Theo một báo cáo của Tổ chức ủng hộ Quỹ Tưởng niệm các nạn nhân của chủ nghĩa cộng sản (VoC) có trụ sở tại Washington và nhóm chuyên viên tư vấn Horizon, tám công ty công nghệ lớn của Mỹ có các mối liên hệ kinh doanh với quân đội và bộ máy an ninh Trung Quốc.

Screen Shot 2022 02 09 at 2.26.39 PM
Báo cáo của Tổ chức ủng hộ Quỹ Tưởng niệm các nạn nhân của chủ nghĩa cộng sản (VoC)

“Trong nỗ lực chiếm thị trường Trung Quốc và gia tăng lợi nhuận kinh doanh, các công ty Mỹ ngày càng hỗ trợ Bắc Kinh hiện đại hoá quân đội, giám sát công dân, chứng khoán hoá hàng nội địa, và tham dự vào các vụ vi phạm nhân quyền của Bắc Kinh,” báo cáo cho biết. 

Báo cáo đã khảo sát các hoạt động của tám công ty Mỹ tại Trung Quốc gồm Amazon, Apple, Dell, Facebook, GE, Google, Intel và Microsoft, cũng như xem xét các mối liên kết kinh doanh “có thể trực tiếp hoặc gián tiếp hỗ trợ hoạt động giám sát nhà nước, hiện đại hoá quân đội, và vi phạm nhân quyền của chính quyền Trung Quốc.”

Trong khi tất cả các công ty được khảo sát trong báo cáo đều từng có lịch sử giao dịch kinh doanh với các tập đoàn nhà nước Trung Quốc, báo cáo phát hiện GE, Intel, và Microsoft đã “hỗ trợ trực tiếp” cả cho quân đội hoặc các tổ chức an ninh quốc gia Trung Quốc. 

Chiến lược kết hợp quân sự – dân sự của ĐCSTQ và sự trợ giúp của công nghệ Mỹ 

Việc các công ty Mỹ đang “vỗ béo” cho Đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) không còn là bí mật. Các hãng truyền thông lớn đều đã bóng gió nói về sự phổ biến của các giao dịch kinh doanh làm lợi cho  ĐCSTQ độc tài trong nhiều năm trời. Báo cáo mới cũng bổ sung thêm các chi tiết về mức độ phổ biến của xu hướng này. 

Theo báo cáo, các công ty công nghệ đã giúp đỡ ĐCSTQ thực hiện việc hiện đại hoá quân – dân sự ở mức cao nhất.

“Ban lãnh đạo Apple và Intel đã gặp gỡ nhiều lần với quan chức cao cấp của Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin (MIIT), cơ quan nhà nước hàng đầu của Trung Quốc chịu trách nhiệm thực hiện chiến lược kết hợp dân – quân sự của Bắc Kinh, hướng vào những đổi mới công nghệ đã được phát triển hoặc đã bị thâu tóm trong lĩnh vực tư nhân cho quân đội Trung Quốc,” báo cáo cho biết.

Kết hợp dân- quân sự đề cập đến một chiến lược trong đó toàn thể xã hội được động viên để tham gia vào công cuộc “phục hưng vĩ đại” nhà nước Trung Quốc bằng cách hiện đại hoá cánh tay quân sự của ĐCSTQ – Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA).

Theo chiến lược này, tất cả sự phát triển công nghệ dân sự được khuyến khích đồng thời phục vụ chức năng quân sự.

Điều đó đặt ra vấn đề thực sự cho bất cứ công ty nào liên quan đến phát triển hay nghiên cứu công nghệ ở Trung Quốc.

Tuy nhiên, đối với các công ty cố tình cộng tác để phát triển công nghệ với các tập đoàn quân sự, thì mối đe dọa đối với Mỹ, cũng như đối với tự do dân sự của Trung Quốc, thực sự là vấn đề nghiêm trọng.

Những quan hệ đối tác và dính líu với các cơ quan của chính quyền Trung Quốc để hỗ trợ PLA và nỗ lực giám sát quốc gia không phải là hiếm, báo cáo nêu chi tiết.

Ví dụ, Intel cung cấp, đầu tư và tham gia vào hợp tác công nghệ với công ty công nghệ thiết kế chip và bộ vi xử lý Trung Quốc Lanqi, được đầu tư mạnh mẽ bởi Tập đoàn Điện tử Trung Quốc, một công ty quốc phòng nhà nước mà Bộ Quốc phòng Mỹ đã xác nhận là một cơ quan quân sự. Intel cũng tham gia vào một dự án chung trị giá 2 tỷ đôla với Lanqi để phát triển các bộ vi xử lý hiệu suất cao.

“Phó chủ tịch Toàn cầu của Intel đã tham dự lễ ký kết (thoả thuận) cùng Chủ tịch và Bí thư đảng (ĐCSTQ) của hãng Điện tử Trung Quốc,” báo cáo cho biết.

Trước đó theo hợp đồng, Intel cũng thực hiện nghiên cứu với một công ty để cung cấp công nghệ trí tuệ nhân tạo cho PLA.

“Intel đầu tư vào các công ty kết hợp dân – quân sự và công nghệ cao Trung Quốc, có nhiều khả năng cung cấp cho họ cả vốn và khả năng tiếp cận công nghệ,” báo cáo bổ sung.

“Intel đã không có hành động nào để hạn chế hoặc chấm dứt những mối quan hệ có vấn đề như vậy.”

Tương tự như vậy, báo cáo đã phát hiện GE có quan hệ đối tác công nghệ với nhiều công ty chủ chốt liên quan tới tổ hợp công nghiệp – quân sự của Trung Quốc.

“Quan hệ đối tác [của GE] dường như có liên quan tới chia sẻ công nghệ, bao gồm với những công ty cốt lõi trong quân đội, các công ty kết hợp dân – quân sự và hệ thống giám sát của Trung Quốc,” báo cáo cho biết.

Trong những công ty này có công ty quốc phòng thuộc sở hữu nhà nước – Tổ hợp Công nghiệp Hàng không Trung Quốc, đã bị Mỹ liệt vào danh sách là một thực thể quân sự, và Tập đoàn Điện lực Cáp Nhĩ Tân. Đáng lưu ý, Tập đoàn Điện lực Cáp Nhĩ Tân duy trì một cơ cấu kết hợp dân – quân sự chuyên tập trung vào việc cung cấp công nghệ tuabin cho PLA.

Theo báo cáo, GE duy trì 51% vốn đầu tư vào liên doanh tuabin với Tập đoàn Cáp Nhĩ Tân có tên là General Electric-Harbin Power-Nanjing Turbine Energy Service. 

“Những quan hệ đối tác đó đã… mang đến cho các công ty Trung Quốc có quan hệ với quân đội đòn bẩy trong chuỗi cung ứng của GE, vốn rất trọng yếu cho cả an ninh quốc gia Mỹ và cơ sở sản xuất của họ,” báo cáo cho biết. 

“Và các hoạt động và quan hệ đối tác của GE tại Trung Quốc đã đặt họ vào những nguy cơ liên quan tới lao động cưỡng bức và những tội ác về nhân quyền khác tại nước này.”

Trung tâm Đổi mới của Microsoft, một trung tâm nghiên cứu tập trung vào trí tuệ nhân tạo được xem như thành viên của Telecom Trung Quốc, một gã khổng lồ viễn thông thuộc sở hữu nhà nước đã bị thu hồi giấy phép hoạt động tại Mỹ vào năm 2021 vì những quan ngại về an ninh quốc gia.

Theo báo cáo, Microsoft cũng tham gia vào những thoả thuận hợp tác chiến lược với các công ty khác mà chính phủ Mỹ xác định là có quan hệ với quân đội Trung Quốc, hoặc đang bị cân nhắc hạn chế xuất khẩu.

Đạo đức giả trong nước, độc đoán ngoài nước 

Chắc chắn, kinh doanh ở Trung Quốc nói chung ngày càng nguy hiểm. Nhiều bộ luật và nhiều tổ chức của Trung Quốc tồn tại để thu thập dữ liệu và trao cho ĐCSTQ, vì ĐCSTQ coi dữ liệu là “tài nguyên quốc gia”.

Tuy nhiên, báo cáo của VoC thận trọng lưu ý rằng không được coi việc kinh doanh tại Trung Quốc là sai trái. Thay vào, các tác giả báo cáo khuyến khích độc giả tập trung vào cách nói đạo đức nước đôi mà một số công ty liên quan – tức bênh vực cho nhân quyền nhưng lại đóng góp cho công nghệ đàn áp của chính quyền độc tài.

“Các công ty Mỹ không gặp vấn đề gì khi nói một đằng ở Mỹ trong khi làm (và nói) một nẻo ở Trung Quốc,” báo cáo cho biết. 

“Thái độ đạo đức giả như vậy đặc biệt trắng trợn khi đề cập đến quyền riêng tư kỹ thuật số: các công ty như Apple, Amazon, Dell, và Intel nhấn mạnh đến bảo mật thông tin tại Mỹ nhưng lại tuân theo yêu cầu của Trung Quốc về lưu trữ và xử lý dữ liệu.”

“Điều này gây nguy hại cho thông tin, và vì thế cho an ninh của những người dùng chống đối chế độ tại Trung Quốc, cũng như những người dùng toàn cầu.”

Epoch Times đã yêu cầu GE, Intel và Microsoft bình luận.

Ngân Hà (theo The Epoch Times)

Xem thêm: