Bên vệ đường, đối diện khu chung cư bị đánh bom, người đàn ông Andrei đang bận rộn chôn cất những người hàng xóm đã qua đời trong một ngôi mộ tạm bợ. Cô gái Natalia tự hỏi liệu ngôi nhà của mình có còn đứng vững hay không, trong khi một gia đình khác đang lo lắng về việc nguồn cung cấp thực phẩm đang cạn kiệt của họ có thể tồn tại được bao lâu.

Embed from Getty Images

Chủ nhật vừa qua đánh dấu một ngày kinh hoàng và bối rối nữa ở Mariupol, thành phố cảng miền đông Ukraine, nơi đã chứng kiến những cuộc bắn phá và giao tranh nặng nề nhất kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch xâm lược Ukraine vào ngày 24/2.

Dừng lại với cái xẻng trên tay, anh Andrei cho biết những người hàng xóm mà anh đang chôn cất không phải bị chết bởi pháo hay lựu đạn của Nga, mà qua đời vì bệnh tật ngày càng trở nặng do căng thẳng quá lớn trong vài tuần qua, sau khi không thể nhận được sự trợ giúp y tế.

“Những quả bom không giết chết họ mà là tất cả điều này… hoàn cảnh này – [sống trong] các tầng hầm, thiếu hoạt động thể chất, căng thẳng, lạnh giá”, anh Andrei chia sẻ.

Cạnh đó, một số thi thể đang được bọc trong những tấm chăn bẩn. Trên đường, nhiều người lê bước ngang qua mang theo đồ đạc của họ trong túi nhựa hoặc hộp các-tông. Một cậu bé đẩy chiếc xe siêu thị vượt qua một chiếc ô tô bị đánh bom.

Anh Andrei cho biết anh và bạn bè đã được quân đội Ukraine khuyên nên giữ các xác chết trong những căn hầm lạnh giá, tuy nhiên những căn hầm này cũng đã chật kín người trú ẩn trước các cuộc tấn công bằng tên lửa và pháo binh của Nga.

“Tôi hy vọng sẽ có một cuộc cải táng nào đó và việc này chỉ là tạm thời,” anh nói thêm, chỉ vào cái hố chôn trên mặt đất.

“Mọi thứ đều bị phá hủy”

Chính quyền địa phương cho biết, khoảng 400.000 người đã bị mắc kẹt tại thành phố cảng chiến lược trên Biển Azov trong hơn 2 tuần, với rất ít khả năng tiếp cận được nước, thực phẩm, hệ thống sưởi hoặc điện.

Ngày 19/3, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy phát biểu rằng cuộc bao vây Mariupol của Nga là “một nỗi kinh hoàng sẽ được ghi nhớ trong nhiều thế kỷ tới.”

Bộ Quốc phòng Nga hôm 20/3 đã đổ lỗi cho “những người theo chủ nghĩa dân tộc Ukraine” về cái mà họ gọi là “thảm họa nhân đạo” ở Mariupol và ra điều kiện để thành phố đầu hàng trước đầu giờ ngày 21/3. Hãng thông tấn TASS đưa tin 59.000 người đã được sơ tán khỏi Mariupol trong 3 ngày qua.

Ngồi trong tầng hầm mà hiện đã trở thành ‘nhà’ của mình được 11 ngày, cô Irina Chernenko, một thủ thư của trường đại học, nói rằng cô không biết họ có thể sống sót như thế này được bao lâu nữa.

“Chúng tôi hy vọng điều tốt nhất – được sống như những con người bình thường. Khu chung cư bị phá hủy, mọi thứ bị phá hủy. Chúng tôi có thể đi đâu khỏi tầng hầm?”, cô Chernenko chia sẻ.

“Chúng tôi đang nấu ăn bằng một đống lửa. Bây giờ chúng tôi còn một số thực phẩm và một ít củi. Trong tuần tới, chúng tôi sẽ không còn gì, không còn thức ăn nữa.”

Một số khu vực của thành phố hiện do lực lượng Nga nắm giữ và số khác vẫn nằm trong sự kiểm soát của Ukraine, vì thế người dân không biết được số phận của những người thân sống ở các quận khác.

Cô Natalia, một nhân viên trường mẫu giáo, cho biết mình đang ở với các con và không thể băng qua thị trấn để trở về căn hộ của họ.

Cô cho hay: “Không có tin tức, không có thông tin. Mọi thứ đều đổ nát … Chúng tôi không biết bây giờ chúng tôi sẽ sống như thế nào.” 

“Những gì tôi đã chứng kiến, tôi hy vọng người khác sẽ không bao giờ nhìn thấy”

Tổng lãnh sự Hy Lạp tại Mariupol, ông Manolis Androulakis, đã hỗ trợ hàng chục công dân Hy Lạp và những người thuộc nhóm dân tộc Hy Lạp sơ tán khỏi thành phố đổ nát. Ông rời Mariupol vào ngày 15/3. Sau chuyến đi 4 ngày ra khỏi Ukraine, ông đã đến Romania qua Moldova, cùng với 10 công dân Hy Lạp khác.

Khi đến Sân bay Quốc tế Athens vào ngày 20/3 và đoàn tụ với gia đình, ông Androulakis cho biết: “Những gì tôi đã chứng kiến, tôi hy vọng người khác sẽ không bao giờ nhìn thấy.”

Ông so sánh: “Mariupol sẽ trở thành một phần trong danh sách những thành phố đã bị chiến tranh phá nát hoàn toàn; tôi không cần phải kể tên chúng – đó là Guernica, Coventry, Aleppo, Grozny và Leningrad.”

Theo Bộ Ngoại giao Hy Lạp, ông Androulakis là nhà ngoại giao EU cuối cùng rời Mariupol, nơi nhiều cư dân đã bị mắc kẹt dưới đợt pháo kích nặng nề trong hơn 2 tuần khi lực lượng Nga tìm cách giành quyền kiểm soát.

Ít nhất 10 người thuộc nhóm dân tộc Hy Lạp đã thiệt mạng và một số người bị thương kể từ khi Nga bắt đầu tấn công Mariupol. Bộ Ngoại giao Hy Lạp cho biết hơn 150 công dân Hy Lạp, thủy thủ đoàn và người dân tộc Hy Lạp đã được sơ tán khỏi khu vực.

Trước chiến tranh, Mariupol là thành phố có hơn 400.000 người sinh sống. Trong lịch sử đây là nơi có số lượng lớn người thuộc nhóm dân tộc Hy Lạp hoạt động trong lĩnh vực thương mại và vận chuyển kể từ thời Đế quốc Đông La Mã. 

Vy An (T/h từ Reuters)