Bộ phim hoạt hình của hãng Dreamworks làm chung với Trung Quốc mang tên “Abominable” (Tên tiếng Việt là: Everest – Người tuyết bé nhỏ) sẽ không được phát hành ở Malaysia sau khi nhà sản xuất từ chối cắt bỏ phân cảnh có “đường lưỡi bò” ở Biển Đông.

phim hoat hinh TQ
Cảnh trong bộ phim có “Đường lưỡi bò” (bị gạch chéo). Phim bị cấm chiếu ở Malaysia vì nhà sản xuất không đồng ý với yêu cầu kiểm duyệt.

“Đường lưỡi bò” hay “Đường 9 đoạn” là tên gọi vùng bản đồ mà Trung Quốc dùng để minh họa cho tuyên bố chủ quyền trên hầu hết Biển Đông, chồng lên các tuyên bố chủ quyền của nước khác, trong đó có Việt Nam, Malaysia và Philippines.

Tuần trước Việt Nam rút bộ phim hoạt hình này khỏi tất cả các rạp sau một tuần công chiếu cũng vì phân đoạn có “đường lưỡi bò”, trong khi đó Ngoại trưởng Philippines kêu gọi cắt bỏ đoạn phim và tẩy chay tất cả phim của Dreamworks Animation.

Ủy ban Kiểm duyệt phim Malaysia đã tuyên bố họ sẽ cho phép bộ phim này được ra rạp nếu nhà sản xuất chịu cắt bỏ đoạn phim gây tranh cãi về chủ quyền. Nhà sản xuất bộ phim đã từ chối.

Universal đã quyết định không cắt phân cảnh kiểm duyệt mà ủy ban kiểm duyệt Malaysia yêu cầu và vì thế sẽ không được phép công chiếu bộ phim này ở Malaysia”, phát ngôn viên của công ty phân phối phim, United International Pictures nói với Reuters.

Bộ phim dự kiến sẽ được ra rạp Malaysia vào ngày 7/10.

“Abominable” kể về một cô bé Trung Quốc tình cờ phát hiện ra một người tuyết sống trên mái nhà mình, được đồng sản xuất bởi hãng phim Trung Quốc Pearl Studio và Dreamworks Animation – hãng phim hoạt hình của Mỹ.

Trung Quốc gần đây tích cực đưa vấn đề chủ quyền biển đảo vào các bộ phim điện ảnh để phục vụ mục đích tuyên truyền.

Năm 2018, Việt Nam cũng dừng chiếu bộ phim “Điệp vụ Biển Đỏ” của Trung Quốc, do có nội dung bất lợi cho chủ của Việt Nam ở biển Đông.

Trung Quốc “vẽ” đường 9 đoạn trên biển Đông, ăn sâu vào chủ quyền của Việt Nam và nhiều nước khác dựa trên căn cứ mà họ gọi là “quyền lịch sử”.

Tuần trước, Ngoại trưởng Malaysia Saifuddin Abdullah tuyên bố nước này sẽ cần phải tăng cường năng lực hải quân để chuẩn bị cho khả năng xung đột trên Biển Đông mặc dù chính phủ vẫn theo đuổi chính sách phi quân sự hóa vùng biển tranh chấp.

Đức Trí

Xem thêm: