Theo ông Miles Yu, cố vấn về Trung Quốc cho cho cựu Ngoại trưởng Mike Pompeo, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang hướng tới mục tiêu xuất khẩu mô hình quản trị toàn trị của mình ra phần còn lại của thế giới, và cách tốt nhất để chống lại các mối đe dọa của chế độ này chính là có ý thức đạo đức rõ ràng.

Miles Yu
Miles Yu, cố vấn về Trung Quốc của cựu Ngoại trưởng Mỹ Pompeo (Ảnh: chụp màn hình video của Epoch Times).

“Vì vậy, thách thức mà ĐCSTQ đặt ra cho thế giới không chỉ là thách thức về công nghệ, đó không chỉ là thách thức về kinh tế, không chỉ là thách thức về quân sự,” ông Yu nhận định trong một cuộc phỏng vấn gần đây với NTD. “Mà quan trọng hơn, đó là thách thức về đạo đức. Bởi vì bản chất đạo đức của chế độ cộng sản trái ngược với tất cả các nền tảng đạo đức chính của xã hội hiện đại.”

Ông Yu, một học giả gốc Hoa, cố vấn chính sách về Trung Quốc của chính quyền Trump, hiện là thành viên thỉnh giảng tại Viện Hoover của Đại học Stanford.

Ông cho biết, cốt lõi của mô hình quản trị của ĐCSTQ là từ chối các quyền bất khả xâm phạm của các cá nhân, bao gồm quyền tự do tôn giáo và tự do thờ cúng.

“Đó là lý do tại sao họ phải nhốt hàng triệu người Duy Ngô Nhĩ vào các trại tập trung, không chỉ để tra tấn thể xác, mà quan trọng nhất là tẩy não họ để họ từ bỏ niềm tin tôn giáo của mình.”

Vì lý do tương tự, chế độ Trung Quốc đang bức hại các học viên của Pháp Luân Công, ông Yu nói thêm.

Hồi tháng 1 đầu năm, Chính phủ Hoa Kỳ đã tuyên bố Bắc Kinh đang phạm tội “diệt chủng” và “tội ác chống lại loài người” đối với người Duy Ngô Nhĩ ở vùng Tân Cương, Trung Quốc.

Hơn 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ đang bị giam giữ trong các trại tập trung. Tại đó họ bị lạm dụng nhân quyền, bao gồm cưỡng bức triệt sản, cưỡng bức phá thai, hãm hiếp, tra tấn, cưỡng bức lao động và tách trẻ nhỏ khỏi gia đình.

Cuộc bức hại của chế độ ĐCSTQ đối với Pháp Luân Công, một môn tu luyện tinh thần còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, bắt đầu vào năm 1999 và vẫn tiếp diễn cho đến ngày nay. Theo Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp, hàng triệu người đã bị giam giữ trong các nhà tù, trại lao động và các cơ sở khác; hàng trăm hàng nghìn người bị tra tấn trong khi bị giam giữ.

Trong 10 tháng đầu năm nay, ít nhất 101 học viên Pháp Luân Công đã bị bức hại đến chết, thêm vào hơn 4.000 trường hợp tử vong được ghi nhận sau khi bị tra tấn, lạm dụng.

“Nếu chủ nghĩa cộng sản Liên Xô tập trung nhiều hơn vào tra tấn thể xác của những người bất đồng chính kiến, thì ĐCSTQ lại tập trung vào việc khiến tất cả mọi người đồng hóa với chủ nghĩa cộng sản, bằng cách loại bỏ tư tưởng cá nhân, [và] tự do tôn thờ cá nhân,” ông Yu nhận xét.

Vì vậy, thách thức từ Trung Quốc theo một nghĩa nào đó chính là thách thức đạo đức đối với thế giới, ông cho hay.

“Nếu chúng ta muốn chống lại Đảng Cộng sản Trung Quốc, chúng ta phải có [tiêu chuẩn] đạo đức rõ ràng để hiểu được những gì đang bị đe dọa, để đối mặt với thách thức này.”

Ông Yu nhìn nhận, trật tự toàn cầu do ĐCSTQ lãnh đạo sẽ rất khác với thế giới tự do và dân chủ mà hầu hết mọi người đều quen thuộc. Mọi người sẽ được yêu cầu học Tư tưởng Tập Cận Bình, một học thuyết chính trị do nhà lãnh đạo Trung Quốc xây dựng, cũng như cách giải thích lịch sử và hiểu biết của ĐCSTQ về các quyền cá nhân.

Tại Trung Quốc, học sinh cần học “Tư tưởng Tập Cận Bình”, bắt đầu từ cấp tiểu học. Học thuyết này đã được đưa vào hiến pháp Trung Quốc vào năm 2018.

“Thành tựu lớn nhất của Đảng Cộng sản Trung Quốc là nó đã nô dịch hóa 1,4 tỷ người Trung Quốc. Tuy nhiên, ĐCSTQ tận lực thuyết phục người dân Trung Quốc rằng họ đang sống một cuộc sống hạnh phúc,” ông Yu nhấn mạnh.

Về bản chất, ông Yu cho rằng thách thức của Trung Quốc là “vấn đề của chế độ chuyên chế so với tự do”. Ông tin tưởng Hoa Kỳ sẽ vượt qua thách thức đó, đặc biệt khi chính quyền Hoa Kỳ hiểu rõ các mối đe dọa do chế độ cộng sản gây ra.

“Tôi cũng nghĩ rằng, đó là lý do tại sao tất cả mọi người sống ở Hoa Kỳ nên rất biết ơn quốc gia này, khi đã mang đến cho mỗi chúng ta, những người sống trên mảnh đất này quyền tự do và được sống đúng lương tâm mình,” ông Yu nói tiếp tục.

“Dù bạn có thích Hoa Kỳ hay không, điều đó không quan trọng. Bạn có quyền phát biểu rằng, bạn thích hoặc bạn không thích Hoa Kỳ mà không phải gánh chịu những hậu quả như ở Trung Quốc.”

Minh Ngọc (Theo The Epoch Times)

Xem thêm: