Ngày 6/4, Reuters trích dẫn một bản ghi chú cho hay, Nga đã cảnh báo các nước tại Liên Hợp Quốc (LHQ), việc bỏ phiếu thuận hoặc bỏ phiếu trắng đối với việc Mỹ muốn đình chỉ Moscow tham gia Hội đồng Nhân quyền sẽ được coi là một “cử chỉ không thân thiện”, có thể dẫn đến hậu quả đáng tiếc cho quan hệ song phương.

Embed from Getty Images

Hôm 4/4, Hoa Kỳ đã có động thái ngăn cản Nga tham gia Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc (LHQ), khi Bộ Ngoại giao tuyên bố sẽ thu thập bằng chứng về tội ác chiến tranh được cho là đã diễn ra ở Ukraine.

Đại hội đồng LHQ gồm 193 thành viên sẽ bỏ phiếu về vấn đề này trong ngày 7/4.

Theo quy định, nếu 2/3 đa số thành viên bỏ phiếu – không tính phiếu trắng – có thể loại bỏ một quốc gia khỏi Hội đồng Nhân quyền, khi nước này vi phạm nhân quyền một cách nghiêm trọng và có hệ thống.

Phái bộ của Nga tại Liên Hợp Quốc kêu gọi các nước “lên tiếng phản đối nghị quyết chống Nga” này. Hiện chưa rõ có bao nhiêu nước nhận được bức thư của Nga.

Nội dung bức thư nêu rõ: “Điều đáng nói là không chỉ hành động (bỏ phiếu thuận) ủng hộ cho một sáng kiến như vậy, mà cả việc bỏ phiếu trắng hoặc không tham gia bỏ phiếu cũng sẽ được coi là một cử chỉ không thân thiện.”

“Ngoài ra, vị thế của mỗi quốc gia cũng sẽ được xếp đặt lại khi tính đến việc phát triển quan hệ song phương với Moscow, cũng như ở những vấn đề quan trọng khác đối với quốc gia đó trong khuôn khổ Liên Hợp Quốc.”

Phái bộ của Nga tại Liên Hợp Quốc từ chối bình luận về bức thư nói trên vì nó không được công khai. Hội đồng Nhân quyền có tổng cộng 47 thành viên, mỗi thành viên có nhiệm kỳ 3 năm. Nga hiện đang ở năm thứ hai của nhiệm kỳ 3 năm.

“Việc Nga ngang nhiên và công khai đe dọa các quốc gia bỏ phiếu loại họ khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc chỉ là bằng chứng thêm cho thấy Nga cần phải bị đình chỉ ngay lập tức,” bà Olivia Dalton, phát ngôn viên phái bộ Mỹ tại Liên Hợp Quốc đưa ra phản hồi về lời cảnh báo của Moscow.

Kể từ khi cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine bắt đầu vào ngày 24/2, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã thông qua hai nghị quyết tố cáo và lên án Nga, với lần lượt 141 và 140 phiếu ủng hộ. Về phía Moscow, họ khẳng định chỉ là đang tiến hành “hoạt động đặc biệt” nhằm phi quân sự hóa Ukraine.

Đáng chú ý, Nga vẫn luôn phủ nhận việc tấn công dân thường ở Ukraine. Ngày 5/4, Đại sứ Liên Hợp Quốc Vassily Nebenzia của Nga nhấn mạnh, trong khi Bucha nằm dưới sự kiểm soát của Nga, “không một người dân thường nào phải chịu bất kỳ hình thức bạo lực nào”.

Đại hội đồng Liên Hợp Quốc trước đây từng đình chỉ một quốc gia khỏi Hội đồng Nhân quyền. Tháng 3/2011, các nước thành viên LHQ đã nhất trí loại Libya ra khỏi cơ quan này vì hành vi bạo lực của lực lượng trung thành với nhà lãnh đạo lúc đó là ông Muammar Gaddafi nhàm vào những người biểu tình.

Minh Ngọc (Theo Reuters)