Hôm thứ Năm (23/2), Ukraine cho biết quân đội nước này đã đẩy lùi thành công một cuộc tấn công của Nga dọc theo tiền tuyến. Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết Nga sẽ tiếp tục xây dựng vũ khí hạt nhân.

Embed from Getty Images

Ngày 23/2, các tình nguyện viên của quân đội Ukraine tạo dáng trên xe tăng điều khiển (DTT) dùng để huấn luyện tại một căn cứ quân sự ở miền nam nước Anh. (Ảnh: Leon Neal/Getty)

Đầu tuần này, Tổng thống Nga Putin đã tạm dừng hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân song phương cuối cùng với Hoa Kỳ.

“Như trước đây, chúng tôi sẽ tập trung nhiều hơn vào việc củng cố bộ ba hạt nhân”, ông đề cập đến tên lửa hạt nhân trên đất liền, trên biển và trên không.

Ông Putin cho biết lần đầu tiên trong năm nay, tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Sarmat sẽ được triển khai. Loại vũ khí này có khả năng mang nhiều đầu đạn hạt nhân.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục sản xuất hàng loạt hệ thống tên lửa siêu thanh Kinzhal, và bắt đầu cung cấp hàng loạt tên lửa siêu thanh Zircon phóng từ trên biển,” ông Putin cho biết trong một bài phát biểu từ Điện Kremlin trước đó vào thứ Năm (23/2).

Reuters đưa tin, Nga sẽ bắt đầu tập trận quân sự với Trung Quốc ở Nam Phi vào thứ Sáu (24/2), và đã phái một tàu khu trục được trang bị tên lửa siêu thanh. Khi cuộc chiến Nga-Ukraine tiếp diễn, động thái này của Nam Phi, Trung Quốc và Nga đã làm dấy lên sự chỉ trích cả trong và ngoài nước.

Ukraine và các đồng minh phương Tây coi vòng hùng biện về hạt nhân mới của ông Putin nhằm mục đích dịch chuyển sự chú ý của dư luận khỏi chiến dịch quân sự trên bộ thất bại của Nga, sau 1 năm ông phát động cuộc chiến tranh trên bộ lớn nhất châu Âu kể từ Thế chiến II.

Trận chiến mới nhất

Năm 2022, Nga- quốc gia kiểm soát gần 1/5 Ukraine, đã phải chịu 3 thất bại lớn trong cuộc xâm lược của mình.

Trong những tuần gần đây, Nga đã tiến hành một cuộc tấn công ở miền đông Ukraine, gây thiệt hại nặng nề, nhưng chỉ đạt được những thành tựu khiêm tốn.

Trước đó vào thứ Năm (23/2), quân đội Ukraine cho biết rằng họ đã đẩy lùi 90 cuộc tấn công của Nga ở phía đông bắc và phía đông trong 24 giờ qua.

Nhà phân tích quân sự Ukraine, ông Oleh Zhdanov, cho biết trong các bình luận đăng trên YouTube: “Ở thành phố Avdiivka, quân đội Nga mắc kẹt với chiến thuật của họ, tiến công vào một nơi, nhưng họ không tiến vào được. Sau đó họ đưa lực lượng dự bị đến nơi khác để thử.”

Một số trường học ở Ukraine đã đóng cửa để kỷ niệm ngày tròn một năm cuộc xâm lược, tránh trường hợp Moscow tiến hành một cuộc tấn công bằng tên lửa tầm xa. Tuy nhiên, các quan chức ở Kyiv cho biết, họ không tin rằng Moscow có khả năng phô trương lực lượng một cách kịch tính khác.

Quân đội Anh cho biết trong một bản cập nhật tình báo hàng ngày, rằng Moscow có thể đang lên kế hoạch cho một cuộc tấn công quy mô lớn khác vào thành phố Vuhledar. Đầu tháng này, các lực lượng Nga đã phải trả giá đắt trong cuộc tấn công ở đó.

Bản cập nhật tuần trước cho biết, quân đội Nga đã chịu tổn thất nặng nề tại đó, với 2 lữ đoàn tích hợp gồm hàng nghìn lính thủy đánh bộ tinh nhuệ của Nga đã mất đi sức chiến đấu

Vì không có tin tốt trên chiến trường trước ngày kỷ niệm chiến tranh, nên ông Putin đã chuyển chủ đề sang vũ khí hạt nhân, và đối đầu với Hoa Kỳ trên không, đồng thời “làm sâu sắc thêm” mối quan hệ với ĐCSTQ.

Khẩu chiến Mỹ-Nga

Ngay đêm trước ngày kỷ niệm 24/2 – ngày Nga xâm lược Ukraine, ông Putin và Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã tham gia vào một cuộc khẩu chiến, làm gia tăng mối quan hệ căng thẳng toàn cầu giữa các siêu cường.

Trong bài phát biểu về Tình trạng Liên bang hôm thứ Ba (21/2), ông Putin tuyên bố tạm dừng “Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí Chiến lược Mới” (New START) đã ký với Hoa Kỳ, đồng thời cáo buộc Hoa Kỳ đã biến cuộc chiến Nga-Ukraine thành một cuộc xung đột toàn cầu bằng cách vũ trang hóa Ukraine.

Trong chuyến thăm bất ngờ tới Kyiv hôm thứ Hai (20/2), ông Biden cho biết Hoa Kỳ và các đồng minh NATO đang bảo vệ nền dân chủ và tự do ở Ukraine.

Hôm thứ Tư (22/2), tại thủ đô Warsaw của Ba Lan, Tổng thống Biden cảnh báo rằng ông Putin đã mắc “sai lầm nghiêm trọng” khi tạm dừng START, và rằng: “Tôi không cho rằng ông ấy đang nghĩ đến việc sử dụng vũ khí hạt nhân hay bất cứ thứ gì tương tự.”

Cùng ngày, khi gặp các nhà lãnh đạo cánh Đông của NATO tại Warsaw, ông Biden đã hứa Hoa Kỳ “sẽ bảo vệ từng tấc đất của NATO.”

Bucharest Nine (viết tắt là B9) là khối đồng minh cánh Đông của NATO, gồm 9 quốc gia Đông Âu là Bulgaria, Cộng hòa Séc, Estonia, Hungary, Latvia, Litva, Ba Lan, Romania và Slovakia.

Chiến tranh Nga-Ukraine, cuộc xung đột trên bộ lớn nhất ở châu Âu kể từ Thế chiến II, đã khiến hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa, san bằng nhiều khu vực tại các thành phố, thị trấn và làng mạc của Ukraine, và làm gián đoạn nền kinh tế toàn cầu.