Tài liệu mật bị rò rỉ của Mỹ cho thấy, cuối năm ngoái Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) thông báo đã đình chỉ một cảng tại nước này, bị nghi ngờ là cơ sở quân sự của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Phát hiện tình báo của Mỹ vào tháng 12 năm ngoái cho thấy cảng này không chỉ đã kết nối nước và điện, mà còn xây dựng hàng rào cùng nhà kho quân đội.

52677938533 4fb1f2abcd b
Cảng Khalifa tại UAE. (Nguồn: Michael Gaylard/ Flickr)

Đầu tháng này, truyền thông Mỹ tiết lộ kế hoạch bí mật của phương Tây hỗ trợ Ukraine phản công bị rò rỉ trên mạng, sau đó người ta phát hiện phạm vi rò rỉ không chỉ là cuộc chiến Nga xâm lược Ukraine, mà còn nhiều vấn đề liên quan đến an ninh quốc gia của Mỹ, chẳng hạn như Trung Đông và Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Giữa tháng này, Mỹ đã bắt giữ một người lính không quân vì nghi ngờ làm rò rỉ tài liệu mật lên mạng, toàn bộ vụ việc được coi là vi phạm an ninh nghiêm trọng nhất của Mỹ trong những năm gần đây.

Theo một tài liệu bí mật bị rò rỉ mà Washington Post có được, hoạt động tại một cảng gần thủ đô Abu Dhabi của UAE là một trong những dự án phát triển có sự tham gia của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA). Tình báo Mỹ đang theo dõi các diễn biến lo ngại UAE – một trong những đồng minh lâu năm của Mỹ ở Trung Đông – có thể chấp nhận trả giá bằng hy sinh lợi ích từ Mỹ để sẵn sàng phát triển mối quan hệ an ninh chặt chẽ hơn với ĐCSTQ.

Theo tài liệu mật và các cuộc trao đổi trong các quan chức cấp cao của chính quyền Tổng thống Mỹ Biden, có dấu hiệu cho thấy người của PLA có mặt xung quanh các công trường xây dựng nhạy cảm khác ở UAE, vấn đề khiến giới chức Mỹ bất an.

Một trong những tài liệu mật nêu rõ, công việc của Trung Quốc tại UAE nằm trong kế hoạch phóng chiếu ra nước ngoài của PLA với hy vọng hoàn thành xây dựng mạng lưới quân sự toàn cầu của ĐCSTQ vào trước khi kết thúc năm 2030, bao gồm ít nhất 5 căn cứ ở nước ngoài và 10 cơ quan hỗ trợ hậu cần; đánh dấu bản đồ trong tài liệu mật cho thấy các căn cứ nước ngoài theo kế hoạch của ĐCSTQ nằm ở Trung Đông, Đông Nam Á và bờ biển phía đông và phía tây của châu Phi.

Tài liệu mật đề cập đến việc các quan chức PLA gọi chiến lược xây dựng mạng lưới căn cứ ở nước ngoài là “Dự án 141” (Project 141).

Các quan chức Mỹ có mức độ quan ngại khác nhau về các hoạt động của ĐCSTQ tại UAE. Có những người cho rằng vấn đề nằm trong tầm kiểm soát, nhưng một số người lại cho rằng đó là một mối đe dọa lớn và Mỹ cần phải gây áp lực nhiều hơn trong vấn đề này. Không có sự đồng thuận nào trong nội bộ Mỹ về vấn đề liên quan UAE như họ đã đưa ra quyết định chiến lược quan trọng xây dựng quan hệ sâu với ĐCSTQ hay duy trì quan hệ bình đẳng giữa Mỹ và Trung Quốc.

Về vấn đề này, người phát ngôn Lưu Bằng Vũ của Đại sứ quán ĐCSTQ tại Mỹ nói rằng lo ngại của Mỹ về các cơ sở quân sự ở nước ngoài của Trung Quốc là vô căn cứ. Ông Lưu chỉ ra Mỹ có hơn 800 căn cứ quân sự ở nước ngoài, điều này đã làm dấy lên mối lo ngại của nhiều nước, do đó Mỹ không có tư cách chỉ trích nước khác trong vấn đề này.

Giới chức Mỹ khẳng định không để cho căn cứ quân sự của Trung Quốc xây dựng ở UAE, vì những cơ sở như vậy sẽ gây hại cho các hoạt động quân sự của Mỹ ở Trung Đông.

Giới chức Mỹ đặc biệt lo ngại về Cảng Khalifa cách Abu Dhabi khoảng 80 km về phía bắc, nơi đó có một nhóm vận tải biển Trung Quốc hoạt động. Tháng 12/2021, sau khi giới chức Mỹ có tuyên bố rằng PLA muốn sử dụng khu vực này cho mục đích quân sự thì UAE đã tuyên bố đình chỉ hoạt động xây dựng của Trung Quốc tại Cảng Khalifa.

Nhưng tài liệu bí mật bị rò rỉ cho thấy, một năm sau khi UAE tuyên bố chấm dứt cho phép Trung Quốc phát triển xây dựng thì cơ sở tại địa phương này của PLA “có thể đã được kết nối với nguồn nước và điện của chính quyền thành phố” và “hàng rào cho kho hậu cần của PLA đã được xây dựng”. Tài liệu mật cảnh báo cơ sở này là “thành phần chủ chốt” trong kế hoạch thành lập căn cứ quân sự ở UAE của ĐCSTQ.

Theo nguồn thạo tin với vấn đề này, chính quyền Tổng thống Mỹ Biden cũng lo ngại về sự hiện diện của 2 căn cứ quân sự của Trung Quốc khác tại UAE, vì 2 nơi này đã triển khai máy bay không người lái và hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo.

Ngoài ra, giới chức Mỹ còn chỉ ra vấn đề ĐCSTQ đã tham gia vào việc xây dựng và mở rộng một đường băng dọc theo bờ biển từ Abu Dhabi.

Cảng Khalifa là một phần trong mạng lưới hơn 100 cảng và bến cảng thương mại chiến lược do Trung Quốc đầu tư trên khắp thế giới. Theo báo cáo do Lầu Năm Góc đệ trình lên Quốc hội Mỹ vào năm 2020, giới chức Mỹ xác định PLA đã có cảng hoặc cứ điểm lưỡng dụng (quân sự và dân sự) tại nhiều nước khác như Singapore, Indonesia, Pakistan, Sri Lanka, Kenya, Tanzania, Angola…

Hiện nay căn cứ ở nước ngoài duy nhất được công nhận của PLA nằm ở vùng Sừng châu Phi là Djibouti, được ĐCSTQ chính thức khai trương vào năm 2017. Tài liệu mật cho thấy “gần như chắc chắn vào tháng 2 năm nay PLA sẽ hoàn thành tòa nhà ăng-ten ở Doraleh của Djibouti” để cung cấp vệ tinh giám sát châu Phi, châu Âu và Trung Đông.

Theo CNA Đài Loan