Ông nói thêm rằng có thêm 142 nhân viên y tế nhiễm COVID-19 sau khi tiêm liều vắc-xin đầu tiên, và đang trong quá trình đợi tiêm liều thứ 2.

Theo ông Tan Sri Noor Hisham Abdullah, những người đã được tiêm chủng vẫn có thể mắc COVID-19, dù cho mức độ nghiêm trọng của bệnh có lẽ sẽ được giảm thiểu hơn. Vì vậy, theo vị quan chức này, người dân vẫn được khuyến cáo cần phải tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp chống dịch bệnh ngay cả khi đã được tiêm phòng.

Ông cho biết: “Mặc dù vắc-xin có thể mang lại tia hy vọng trong cuộc chiến chống lại COVID-19, nhưng chúng ta không thể nới lỏng việc thực hiện tất cả các biện pháp y tế công cộng sau khi tiêm chủng”.

Malaysia hiện được đang thực hiện tiêm chủng bằng loại vắc-xin của các hãng Pfizer/BioNTech và Sinovac.

Sau giai đoạn đầu tiên được triển khai từ hồi tháng 2/2021 đến nay, Malaysia sẽ bước vào giai đoạn thứ 2 của chương trình tiêm chủng quốc gia được bắt đầu vào ngày 19/4, trong đó ưu tiên cho những người cao tuổi, mắc bệnh lý nền và khuyết tật

Giai đoạn thứ 3 của chương trình tiêm chủng dự kiến sẽ bắt đầu vào tháng 5/2021 với những người trên 18 tuổi có nguy cơ thấp.

Malaysia hiện ghi nhận khoảng 2.551 ca mắc COVID-19 và đã có chừng 8.602.156 người đăng ký tiêm vắc-xin.

Phan Anh (tổng hợp)

Xem thêm: