Những người tị nạn Ukraine miễn cưỡng chấp nhận sự tiếp quản của Moscow hiện đang được mạng lưới các tình nguyện viên người Nga hỗ trợ để di tản ra khỏi nước này. 

p3117331a766210343
Sau khi Nga xâm lược Ukraine, người tị nạn Ukraine đã tràn vào châu Âu. (Ảnh: Mirek Pruchnicki / CC BY 2.0)

Khi anh Bogdan Goncharov 26 tuổi, cùng vợ và con gái 7 tuổi chạy trốn khỏi trận pháo kích tại quê hương Mariupol vào giữa tháng Ba, họ đã đến vùng lãnh thổ do Nga kiểm soát ở phía Đông Nam Ukraine. Lo sợ sẽ bị ‘đẩy’ đi xa hàng nghìn km sau khi nghe tin những người tị nạn khác bị gửi đến vùng Siberia nước Nga, anh Goncharov cho hay, anh đã liên lạc với một tình nguyện viên người Nga; người này đã sắp xếp phương thức vận chuyển để đưa họ qua lãnh thổ Nga tới biên giới Estonia.

Trước chiến tranh, anh Goncharov làm nghề xây dựng. Hiện anh đang bắt đầu một cuộc sống mới tại Thụy Điển. Anh chia sẻ: “Đó là một phép màu. Đó là nhờ các tình nguyện viên.”

Theo lời kể của 9 người đã tham gia hoặc nhận được sự giúp đỡ từ mạng lưới này, đối với những công dân Ukraine bị buộc phải rời bỏ nhà cửa như anh Goncharov, những người không muốn ở lại Nga hoặc các vùng lãnh thổ do Nga kiểm soát, các tình nguyện viên sẽ cho họ lời khuyên về tuyến đường đi lại, cũng như hỗ trợ về tiền bạc, phương tiện di chuyển và chỗ ở trên đường đi. 

Bốn người có liên quan đến mạng lưới ngầm này tiết lộ, nhiều trong số đó được điều hành bởi người Nga hoặc người gốc Nga. Hầu hết các tình nguyện viên cư trú ở nước ngoài, tuy nhiên vẫn có một số công dân Nga hiện đang sống tại quê nhà; nhiều người hoạt động trong bí mật để tránh sự chú ý của chính quyền Nga.   

Vào thời điểm mà luật pháp Nga đang hạn chế quyền công khai chỉ trích quân đội của người dân, mạng lưới ngầm này là một trong những cách mà công dân Nga bày tỏ sự thất vọng và quan điểm của họ trước sự tàn phá của chiến tranh. 

Hiện không có luật cụ thể nào ở Nga cấm việc giúp đỡ người Ukraine rời khỏi đất nước. Chỉ có điều luật liên quan đến các tổ chức phi chính phủ (NGO), trong đó cho phép chính phủ có quyền từ chối đăng ký nếu xét thấy họ đang tham gia vào các hoạt động có hại cho nước Nga. Luật pháp Nga cũng yêu cầu các tổ chức phi chính phủ nhận tài trợ nước ngoài và được cho là thực hiện các hoạt động chính trị phải chịu sự giám sát bổ sung.

Cô Maria Belkina 20 tuổi, một người Nga sống ở Gruzia, điều hành một nhóm mà theo cô đã giúp khoảng 300 người Ukraine thoát khỏi Nga. Cô Belkina chia sẻ: “Tất cả chúng tôi đều thường xuyên có cảm giác tội lỗi.” Nhóm này có tên là Volunteers Tbilisi. Họ cũng cung cấp viện trợ nhân đạo cho những người tị nạn Ukraine ở Gruzia. Cô nói thêm: “Nhiều người từ Nga đang viết thư và hỏi: ‘Tôi có thể giúp đỡ bằng cách nào?’”

Tờ Reuters đã phỏng vấn 2 nhóm tình nguyện khác, họ đã giúp đỡ hơn 1.000 người Ukraine rời khỏi Nga kể từ khi cuộc xung đột bắt đầu. Hãng thông tấn không thể xác minh con số này một cách độc lập. Theo các nhóm này, nhiều người mà họ giúp tái định cư đến từ Mariupol, một thành phố cảng chiến lược ở miền đông Ukraine đã phải hứng chịu những cuộc bao vây mang tính hủy diệt nhất của trận chiến.

Điện Kremlin và Bộ Các vấn đề khẩn cấp của Nga, cơ quan chịu trách nhiệm về người tị nạn, đã không trả lời yêu cầu bình luận về việc đối xử với người tị nạn Ukraine, về mạng lưới các tình nguyện viên giúp họ rời khỏi đất nước, cũng như quan điểm của các nhà chức trách Nga đối với các hoạt động này.

Chính phủ Ukraine đã không trả lời yêu cầu bình luận về công việc của các tình nguyện viên.

Mạng lưới này đi kèm nhiều rủi ro. Theo các cuộc phỏng vấn và một tổ chức chuyên theo dõi hành vi chống lại các nhà hoạt động chính trị của cảnh sát, những người Nga công khai phản đối cuộc chiến đã phải đối mặt với việc bị truy tố và phạt tiền.

Theo lời kể của 2 tình nguyện viên, một phụ nữ Nga từng giúp hàng chục người Ukraine rời nước này qua biên giới Estonia đã phải ngừng hoạt động sau khi cô bị cảnh sát triệu tập để thẩm vấn. Cô đã bị giữ trong vài giờ mà không được tiếp cận với luật sư, hơn nữa họ không biết cảnh sát đã thẩm vấn cô ấy về điều gì.

Nga xâm lược Ukraine vào ngày 24/2, theo chiến lược mà Điện Kremlin gọi là “hoạt động quân sự đặc biệt” nhằm phi quân sự hóa nước láng giềng. Moscow phủ nhận việc nhắm mục tiêu vào dân thường và tuyên bố họ đang cung cấp viện trợ nhân đạo cho người Ukraine.

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 26/4 phát biểu rằng đất nước của ông đã giúp 140.000 người rời Mariupol. “Họ có thể đến bất cứ nơi nào họ muốn: một số muốn đến Nga, một số đến Ukraine.” Ông Putin khẳng định: “Chúng tôi không giam giữ họ. Chúng tôi đang cung cấp cho họ tất cả sự giúp đỡ và hỗ trợ có thể. ”

Theo số liệu của Liên Hợp Quốc, tính đến ngày 6/5, trong hơn 13 triệu người Ukraine rời khỏi đất nước hoặc di tản bên trong Ukraine kể từ khi cuộc xung đột bắt đầu, khoảng 740.000 người đã đến Nga. 

Mạng lưới ngầm của người Nga

Nhóm tình nguyện đã giúp đỡ anh Goncharov, có tên là “Helping to Leave”, cho biết họ đã cung cấp sự hỗ trợ cần thiết cho khoảng 1.000 người rời khỏi Nga. Nhóm Volunteers Tbilisi nói rằng họ cũng phối hợp với nhóm “Helping to Leave”.

Nhóm “Helping to Leave” được điều hành bởi những người Nga và những người nói tiếng Nga ở nước ngoài, đồng thời họ cũng nhận được sự hỗ trợ của khoảng 100 người trong nước mà không phải là thành viên. Các tình nguyện viên của nhóm này cho phép người Ukraine vào nhà của họ “để có thể ngồi lại với nhau một chút và sau đó chúng tôi sơ tán họ khỏi Nga”, cô Naturiko Miminoshvili, người đồng sáng lập nhóm đang sống tại Tbilis thuật lại.

Theo cô Miminoshvili, nhóm này sắp xếp chỗ ở, cung cấp thông tin về các tuyến đường di chuyển và hỗ trợ đặt xe lửa, xe buýt, cũng như tư vấn cho mọi người về quyền của họ.

Cô Miminoshvili và một tình nguyện viên khác kể rằng, nhóm này đã ghi lại những trường hợp mà các quan chức Nga gây áp lực buộc mọi người phải đi đến những địa điểm mà họ không muốn đến hoặc nói với họ rằng họ không được phép rời khỏi nơi ở được cung cấp chính thức. Họ không nêu rõ nhóm đã ghi lại bao nhiêu trường hợp. Vì lo ngại về vấn đề an ninh, tình nguyện viên bên cạnh cô Miminoshvili yêu cầu chỉ gọi mình bằng tên Anna.

Cô Anna nhận thấy, hầu hết lời thỉnh cầu giúp đỡ đến từ những người Ukraine đang chạy trốn khỏi Mariupol, bến cảng từng một thời nhộn nhịp với dân số 400.000 người trước chiến tranh. Thành phố này đã trải qua những đợt oanh tạc nặng nề kể từ những ngày đầu của cuộc xung đột; người dân thường bị thiếu nước uống và thực phẩm. Nhiều cư dân của thành phố cuối cùng đã phải chuyển đến Nga hoặc các vùng lãnh thổ do Nga kiểm soát. Một số người đã trả lời tờ Reuters rằng, đó là cách thoát thân ít nguy hiểm nhất.

Chính phủ Gruzia không trả lời câu hỏi về việc liệu họ có biết đến hoạt động của các tình nguyện viên bên trong đất nước mình hay không.

Một hành trình dài

Anh Goncharov kể lại, anh và gia đình quyết định rời Mariupol vào ngày 15/3, sau khi bom đạn rơi gần tòa nhà chung cư của họ. Anh kể rằng nguồn cung cấp điện và nước đã bị cắt.

Anh Goncharov đón một chuyến xe ra khỏi thành phố cùng với 2 gia đình khác. Họ đã đi qua các trạm kiểm soát do lính Nga điều hành. Anh Goncharov và gia đình ở lại 6 ngày trong một khách sạn tại Berdiansk, một thành phố của Ukraine do lực lượng Nga chiếm đóng, sau đó tiến đến bán đảo Crimea đã bị Nga sáp nhập.

Anh Goncharov cho hay, các quan chức đã đưa gia đình anh vào một nhà khách ở khu nghỉ mát Yalta của Crimea và đề nghị giúp đỡ về tình trạng nhập cư của họ cũng như đề nghị trợ cấp 10.000 rúp (khoảng 3,5 triệu VND). Anh nói thêm, các quan chức cũng yêu cầu anh không đi đến bất kỳ nơi nào khác mà không được phép, trừ khi anh đăng ký tình trạng tị nạn chính thức.

Anh Goncharov cũng lo lắng việc anh và gia đình có thể bị đưa đến vùng Sakha hẻo lánh ở Siberia, vì anh đã nghe một người di tản kể lại rằng những người Ukraine khác cũng bị như vậy. Một ngày sau khi rời Yalta, anh nghe kể khoảng 50 người Ukraine đã bị đưa từ đó đến Taimyr, một bán đảo trên Bắc Băng Dương.

Chính quyền được Moscow hậu thuẫn ở Crimea đã chuyển các câu hỏi về vấn đề trên và các yếu tố khác trong lời kể của anh Goncharov đến Bộ Các vấn đề khẩn cấp ở Moscow. Bộ đã không trả lời các yêu cầu bình luận. Chính quyền các khu vực Sakha và Taimyr cũng không lên tiếng.

Khi còn ở Yalta, anh Goncharov đã liên hệ với một người quen tại Đức, người này đã giúp anh kết nối với cô Anna, tình nguyện viên của nhóm “Helping to Leave”. Theo anh Goncharov, cô đã hướng dẫn anh đến Rostov, miền nam nước Nga.

Khi đến đó, các tình nguyện viên đã sắp xếp cho anh và gia đình bắt một chiếc xe buýt riêng đưa họ tới khu vực biên giới với Estonia. Tại đó, các quan chức Nga đã thẩm vấn anh Goncharov về bất kỳ mối quan hệ nào với lực lượng an ninh hoặc cơ quan thực thi pháp luật Ukraine trước khi cho phép anh nhập cảnh vào Estonia.

Tình nguyện viên Anna xác nhận rằng cô đã giúp anh Goncharov rời khỏi Nga. Chính phủ Estonia đã không trả lời yêu cầu bình luận về lời kể của anh Goncharov và hoạt động của các tình nguyện viên. Từ ngày 24/2 đến ngày 10/5, theo cảnh sát và lực lượng biên phòng Estonia, 19.000 người Ukraine đã nhập cảnh vào nước này qua  lãnh thổ của Nga.

“Những linh hồn đã chết”

Một số trường hợp trợ giúp người tị nạn Ukraine cũng rất đặc biệt. Cô Darya Kiriyenkova, một nha sĩ tại St.Petersburg, người không nằm trong mạng lưới, cho biết cô đã nghỉ việc một tuần vào tháng Tư để làm tình nguyện viên tại trung tâm tiếp nhận chính thức dành cho người tị nạn Ukraine ở Taganrog, một thành phố thuộc tây nam nước Nga. Cô cảm thấy rất sốc trước cuộc chiến và muốn giúp đỡ những người bị ảnh hưởng.

Tại trung tâm tiếp nhận, cô Kiriyenkova kể rằng mình cũng đã giúp mua vé và sắp xếp việc đi lại cho một số người tị nạn muốn rời khỏi Nga. “Có rất nhiều người như vậy,” cô Kiriyenkova nói thêm, họ chủ yếu đến Estonia, Ba Lan và Đức. Ngoài ra một số người tị nạn chọn tiếp tục sống với người thân ở Nga hoặc chuyển đến các địa điểm khác của Nga do các quan chức phân bổ.

Cô Belkina, người điều hành nhóm Volunteers Tbilisi, sinh ra và lớn lên ở Nga – đất nước mà cô rất yêu mến, nhưng cảm thấy “buồn khi chứng kiến tình trạng của nó bây giờ.” Tại thủ đô Tbilisi của Gruzia, cô và đối tác người Ukraine đã cung cấp thức ăn và chỗ ở cho những người tị nạn Ukraine mới đến, sử dụng khách sạn của cha mẹ cô làm nơi tập hợp.

Họ “giống như những linh hồn đã chết”, cô Belkina mô tả về những người tị nạn mới đến. “Khi bạn nhìn vào họ, bạn sẽ thấy rằng họ đang phải chịu đựng sự đau đớn gây ra bởi đất nước của bạn (nước Nga).”

Vy An (Theo Reuters)