Tuần trước Malaysia đã đệ trình Liên Hiệp Quốc (LHQ) yêu sách để thiết lập các giới hạn thềm lục địa của Malaysia tại phần phía bắc của Biển Đông. Trong Quốc lên tiếng phản đối và thúc giục LHQ không chấp nhận đệ trình này của quốc gia Đông Nam Á.

Embed from Getty Images

Theo Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLO), mọi quốc gia đều có thể tuyên bố khu vực đặc quyền kinh tế cách bờ biển của họ 200 hải lý.

Căn cứ vào UNCLO, trong đệ trình gửi LHQ vào ngày 12/12, Malaysia nói rằng có những khu vực yêu sách chồng lấn có thể vượt ngoài khu vực đặc quyền kinh tế của nước này.

Đệ trình của Malaysia được đưa ra cho phần thềm lục địa của họ nằm vượt quá 200 hải lý trong khu vực phía bắc của Biển Đông. Động thái này có thể giúp Malaysia thiết lập chủ quyền đối với tất cả các nguồn tài nguyên dưới đáy biển và dưới lòng đất – bao gồm cả trữ lượng dầu khí – có thể tồn tại trong vùng biển này.

Mặc dù các quốc gia bờ biển như Malaysia có thể thiết lập các giới hạn bên ngoài của thềm lục địa hợp pháp của họ về phía biển giới hạn 200 hải lý theo UNCLO, nhưng Trung Quốc vẫn coi động thái này của Malaysia là hành động khiêu khích.

Tờ Nam Hoa Tảo báo (Hồng Kông) dẫn lời một quan chức ngoại giao Trung Quốc viết trong lưu ý gửi Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres rằng đệ trình của Malaysia “đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Trung Quốc trên Biển Nam Trung Hoa”.

Trung Quốc có các quyền lịch sử trên Biển Nam Trung Hoa,” lưu ý của Trung Quốc gửi Tổng thư ký LHQ nói thêm.

Trước đây, năm 2009, Malaysia và Việt Nam cũng đã đưa ra một đệ trình chung gửi LHQ về một phần của thềm lục địa của hai nước này tại phần phía nam Biển Đông.

Theo Reuters, tuần trước một quan chức cấp cao của Việt Nam nói rằng nước này có thể thực hiện hành động pháp lý, trong số nhiều lựa chọn khác nhau, trong vấn đề tranh chấp lãnh hải với Trung Quốc.

Hôm thứ Ba (17/12), Việt Nam nói họ hy vọng Trung Quốc năm tới sẽ kiềm chế trên Biển Đông sau khi một tàu khảo sát dầu mỏ Trung Quốc và các tàu hộ tống đã hoạt động nhiều tháng năm 2019 trong khu vực đặc quyền kinh tế Việt Nam mà Hà Nội gọi đó là hành động vi phạm trắng trợn chủ quyền của Việt Nam.

>>Bộ Ngoại giao lên tiếng việc tàu Trung Quốc rời khỏi bãi Tư Chính

Việt Nam được cho là quốc gia thách thức mạnh mẽ nhất các yêu sách của Trung Quốc tại Biển Đông. Năm 2020, Việt Nam giữ vai trò chủ tịch luân phiên của Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Việt Nam cũng đang giữ ghế thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Quốc nhiệm kỳ hai năm 2020-2021.

Theo Reuters, Ủy ban của LHQ về Giới hạn Thềm Lục địa nói rằng đệ trình một phần của Malaysia về phần phía bắc Biển Đông sẽ có trong nghị trình dự kiến của phiên họp thứ 53 của Ủy ban này được tổ chức tại New York vào năm 2021.

Malaysia trước đây đã từng lên tiếng mạnh mẽ về chủ quyền Biển Đông, nhưng gần đây đã không có động thái dứt khoát sau khi Trung Quốc đổ hàng tỷ USD đầu tư vào cơ sở hạ tầng của Malaysia theo chương trình Sáng kiến Vành đai và Con đường.

Dù vậy, hồi tháng Mười, Bộ Ngoại giao Malaysia cũng đã nói rằng nước này cần phải thúc đẩy khả năng hải quân để chuẩn bị cho xung đột tiềm tàng trên Biển Đông.

Xuân Thành