Sau khi ông Đổng Kiến Hoa (Tung Chee-hwa) rút khỏi chức Đặc khu trưởng Hồng Kông đã sáng lập “Quỹ Trao đổi Trung – Mỹ”, gần đây trong một báo cáo công bố trước Quốc hội Mỹ, quỹ này đã bị điểm danh là tổ chức Mặt trận Thống nhất ở nước ngoài của ĐCSTQ. Trong thực tế, đây không phải là lần đầu tiên quỹ này bị cáo buộc là thực hiện nhiệm vụ chính trị bí mật.

Embed from Getty Images

Ông Đổng Kiến Hoa – cựu Đặc khu trưởng Hồng Kông, người sáng lập “Quỹ Trao đổi Trung – Mỹ” (Ảnh: Getty Images)

Truyền thông và Quốc hội Mỹ thay nhau điểm danh

Vừa qua Ủy ban Thẩm định Kinh tế và An ninh Trung – Mỹ (US China Economic and Security Review Commission) của Quốc hội Mỹ đã công bố báo cáo chỉ ra, để tăng ảnh hưởng ở nước ngoài, ĐCSTQ đã dùng Ban Mặt trận Thống nhất chuyên trách các hoạt động tổ chức của ĐCSTQ ở nước ngoài, thu hút người Trung Quốc ở nước ngoài và các tổ chức người gốc Hoa tại nước sở tại tham gia vào “Mặt trận Thống nhất” của ĐCSTQ.

Những tổ chức nhà nước hoặc nửa nhà nước này đang hoạt động tại nhiều quốc gia do Ban Mặt trận Thống nhất “chỉ đạo” và được tài trợ trực tiếp từ ĐCSTQ, trong đó bao gồm cả quan chức hoặc tổ chức quân sự nước sở tại; “Hiệp hội văn hóa”, “Hội hữu nghị”; “Các tổ chức học thuật” như Hiệp hội Hữu nghị Sinh viên và Học giả Trung Quốc, Viện Khổng tử. Báo cáo chỉ ra “Quỹ Trao đổi Trung – Mỹ” do ông Đổng Kiến Hoa sáng lập tại Hồng Kông là một trong số đó.

Trong thực tế, ngay từ cuối tháng Mười Một năm ngoái, tạp chí Chính sách Đối ngoại của Mỹ đã chia sẻ thông tin về Quỹ này và công tác chính trị của Quỹ tại Mỹ. Nguồn tin chỉ ra, trong 5 năm qua “Quỹ Trao đổi Trung – Mỹ” đã chi 22,4 triệu đô la Hồng Kông (khoảng 2,86 triệu đô la Mỹ) cho vận động hành lang chính trị tại Mỹ , tài trợ cho các chuyên gia và trường Đại học có tiếp xúc trực tiếp với chính phủ Mỹ.

Một trong số đó có “sự hợp tác chặt chẽ” với “Quỹ Trao đổi Trung – Mỹ” là Viện Nghiên cứu Quốc tế cấp cao Trường Đại học Johns Hopkins Mỹ. Vào tháng 08/2017 học viện này công bố thiết lập hàm “Giáo sư danh dự” (Endowed Professor) cho Ban Nghiên cứu Trung Quốc của mình, chịu trách nhiệm cho kế hoạch “Sáng kiến ​​Cộng đồng Thái Bình Dương” (Pacific Community Initiative), nghiên cứu “Vai trò Trung Quốc ở châu Á vươn ra toàn cầu, và ý nghĩa đối với các vùng lân cận cùng các đối tác”.

Tổng thanh tra David Lampton Ban Nghiên cứu Trung Quốc của nhà trường cũng thừa nhận với giới truyền thông rằng, dự án này được tài trợ bởi “Quỹ Trao đổi Trung – Mỹ”, còn hàm “Giáo sư danh dự” mới được thiết kế phải “hợp tác chặt chẽ” với Quỹ, được Quỹ tiến cử và bổ nhiệm.

Tạp chí “Chính sách Đối ngoại” mô tả, Đại học Johns Hopkins là cái nôi của tài năng chính trị Mỹ, hầu hết các sinh viên tốt nghiệp sẽ tham gia vào chính phủ Mỹ, kể cả CIA và các cơ quan an ninh quân sự, trong khi bộ phận nghiên cứu Trung Quốc của trường là đặc biệt nổi tiếng, đã đào tạo nhiều tài năng thành thạo các chính sách của Trung Quốc và bảo vệ an ninh quốc gia của Mỹ.

Báo cáo cũng chỉ ra tổ chức được “Quỹ Trao đổi Trung – Mỹ” tài trợ có cả những tổ chức tư vấn nổi tiếng về quan hệ Trung – Mỹ như Trung tâm Nghiên cứu của Hội đồng Đại Tây Dương (Atlantic Council) và Hội học thuật Brookings (Brookings Institution), thông tin gây nhiều lo ngại vì điều này có thể ảnh hưởng lớn đến lập trường của các chuyên gia tư vấn về các vấn đề chính sách Trung – Mỹ, ảnh hưởng đến kết quả của những tranh luận về chính sách của Mỹ. Bản báo cáo mô tả, Quỹ này không khác gì là một “đại diện của ĐCSTQ”.

Mặc dù “Quỹ Trao đổi Trung -Mỹ” đã bác bỏ thông tin này, nhưng bản báo cáo về an ninh mà gần đây đã trình bày tại Quốc hội Mỹ một lần nữa thu hút sự chú ý của quốc tế.

Quỹ đang hỗ trợ mạnh cho vận động chính trị ở Mỹ

Bên cạnh đó, vào năm ngoái nhiều tổ chức truyền thông Hồng Kông cũng chỉ ra, theo biên bản của Quốc hội Mỹ ghi lại, hàng năm Quỹ này chi kinh phí mời từ 3-4 công ty và các chuyên gia cố vấn để vận động hành lang Quốc hội Mỹ, chủ yếu liên quan đến các vấn đề về quan hệ Trung – Mỹ, và trong 5 năm qua Quỹ đã chi lên đến 22,4 triệu đô la Hồng Kông cho công tác vận động hành lang, trong đó chỉ trong năm 2015 chi 6,2 triệu đô la Hồng Kông.

Thông tin trích dẫn lời nghiên cứu viên Matisse chuyên nghiên cứu Trung Quốc của Quỹ Jamestown Mỹ chỉ ra, Trung Quốc tài trợ thành lập các địa chỉ liên lạc và các mối quan hệ tại Mỹ không phải là cho “lợi ích ngắn hạn” mà nhằm dài hạn để thay đổi bầu không khí dư luận Mỹ đối với Trung Quốc, để sau này Trung Quốc tác động đến chính sách của Mỹ.

Chủ tịch của “Quỹ Trao đổi Trung – Mỹ” là cựu Đặc khu trưởng Hồng Kông Đổng Kiến Hoa, năm 2008 đã đăng ký tại Hồng Kông như là một “tổ chức tư nhân phi chính phủ, phi lợi nhuận”. Quỹ hiện có tài sản 300 triệu đô la Hồng Kông, trong đó 120 triệu là tiền mặt, và nguồn thu nhập chính là “hiến tặng”, năm ngoái thu được 85 triệu đô la Hồng Kông, năm 2014 thu được 150 triệu đô la Hồng Kông. Tuy nhiên, Quỹ không tiết lộ nguồn tiền “hiến tặng”, đã có nhiều nghi ngờ nguồn kinh phí hoạt động lấy từ Ban Mặt trận Thống nhất ĐCSTQ.

Vào năm 2005 sau khi ông Đổng Kiến Hoa giải nhiệm Đặc khu trưởng Hồng Kông đã nhậm chức Phó Chủ tịch Chính hiệp, trong những năm qua hoạt động như một người xúc tiến quan hệ Trung Quốc – Mỹ, liên tục gặp gỡ các quan chức cấp cao của Mỹ, tham gia tích cực trong giới người Hoa ở nước ngoài. Ông Đổng Kiến Hoa cũng từng đi cùng hai thế hệ Chủ tịch nước Tập Cận Bình và Hồ Cẩm Đào để tham dự các hoạt động Trung – Mỹ với tư cách là Phó Chủ tịch Chính hiệp. Tháng Mười Một năm ngoái khi Tổng thống Mỹ Trump đến thăm Bắc Kinh, Đổng cũng được tham gia sự kiện chào đón. Tháng Chín năm ngoái, khi ông Trương Hiểu Minh (Zhang Xiaoming), Chủ nhiệm Văn phòng Liên lạc Trung Quốc hội kiến Đổng Kiến Hoa và hơn 30 thành viên của Quỹ đã phát biểu thể hiện lòng cảm kích những người “tích cực thúc đẩy sự phát triển của quan hệ Trung – Mỹ”.

Huệ Anh

Xem thêm: