Tình trạng bất ổn tiếp tục lan rộng khắp Chile khi người dân biểu tình phản đối tình trạng bất bình đẳng kinh tế và chi phí sinh hoạt tăng cao. Hôm thứ Sáu (25/10), tại thủ đô Santiago, một triệu người đã xuống đường tạo thành “cuộc tuần hành lớn nhất” lịch sử quốc gia thịnh vượng hàng đầu Nam Mỹ này.

Embed from Getty Images

Theo DW, khoảng một triệu người đã đổ xuống đường phố thủ đô Santiago hôm thứ Sáu (25/10) bất chấp chính phủ của Tổng thống Sebastian Pinera đã ban hành một loạt chính sách nhượng bộ người biểu tình để hy vọng kiềm chế bất ổn.

Người biểu tình tập trung trên các đại lộ rộng lớn tại Santiago khi họ tuần hành tới quảng trường trung tâm của thủ đô này để gia nhập vào “cuộc tuần hành lớn nhất Chile” chống lại chính phủ của Tổng thống Sebastian Pinera. Trước đó, các tài xế xe tải và công nhân giao thông công cộng đình công khắp Santiago.

Thị trưởng Santiago Mayor Karla Rubilar, người ủng hộ phong trào biểu tình, viết trên Twitter: “Hôm nay, Chile sống trong một ngày lịch sử. Khu đô thị Santiago là nhân vật chính của cuộc tuần hành hòa bình của khoảng một triệu người đại diện cho giấc mơ về một nước Chile mới.

Tại thành phố cảng Valparaiso, Quốc hội đã phải sơ tán vì người biểu tình đụng độ với cảnh sát. Hàng nghìn người trên toàn đất nước Chile 18 triệu dân cũng đang xuống đường phản đối chính phủ Pinera.

Ít nhất 19 người đã thiệt mạng trong các cuộc biểu tình tuần này, trong đó có một trẻ em. Tình trạng bất ổn gia tăng khiến chính phủ phải ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia và thực thi lệnh giới nghiêm để ngăn chặn người biểu tình đốt phá các nhà ga tàu điện ngầm và phá hủy tài sản công và tư nhân. Từ khi cuộc biểu tình bắt đầu tuần trước, khoảng hơn 7.000 người đã bị bắt giữ và hàng trăm người khác bị thương. Quân đội cũng đã được huy động xuống phố để ngăn chặn bạo động.

Biểu tình tại Chile được kích hoạt vào tuần trước khi chính phủ tăng giá vé tàu điện ngầm tại thủ đô thêm 0,30 peso (0,04 USD). Sau đó, biểu tình đã phát triển thành phong trào phản kháng rộng hơn chống lại sự bất bình đẳng kinh tế ở Chile – một trong những quốc gia giàu có nhất Nam Mỹ.

Để kiềm chế phong trào biểu tình không lãnh đạo của người dân, chính phủ Pinera tuần này đã thông báo một số nhượng bộ. Những nhượng bộ này bao gồm tăng lương tối thiểu và tăng lương hưu nhà nước, hủy tăng vé tàu điện ngầm và hoãn tăng giá điện.

Chính phủ phủ nhận trách nhiệm

Trả lời phỏng vấn DW, Ngoại trưởng Chile Teodoro Ribera bác bỏ việc chính phủ đương nhiệm có lỗi trong tình trạng bất ổn hiện nay.

Nguyên nhân [bất ổn] không phải từ chính phủ hiện nay. Chúng có lẽ đến từ hai, ba hoặc bốn chính phủ trước,” ông Ribera nói.

Ngoại trưởng Chile cũng bảo vệ việc chính phủ triển khai quân đội để khống chế biểu tình bất chấp việc một số người biểu tình thiệt mạng được cho là do xung đột với lực lượng an ninh.

Quan tâm của chúng tôi là quyền của người dân phải được tôn trọng. Điều này bao gồm trật tự công cộng để tài sản công và tư không bị phá hủy,” ông Ribera nhấn mạnh.

Ông Pinera cầm quyền tại Chile từ năm ngoái, nhưng chính trị gia cánh hữu này đã từng làm tổng thống Chile từ năm 2010 đến năm 2014. Ông Pinera được cho là có tài sản cá nhân khoảng 2,8 tỷ USD và là một trong những người giàu nhất Chile. Ông Pinera cũng là mục tiêu mà những người biểu tình nhắm đến để phản đối sự bất bình đẳng thu nhập.

Liên Hiệp Quốc cử phái đoàn điều tra tới Chile

Theo trang tin Aljazeera, Liên Hiệp Quốc (LHQ) hôm thứ Sáu (25/10) đã xác nhận rằng họ sẽ phái một đội điều tra tới Chile trong tuần tới để bắt đầu điều tra các cáo buộc lạm dụng nhân quyền người biểu tình. Động thái này của LHQ đến sau khi một số nhóm nhân quyền cáo buộc chính phủ Pinera đã sử dụng vũ lực trấn áp biểu tình.

Bà Michelle Bachelet, Cao ủy LHQ về nhân quyền và là cựu Tổng thống Chile đã nói rằng bà “vô cùng đau buồn” về tình huống đang xảy ra tại quê hương mình.

Bà Michelle Bachelet hôm thứ Năm (24/10) đăng lên Twitter nói rằng “vì đã theo sát cuộc khủng hoảng này ngay từ khi bắt đầu”, nên bà quyết định “điều động phái đoàn điều tra để xác minh các báo cáo về vi phạm nhân quyền tại Chile”.

Cũng trong ngày 24/10, Ngoại trưởng Chile Teodoro Ribera xác nhận rằng Tổng thống Pinera đã mời LHQ tới điều tra tình hình tại Chile.

Chúng tôi quan tâm tới sự minh bạch tối đa và tất cả các biện pháp bảo vệ cần thiết đã được thực hiện,” ông Ribera nói.

Xuân Thành

Xem thêm: