Lần thứ hai trong năm, Malaysia đã triệu tập đại sứ Trung Quốc ở nước này để phản đối các hoạt động của Bắc Kinh tại vùng Biển Đông, nơi quốc gia Đông Nam Á này sở hữu một lượng đáng kể các mỏ dầu và khí đốt.

Embed from Getty Images

Một tàu tuần duyên Trung Quốc đi dọc theo bãi đá ngầm Whitsun thuộc quần đảo Trường Sa vào tháng 4 (Ảnh: Getty Images) 

Trong một thông báo đưa ra vào cuối ngày thứ Hai (4/10), Bộ Ngoại giao Malaysia cho hay, bộ này đã triệu tập đại sứ Trung Quốc Ouyang Yujing “để truyền đạt quan điểm của Malaysia, đồng thời phản đối sự hiện diện và hoạt động của các tàu Trung Quốc, bao gồm một tàu khảo sát, trong vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia nằm ở ngoài khơi bờ biển Sabah và Sarawak.”

Thông báo nhấn mạnh: “Sự hiện diện và hoạt động của các tàu này trái với Đạo luật Vùng Đặc quyền Kinh tế năm 1984 của Malaysia cũng như Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS).”

Malaysia nhất quán quan điểm và các hành động dựa trên luật quốc tế, bảo vệ chủ quyền và quyền chủ quyền ở các vùng biển này. Malaysia cũng đã phản đối các hành động xâm phạm trước đây của tàu nước ngoài ở các vùng biển của chúng tôi.”

Việc phản đối của Malaysia được đưa ra một ngày sau khi Thủ tướng Malaysia Ismail Sabri Yaakob, người mới nhậm chức vào tháng 8, khẳng định trong một cuộc phỏng vấn rằng chính phủ Malaysia sẽ không “thỏa hiệp về chủ quyền” liên quan đến tranh chấp biển.

Thủ tướng Malaysia hiện lãnh đạo một liên minh khá mong manh, bao gồm các thành viên thuộc Tổ chức Quốc gia Mã Lai Thống nhất của riêng ông, đảng Bersatu của người tiền nhiệm Muhyiddin Yassin, cũng như các liên minh cầm quyền tại Sabah và Sarawak, hai bang bán tự trị của Malaysia trên đảo Borneo.

Hôm thứ Bảy (2/10), ông Jeffrey Kitingan, phó thủ hiến của bang Sabah, đã yêu cầu chính phủ liên bang triệu tập đại sứ Trung Quốc, đồng thời nêu vấn đề về sự hiện diện dai dẳng của Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia tại Liên Hợp Quốc.

Các quan chức Malaysia từ lâu đã phàn nàn về việc các tàu tuần duyên Trung Quốc thường xuất hiện quanh Bãi cạn Luconia phía Nam ngoài khơi Sarawak.

Theo quy định của UNCLOS, Malaysia đã tuyên bố chủ quyền vùng biển tại Biển Đông kéo dài 200 hải lý tính từ bờ biển của nước này. Điều này bao gồm cả yêu sách thềm lục địa mở rộng mà nước này đã đệ trình cùng với Việt Nam vào năm 2009.

Malaysia cũng tuyên bố chủ quyền đối với 12 hòn đảo thuộc quần đảo Trường Sa, và đang chiếm giữ 5 đảo.

Trung Quốc đã bác bỏ các khẳng định chủ quyền này của Malaysia, thay vào đó chính quyền cộng sản Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với hơn 85% vùng biển giàu tài nguyên này dựa trên cái gọi là đường ranh giới chín đoạn vô lý bằng cách trích dẫn các quyền lịch sử của mình  đối với vùng biển này.

Các quốc gia Đông Nam Á khác, bao gồm Việt Nam, Brunei, và Philippines, cũng là một bên trong tranh chấp. Khối 10 quốc gia khu vực ASEAN hiện đang đàm phán về bộ quy tắc ứng xử với Trung Quốc liên quan đến việc tranh chấp này.

Đây là lần thứ hai trong năm nay Malaysia triệu tập đại sứ Trung Quốc. Hồi tháng 6, Malaysia đã triệu tập Đại sứ Ouyang sau khi 16 máy bay vận tải của Trung Quốc bay gần không phận quốc gia của Malaysia mà không thông báo trước. Động thái này đã khiến Kuala Lumpur phải điều các máy bay chiến đấu của mình để ngăn chặn.

Sau đó, cả hai bên đều tuyên bố rằng vụ việc sẽ không làm thay đổi mối quan hệ thương mại và song phương vốn đang nồng ấm của họ. Trung Quốc là một trong nước đóng góp và tài trợ vắc-xin COVID-19 sớm nhất cho Malaysia.

Mặc dù trong nhiều năm qua, thông qua các tuyên bố công khai của mình, Malaysia được xem là một bên tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông im hơi lặng tiếng hơn các quốc gia khác như Philippines và Việt Nam, nhưng gần đây Malaysia đã trở thành tâm điểm chú ý.

Ví dụ, vào tháng 4 và tháng 5 năm ngoái, tàu thăm dò dầu khí West Capella do công ty năng lượng quốc gia Petronas của Malaysia ký hợp đồng đã vướng vào một cuộc xung đột với các tàu tuần duyên Trung Quốc. Sự kiện này đã nhanh chóng thu hút sự chú ý của các bên khác. Hoa Kỳ và Úc đã tổ chức các cuộc tập trận quân sự trong vùng biển này như một sự phô trương lực lượng đối với Trung Quốc.

Trong thông báo hôm thứ Hai (4/10), Bộ Ngoại giao Malaysia nhấn mạnh rằng “trong việc xác định lập trường và đường lối hành động của Malaysia đối với vấn đề Biển Đông, vốn phức tạp và liên quan đến quan hệ giữa các bang, lợi ích quốc gia của Malaysia sẽ vẫn là điều quan trọng nhất.”

Thông báo kết luận: “Malaysia khẳng định lập trường, tất cả các vấn đề liên quan tới Biển Đông cần phải được giải quyết một cách hòa bình và xây dựng, phù hợp với các quy tắc và luật pháp quốc tế được công nhận rộng rãi, trong đó có cả Công ước Liên Hợp Quốc về luật biển 1982.”

Gia Huy (Theo SCMP)

Xem thêm: