Nga đang vận động hành lang cho một cuộc bỏ phiếu kín thay vì bỏ phiếu công khai, khi Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (LHQ) gồm 193 thành viên vào tuần tới sẽ xem xét liệu có lên án việc Moscow sáp nhập bốn khu vực của Ukraine bị quân đội Nga chiếm đóng hay không.

Screen Shot 2022 09 21 at 21.16.45
Bốn khu vực bị chiếm đóng ở Ukraine mà Nga tiến hành sáp nhập (Ảnh chụp màn hình)

Nga và các đồng minh đã chỉ trích gay gắt các cuộc trưng cầu dân ý ở các khu vực Donetsk, Luhansk, Kherson và Zaporizhzhia là bất hợp pháp và mang tính ép buộc. Một nghị quyết của Đại hội đồng LHQ do phương Tây soạn thảo sẽ lên án “cái gọi là cuộc trưng cầu dân ý bất hợp pháp” của Nga và “âm mưu sáp nhập bất hợp pháp” các khu vực diễn ra cuộc bỏ phiếu.

Trong bức thư gửi các quốc gia thành viên LHQ, Đại sứ Nga tại LHQ Vassily Nebenzia chỉ trích: “Đây là một diễn biến rõ ràng mang tính chính trị hóa và khiêu khích nhằm làm sâu sắc thêm sự chia rẽ trong Đại hội đồng và khiến các thành viên của nó xa cách nhau hơn.”

Đại sứ Nga cho rằng cần phải tiến hành bỏ phiếu  kín bởi vì việc vận động hành lang của phương Tây có nghĩa là “có thể rất khó khăn nếu quan điểm [của các quốc gia] được thể hiện công khai.” Các nhà ngoại giao dự đoán, Đại hội đồng LHQ có khả năng phải bỏ phiếu công khai về việc có tổ chức cuộc bỏ phiếu kín theo yêu cầu của Nga hay không.

Tuần trước, Nga đã phủ quyết một nghị quyết tương tự trong Hội đồng Bảo an gồm 15 thành viên.

Hôm 5/10, Đại sứ Liên minh châu Âu tại LHQ Olof Skoog cảnh báo: “Trừ khi cộng đồng quốc tế phản ứng, nếu không, có thể có những tuyên bố cho rằng không ai chú ý [đến vấn đề này] và điều này giờ đây cho phép các quốc gia khác toàn quyền hành động để làm tương tự hoặc để công nhận những gì Nga đã làm.”

Ông cho biết, EU đang tham khảo ý kiến một cách rộng rãi với các quốc gia thành viên LHQ trước cuộc bỏ phiếu có khả năng diễn ra vào ngày thứ Tư.

Tuy nhiên, Nga hiện không kiểm soát hoàn toàn bất kỳ tỉnh nào trong số bốn tỉnh của Ukraine mà Moscow tuyên bố đã sáp nhập, hơn nữa các lực lượng Ukraine đã chiếm lại hàng nghìn dặm vuông lãnh thổ kể từ tháng 9.

Tình hình hiện nay tại Liên Hợp Quốc tương tự những gì xảy ra vào năm 2014 sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine. Vào lúc đó, tại Hội đồng Bảo An, Moscow phủ quyết dự thảo nghị quyết phản đối cuộc trưng dân ý về việc sáp nhập Crimea vào Nga và kêu gọi các quốc gia không công nhận việc này.

Đại hội đồng LHQ sau đó đã thông qua nghị quyết tuyên bố cuộc trưng cầu dân ý ở Crimea là bất hợp lệ với 100 phiếu ủng hộ, 11 phiếu chống, và 58 phiếu trắng chính thức, trong khi hai chục quốc gia không tham gia bỏ phiếu.

Moscow đã và đang cố gắng tránh sự cô lập của quốc tế đối với mình sau khi gần 3/4 Đại hội đồng LHQ bỏ phiếu khiển trách Nga và yêu cầu nước này rút quân trong vòng một tuần sau khi Nga phát động cuộc xâm lược nước láng giềng Ukraine vào ngày 24/2.

Trước đó hồi tháng 4, trước khi Đại hội đồng LHQ bỏ phiếu để đình chỉ Nga tham gia Hội đồng Nhân quyền, Moscow đe dọa các quốc gia khác rằng việc bỏ phiếu đồng ý hoặc bỏ phiếu trắng sẽ được coi là “không thân thiện” với Nga và sẽ phải gánh chịu những hậu quả trong mối quan hệ với Nga.

Nhật Minh (T/h)