Quốc tế chú ý đến mục đích của cuộc điện đàm giữa ông Tập và ông Putin hôm 15/12, trong thời điểm mâu thuẫn giữa Trung Quốc với Nga và các nước phương Tây đang trở nên trầm trọng hơn.

shutterstock 634594754
Tổng thống Nga Putin (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (Ảnh: plavevski / Shutterstock)

Cuộc hội đàm giữa hai bên nhấn mạnh thái độ thù địch chung của họ đối với phương Tây. Theo bản thảo do Tân Hoa xã phát hành sau cuộc họp, Chủ tịch Tập Cận Bình bày tỏ sự không hài lòng với việc phương Tây lên án Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) về vấn đề nhân quyền, và cho rằng đây là sự can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc. Ông Tập Cận Bình nói rằng hiện nay, một số thế lực quốc tế đang tùy tiện can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc và Nga dưới chiêu bài “dân chủ”“nhân quyền”. “Hai nước Trung Quốc và Nga cần triển khai hành động phối hợp nhiều hơn nữa, để duy trì và bảo vệ an ninh và lợi ích hai nước hiệu quả hơn.”

Gần đây, Nga đã phải đối mặt với sự lên án từ các nước phương Tây, dẫn đầu là Mỹ, vì hoạt động tập trung quân sự quy mô lớn dọc biên giới Ukraine.

Trợ lý Điện Kremlin Yuri Ushakov cho biết trong cuộc họp giao ban hôm 15/12 rằng Tổng thống Putin đã giới thiệu ngắn gọn cho ông Tập về cuộc điện đàm gần đây với Tổng thống Mỹ Biden. Sau đó, ông Tập nói rằng ông hiểu mối quan tâm của Nga và ủng hộ sáng kiến ​​của Nga.

Cuộc điện đàm video giữa ông Biden và ông Putin chủ yếu là về vấn đề Ukraine. Mỹ cảnh báo Nga không xâm lược Ukraine. Nga yêu cầu Mỹ và các đồng minh đảm bảo an ninh, tức là NATO sẽ không mở rộng xa hơn về phía đông và triển khai các hệ thống vũ khí gần lãnh thổ Nga; Nga kiên quyết phản đối việc Ukraine gia nhập NATO và gọi đây là lằn ranh đỏ của Moscow.

Ông Ushakov nói rằng ông Putin và ông Tập Cận Bình đều bày tỏ “quan điểm tiêu cực” về việc thành lập các liên minh quân sự mới ở các nước phương Tây, chẳng hạn như quan hệ đối tác AUKUS giữa Úc, Anh và Mỹ, và việc thành lập “Đối thoại an ninh 4 bên” (QUAD) Úc, Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ.

Theo tin tức do Điện Kremlin công bố, ông Putin nói với ông Tập rằng mong đợi được gặp ông Tập tại Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh vào tháng Hai năm sau.

Ông Putin nói: “Tôi muốn chỉ ra, chúng ta trước sau đều ủng hộ lẫn nhau trong vấn đề hợp tác thể thao quốc tế, bao gồm việc từ chối bất cứ ý đồ chính trị hóa thể thao và Olympic nào.”

Về cuộc điện đàm lần này giữa ông Tập Cận Bình và ông Putin, tờ New York Times phân tích rằng đối với ông Tập Cận Bình mà nói, hội đàm cấp cao này là cơ hội để chuyển hướng những lời chỉ trích về hành vi của ĐCSTQ từ vấn đề Biển Đông cho đến xung đột biên giới với Ấn Độ. Ông Tập cũng muốn chứng tỏ rằng Trung Quốc không bị cô lập về mặt ngoại giao, đặc biệt là trước thềm Thế vận hội Mùa đông. Olympic Bắc Kinh 2022 nhằm thể hiện vị thế toàn cầu của Trung Quốc, chứ không phải là quan hệ xấu đi với hầu hết các khu vực trên thế giới.

Mặc dù có phân tích cho rằng Trung – Nga hiện đang đối mặt với áp lực lớn từ các nước phương Tây, đứng đầu là Mỹ, mục đích của việc mở cuộc hội đàm giữa hai nhà lãnh đạo là để thể hiện rằng hai nước ủng hộ nhau. Tuy nhiên mặt trận liên hợp của hai nước cũng có tính giới hạn.

Ví dụ, Trung Quốc chưa bao giờ thừa nhận Nga thôn tính Bán đảo Crimea; Nga cũng không ủng hộ ĐCSTQ chủ trương bành trướng ở Biển Đông; họ không dùng hiệp ước liên minh chính thức để ràng buộc chính mình, mà là có khuynh hướng giữ năng lực độc lập và hành động linh hoạt.

New York Times dẫn lời ông Sergey Radchenko, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Cardiff, nói: “Tôi không nghĩ rằng họ đã đạt được mức Bắc Kinh sẽ ủng hộ bất kỳ hành động rủi ro nào ở Ukraine – nếu Trung Quốc (ĐCSTQ) quyết định xâm lược Đài Loan, Nga sẽ không vội đứng về phía Trung Quốc.”

Mối quan hệ giữa Trung Quốc, Nga với các nước phương Tây ngày càng căng thẳng

Phân tích chỉ ra, lần điện đàm này nhấn mạnh cách mà Trung Quốc và Nga ủng hộ lẫn nhau trong khi mối quan hệ với phương Tây đang căng thẳng ở mức độ cao.

ĐCSTQ đang phải đối mặt với ngày càng nhiều sự lên án của quốc tế vì tội ác diệt chủng ở Tân Cương, làm xói mòn quyền tự do của người dân Hồng Kông, đe dọa quân sự đối với Đài Loan, cưỡng ép kinh tế đối với các nước khác, vấn đề Biển Đông và vi phạm nhân quyền, v.v.

Nhà Trắng thông báo vào ngày 6/12 rằng do không hài lòng với việc vi phạm nhân quyền của ĐCSTQ, Tổng thống Mỹ Biden hoặc bất kỳ quan chức Chính phủ Mỹ nào đều sẽ không tham gia Olympic Bắc Kinh. Nhà Trắng nói, Chính phủ Mỹ đang gửi một “tín hiệu rõ ràng” cho thế giới bên ngoài rằng các vi phạm nhân quyền của ĐCSTQ không thể tiếp tục được “coi là bình thường như trước”.

Ngày 7/12, Washington Post đăng bài viết nói rằng điều khiến Bắc Kinh lo hơn đó là các nước khác có thể sẽ làm theo Mỹ, điều này khiến cho việc tẩy chay càng khó có thể coi nhẹ.

Washington Post dẫn lời bà Natasha Kassam, một cựu quan chức ngoại giao Úc tại Bắc Kinh và là giám đốc chương trình chính sách đối ngoại và dư luận tại Viện Lowy ở Sydney, nói rằng “Bắc Kinh chắc chắn quan tâm đến sự lúng túng tiềm ẩn do quốc tế và trong nước mang đến nhắm vào Thế vận hội.”

“Bạn có thể thấy chế độ Trung Quốc (ĐCSTQ) đã chuyển biến thành mô thức tiến công, chỉ trích Mỹ chính trị hóa thể thao, đồng thời tuyên bố không ai chú ý đến việc tẩy chay (ngoại giao) này.”

Vài ngày sau khi Mỹ tuyên bố tẩy chay ngoại giao, Úc, Canada và Anh cũng tuyên bố tẩy chay ngoại giao đối với Olympic Bắc Kinh.

Nga đã trở thành tâm điểm bị các nước phương Tây lên án gần đây vì mối đe dọa quân sự áp sát Ukraine.

Các cơ quan tình báo Mỹ trước đó đánh giá rằng Nga có thể có kế hoạch tiến hành nhiều tuyến tấn công vào vào Ukraine sớm nhất là vào đầu năm 2022, với sự tham gia của 175.000 binh lính. Trong khi đó, Điện Kremlin bác bỏ kế hoạch xâm lược của mình.

Cuối tuần trước, ngoại trưởng của các nước G7 đã họp tại Liverpool, Anh. Hai trọng tâm chính của cuộc họp là các vấn đề Trung Quốc và Nga, đặc biệt là các cuộc thảo luận vô cùng kịch liệt về Trung Quốc.

G7 cùng cảnh báo với Tổng thống Nga Putin rằng nếu xâm lược Ukraine, Nga sẽ phải đối mặt với “hậu quả to lớn” và “cái giá phải trả nặng nề”.

Các nước G7 gồm có Mỹ, Canada, Anh, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản.

Tại cuộc họp, Ngoại trưởng Anh, bà Liz Truss, cho biết, “Tại hội nghị cuối tuần này, chúng tôi đã nói rõ rằng chúng tôi cảm thấy lo ngại về các chính sách kinh tế cưỡng ép của Trung Quốc (ĐCSTQ). Những gì chúng tôi phải làm là thiết lập phạm vi đầu tư, kinh tế và thương mại ở quốc gia dân chủ cùng chí hướng và yêu tự do.”

Reuters đưa tin, quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ tiết lộ rằng các ngoại trưởng đã thảo luận về tình hình ở Hồng Kông, vấn đề Tân Cương và tầm quan trọng của hòa bình trên eo biển Đài Loan. “Đặc biệt là thảo luận liên quan đến Trung Quốc, rất, rất kịch liệt.”

Theo Lâm Nghiên, Epoch Times

Xem thêm: