Theo đại sứ Trung Quốc tại Manila, Trung Quốc và Philippines đã đồng ý gác lại tranh chấp tại Biển Đông. Phát biểu này được đưa ra chỉ vài ngày sau khi Tổng thống Philippine Rodrigo Duterte được nhiều nhà phê bình khen ngợi khi hứa trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc sẽ duy trì phán quyết trọng tài năm 2016 vốn đã vô hiệu hóa nhiều yêu sách hàng hải gây tranh cãi của Bắc Kinh.

Embed from Getty Images

Bình luận của ông Huang Xilian, đại sứ Trung Quốc tại Manila, được đưa ra tại hội thảo trực tuyến về quan hệ song phương hôm thứ 6 (25/9) sau khi một số nhà bình luận chính sách đối ngoại nổi tiếng tiếp tục thúc giục ông Duterte chống lại đường chín đoạn mở rộng của Bắc Kinh vốn chiếm khoảng 90% tuyến đường biển đang tranh chấp.

Trong bài phát biểu của mình trước Liên Hợp Quốc vào ngày 22/9, ông Duterte nói rằng Manila “phản đối những nỗ lực nhằm phá hoại” phán quyết năm 2016, mà ông miêu tả là “một phần của luật pháp quốc tế, nằm ngoài sự thỏa hiệp và nằm ngoài khả năng thông qua của chính phủ”.

Tuy nhiên hôm thứ 6 (25/9) ông Huang nói rằng “sự đồng thuận đạt được giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Duterte” về việc “gác tranh chấp sang một bên, quản lý tình hình thông qua tham vấn song phương và tăng cường đối thoại và hợp tác” phải được hai bên “thực hiện nghiêm túc, khiến cho động lực bền vững của quan hệ song phương – kim chỉ nam cho chặng đường phía trước có thể được duy trì và nâng cao.”

Ông nói: “Quan điểm của Trung Quốc về cái gọi là phán quyết trọng tài đã rất rõ ràng: chúng tôi không chấp nhận và chúng tôi không công nhận nó. Cả hai nhà lãnh đạo của chúng ta đã đồng ý rằng chúng ta nên đóng lại quá khứ và gác lại những khác biệt,” nhưng ông không đề cập khi nào đạt được thỏa thuận như vậy.

Ông Huang nhắc lại rằng “vấn đề Biển Đông chỉ là một phần nhỏ trong quan hệ Trung Quốc – Philippines, hoặc như Ngoại trưởng [Teodoro] Locsin [Jnr] đã nói, chỉ là một viên sỏi nhỏ trên con đường dẫn đến sự phát triển kinh tế cùng có lợi cho cả hai, và chúng ta không được trượt ngã chỉ vì một viên sỏi nhỏ.”

Ông còn chỉ ra số lượng hợp đồng mới của Trung Quốc cho các dự án tại Philippines đã tăng “26,5% trong nửa đầu năm nay” bất chấp đại dịch virus corona, như là một bằng chứng cho thấy mối quan hệ đã mang lại lợi ích cho cả hai bên.

>> Ông Duterte nhượng bộ trước Bắc Kinh về vấn đề Biển Đông

Ông Harry Roque, phát ngôn viên của Tổng thống Philippines, trong một cuộc phỏng vấn với chương trình tin tức trực tuyến Viewpoint hôm chủ nhật (27/9) cho biết một thỏa thuận đã đạt được để “xử lý các vấn đề mà chúng tôi có thể thực hiện … [bao gồm] thương mại và đầu tư” bởi cả hai bên “không thể giải quyết vấn đề tranh chấp lãnh thổ còn đang tranh cãi.”

Tuy nhiên, đối với thẩm phán Tòa án Tối cao đã nghỉ hưu Antonio Carpio, điều này cho thấy ông Duterte bị “dắt mũi, gạt phán quyết sang một bên mà không đạt được lợi ích nào”.

Ông nói với This Week in Asia hôm thứ 2 (28/9), “Ông Duterte gác lại phán quyết để nhận được các khoản vay và đầu tư từ Trung Quốc, nhưng trong số 24 tỷ USD hứa hẹn cho vay và đầu tư, chưa đến 5% đã thành hiện thực trong khi nhiệm kỳ của ông Duterte còn chưa đến hai năm.”

“Với đại dịch và sự suy thoái của nền kinh tế Trung Quốc, không thể mong đợi gì hơn nữa … không có khách du lịch đến bởi vì đại dịch. Hộ chiếu của các công nhân chúng ta đang bị chính phủ Trung Quốc hủy bỏ. Ông Duterte không thể trông đợi điều gì hơn từ Trung Quốc.”

Ông Carpio kêu gọi tổng thống Philippines “khẳng định phán quyết trên mọi mặt trận” bởi vì nó “vẫn có giá trị và có thể thực thi”.

Ông còn cảnh báo Philippines nên “nhấn mạnh” rằng phán quyết trọng tài phải được đưa vào Bộ quy tắc ứng xử do Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á soạn thảo. Nếu không, “họ [Trung Quốc] sẽ sử dụng nó để chống lại chúng tôi”.

Ông Carpio, một trong những người ủng hộ biện pháp sử dụng trọng tài của chính phủ, đã đề xuất rằng Philippines cần nộp yêu sách thềm lục địa mở rộng tại Biển Tây Philippines để thực thi phán quyết và yêu cầu Đại hội đồng LHQ đưa vấn đề này ra biểu quyết ngay lập tức.

Ngân Hà (theo SCMP)

Xem thêm: