Bộ trưởng Tài chính Montenegro Milojko Spajic hôm 11/4 đã trở thành thành viên nội các mới nhất của nước này đề nghị Brussels giúp đỡ trong việc hoàn trả khoản vay bằng đô la đã ký với Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc vào năm 2014 để xây dựng đoạn đầu tiên của đường cao tốc đắt đỏ nối Montenegro với nước láng giềng Serbia.

Embed from Getty Images

Khoản vay đã được chính phủ trước đó đồng ý. Tuy nhiên, ông Spaijic nói rõ rằng chính quyền mới tiếp quản vào tháng 12 muốn có quan hệ chặt chẽ hơn với Brussels hơn là Bắc Kinh.

“Đối với cơ sở hạ tầng, chúng tôi hiện đang dựa vào Trung Quốc… Tình hình rất kịch tính từ quan điểm địa chính trị,” ông nói với tờ Financial Times.

Dự án đường cao tốc còn đang dang dở là một ví dụ của “chính sách ngoại giao bẫy nợ” mà Trung Quốc bị cáo buộc triển khai như một phần của “Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường”, một động lực cơ sở hạ tầng để kết nối Đông và Tây toàn cầu. Bắc Kinh đã bác bỏ các cáo buộc nói rằng các khoản vay của họ cho các nước đang phát triển không có ràng buộc nào.

Financial Times đưa tin rằng với chi phí ước tính là 23,8 triệu đô la Mỹ (khoảng 550 tỷ đồng) cho mỗi km, đường cao tốc này được cho là một trong những đoạn đường đắt nhất thế giới, với các khoản hoàn trả đầu tiên phải hoàn thành vào tháng Bảy.

Dự án đã khiến tỷ lệ nợ công ở Montenegro – quốc gia đang tìm cách gia nhập EU – tăng từ 65,9% lên khoảng 80% tổng sản phẩm quốc nội sau khi khoản vay được hoàn trả, theo số liệu được Nghị viện châu Âu trích dẫn.

Để bù đắp chi phí, Montenegro đã phải huy động tiền mặt ở những nơi khác, chẳng hạn như thuế giá trị gia tăng 21% đối với các hoạt động phi du lịch.

Trong bài phát biểu trước ủy ban đối ngoại của Nghị viện châu Âu vào tháng 3, Phó Thủ tướng Montenegro Dritan Abazovic đã đề nghị các thành viên EU “giúp chúng tôi thay thế khoản tín dụng bằng [khoản vay từ] một số ngân hàng châu Âu”, đồng thời nói thêm rằng điều đó sẽ giúp giảm bớt ảnh hưởng của Trung Quốc đối với đất nước.

Peter Stano, phát ngôn viên của EU về các vấn đề đối ngoại và an ninh, nói với tờ SCMP rằng khối này đã là nhà cung cấp trợ giúp tài chính lớn nhất cho Montenegro, cũng như nhà đầu tư và đối tác thương mại lớn nhất của nó.

Ông Stano cho biết: “EU sẽ tiếp tục hỗ trợ Montenegro trên con đường trở thành thành viên EU, và trong bối cảnh trên, sẽ làm việc với quốc gia này để tìm ra các giải pháp tài chính cho các dự án đầu tư và đảm bảo tính bền vững của nợ công.”

“Nhưng trong khi mọi quốc gia được tự do thiết lập các mục tiêu đầu tư của mình, EU có những lo ngại về các tác động kinh tế xã hội và tài chính mà một số khoản đầu tư của Trung Quốc vào Montenegro có thể gây ra, chúng có nguy cơ gây mất cân bằng kinh tế vĩ mô và khiến nước này rơi vào cảnh nợ nần trầm trọng”, ông nói thêm, cho biết rằng EU sẽ “không hoàn trả các khoản vay của các đối tác mà họ đã lấy từ các bên thứ ba”.

Hiện Brussels đang ngày càng lo ngại về ảnh hưởng gia tăng của Trung Quốc ở Tây Balkan, nơi nước này có quan hệ chặt chẽ với cường quốc trong khu vực là Serbia.

Xuân Lan (theo SCMP)

Xem thêm: