Ngày 20/6, Viện Hudson Mỹ (Hudson Institute) tổ chức thảo luận về báo cáo mới “Hoạt động can thiệp vào nước ngoài của Cộng sản Trung Quốc: Mỹ và các nước dân chủ phải ứng phó ra sao”, buổi thảo luận đã bàn về tình trạng xâm nhập của Trung Quốc vào các nước phương Tây. Theo báo cáo của Viện Hudson, Trung Quốc đã không ngại bỏ ra rất nhiều tiền để mở rộng ảnh hưởng ở nước ngoài, mỗi năm chi phí liên quan lên tới khoảng 65 tỷ nhân dân tệ (hơn 10 tỷ đô la Mỹ).

Trung Quốc
Viện nghiên cứu Hudson (Mỹ) đã tổ chức một hội thảo tại Washington vào ngày 20/6 (Ảnh: RFA)

Ngày 20/6 Viện Hudson Mỹ tổ chức thảo luận về báo cáo mới “Hoạt động can thiệp vào nước ngoài của Cộng sản Trung Quốc: Mỹ và các nước dân chủ phải ứng phó ra sao”, buổi thảo luận đã bàn luận về tình trạng xâm nhập của Cộng sản Trung Quốc vào các nước phương Tây, và đề xuất kế hoạch ứng phó trên toàn cầu.

Trong báo cáo dài đến hơn 50 trang, Parello-Plesner (Jonas Parello-Plesner), thành viên cấp cao của Viện Hudson cho rằng, trong cơ chế thống nhất toàn cầu thì nếu chỉ đơn độc Trung Quốc thì khó gây trở ngại gì đáng kể, chính vì có sự hỗ trợ ở những mức độ khác nhau của các nhóm lợi ích tại các quốc gia đã giúp cho hành động xâm nhập can thiệp của Trung Quốc có được hiệu quả đáng kể.

Báo cáo chỉ ra, cơ chế Mặt trận Thống nhất của chính quyền Trung Quốc đã kết hợp ba phương diện là hoạt động gián điệp, hoạt động bí mật, và hoạt động tìm kiếm ảnh hưởng. Trung Quốc dùng chiến lược “thấm dần” đối với các nước phương Tây bằng các tổ chức nằm trong cơ chế Mặt trận Thống nhất như các Viện Khổng Tử và các công cụ tuyên truyền ra nước ngoài khác như Nhật báo Trung Quốc (China Daily), Thời báo Hoàn Cầu, biện pháp can thiệp vừa âm thầm vừa có thủ đoạn cưỡng ép.

Báo cáo cho rằng tham vọng lớn nhất của Trung Quốc là tiếp tục cai trị, hy vọng qua thay đổi thái độ của các quốc gia dân chủ đối với họ để đẩy lùi những tiếng nói bất mãn đang bùng phát trong ngoài nước, để tạo dựng được một môi trường quốc tế mà Trung Quốc cảm thấy dễ chịu. Mục tiêu là gia tăng ảnh hưởng đối với các nhà chính trị nổi bật và các doanh nhân, học giả, sinh viên đại học và công chúng. Chính quyền Trung Quốc sử dụng tiền thay vì tư tưởng cộng sản làm điểm tựa để gây ảnh hưởng, tận dụng hỗ trợ của “những nhân vật tích cực” của phương Tây (Western Enabler), là những người phương Tây sẵn sàng hợp tác với đảng Cộng sản, xây dựng mối quan hệ ký sinh lâu dài.  

Ảnh hưởng của chiến lược Mặt trận Thống nhất này tại Australia và New Zealand đã thể hiện rõ: đời sống chính trị, thương mại và truyền thông của hai nền chính trị dân chủ phương Tây này đã bị bộ máy Mặt trận Thống nhất Trung Quốc tấn công, khiến hệ thống truyền thông tiếng Trung của hai nước này hầu như bị Bắc Kinh chi phối.

Báo cáo nêu ví dụ một cựu huấn luyện viên gián điệp của Quân đội Trung Quốc (Jian Yang) đã trở thành nghị sĩ Quốc hội New Zealand, vì đảng phái mà ông ta làm việc nhận tiền chi viện của Trung Quốc. Vào năm 2017, một thượng nghị sĩ người Australia gốc Trung Quốc (Dia Wang) đã bị đưa ra ánh sáng vấn đề ông này ủng hộ Trung Quốc trong chính sách Biển Đông, đồng thời cũng phát hiện ông này có nguồn cung tài chính đáng ngờ.

Tại Australia, cả hai đảng chính trị hàng đầu đều nhận hỗ trợ tài chính của Trung Quốc thông qua Mặt trận Thống nhất. Quyền tự do học thuật của cả hai nước đang phải chịu áp lực. Mục tiêu của Trung Quốc là buộc hai nước này dần thoát khỏi liên minh với Mỹ, đồng thời phải kiểm soát các cuộc tranh luận mở về Trung Quốc. Nếu hai nước này điều chỉnh lại quan hệ phụ thuộc chính trị của họ với Mỹ và phương Tây, đây sẽ là một thắng lợi lớn đối với Trung Quốc.  

Tại Mỹ, các can thiệp và ảnh hưởng của Trung Quốc thường nhắm vào các chính trị gia, doanh nhân, học giả, truyền thông và các cộng đồng người Hoa. Ngay từ năm 1996, nhà cầm quyền Trung Quốc đã can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống và Quốc hội Mỹ. Mặt trận Thống nhất của nhà cầm quyền Trung Quốc cũng xâm nhập vào lĩnh vực tư tưởng, ảnh hưởng đến giới chuyên gia, học giả, truyền thông của Mỹ.

Sức mạnh địa chiến lược của Mỹ được coi là mối đe dọa lớn nhất đối với chính quyền Trung Quốc, mục tiêu gây ảnh hưởng lâu dài và can thiệp vào tự do hoạt động của Trung Quốc chính là gây kiềm chế sức mạnh tự do của Mỹ, hạn chế Mỹ can thiệp vào vấn đề tự do ngôn của Trung Quốc. Trung Quốc bác bỏ các giá trị tự do như tự do ngôn luận, quyền cá nhân và tự do học thuật.

Hành động can thiệp và gây ảnh hưởng của Trung Quốc để dần làm suy yếu các chế độ dân chủ thông qua tấn công vào những sơ hở quản lý trong chính trị truyền thông, học thuật và thương mại, dùng sức cám dỗ của đồng tiền để thâm nhập vào các khu vực này, ví dụ như vấn đề sơ hở trong pháp luật về nguồn tài trợ chiến dịch tranh cử chính trị của Australia và New Zealand. Viện Khổng Tử của Trung Quốc đã thúc đẩy tài trợ cho các nghiên cứu về Trung Quốc tại các tổ chức giáo dục trên phạm vi toàn cầu, đây là một thủ đoạn hấp dẫn, vì nhiều tổ chức giáo dục bị thiếu các nguồn kinh phí tài trợ độc lập. Do thiếu nguồn vốn, nhiều cơ quan truyền thông phương Tây dường như ngày càng sẵn sàng chấp nhận các nguồn thu đáng ngờ. Nhiều cơ quan truyền thông nổi tiếng thậm chí có ý định xuất bản sản phẩm tuyên truyền cho Trung Quốc, mặc dù chỉ nằm dưới dạng quảng cáo. Một số chính trị gia phương Tây về hưu đang bị Trung Quốc mua chuộc, họ sẵn sàng giúp đỡ cho kế hoạch của Trung Quốc.

Các nền dân chủ đã từng hy vọng xuất khẩu các giá trị tự do và giúp Trung Quốc xây dựng hệ thống xã hội dân sự. Nhưng bây giờ họ lại phải bảo vệ những giá trị này ở ngay đất nước của họ, để chống lại ảnh hưởng của chế độ độc tài và tham nhũng của Trung Quốc.

Báo cáo kiến nghị các chính phủ dân chủ trên thế giới phải hợp tác để xây dựng “mặt trận thống nhất quốc gia dân chủ” để cùng nhau thảo luận biện pháp đối phó. Chẳng hạn như hỗ trợ thêm nguồn tài chính cho hệ thống truyền thông và giáo dục toàn cầu, cung cấp những thông tin không bị Trung Quốc kiểm soát cho các cộng đồng người Hoa ở nước ngoài, đẩy mạnh hơn vấn đề thông qua các nguồn kinh phí độc lập nghiên cứu Trung Quốc và tiếng Trung để trung hòa  sự hấp dẫn của Viện Khổng Tử của Trung Quốc.

Báo cáo kết luận, công dân của Mỹ và công dân của các nền dân chủ khác cần đích thân đầu tư vào việc bảo vệ truyền thống của nước mình thì mới thực sự có thể đối đầu được ảnh hưởng và can thiệp kéo dài của chế độ độc tài chính quyền Trung Quốc.

Huệ Anh

Xem thêm: