Các nhà lãnh đạo của Hoa Kỳ, Ấn Độ, Úc và Nhật Bản đã đồng ý cùng nhau phối hợp về mặt tài chính, sản xuất và năng lực phân phối để gửi 1 tỷ liều vắc-xin ngừa virus Vũ Hán đến khắp châu Á vào cuối năm 2022, Ngoại trưởng Ấn Độ cho biết vào thứ Sáu (12/3), theo tin từ Reuters.

Nhóm bốn quốc gia, được gọi là “Bộ Tứ Kim Cương”, hiện đang muốn mở rộng tiêm chủng toàn cầu và chống lại nỗ lực “ngoại giao tiêm chủng” ngày càng bành trướng của Trung Quốc ở Đông Nam Á và trên thế giới. Ấn Độ hiện vẫn là nhà sản xuất vắc-xin lớn nhất thế giới.

Ngoại trưởng Ấn Độ Harsh Vardhan Shringla phát biểu trong một cuộc họp báo tại thủ đô New Delhi sau hội nghị thượng đỉnh trực tuyến bốn bên rằng, nỗ lực phối hợp của Bộ Tứ là “cấp bách và có giá trị nhất”.

Ông nói: “Bốn quốc gia đã nhất trí kế hoạch tập hợp các nguồn lực tài chính, năng lực sản xuất cũng như sức mạnh hậu cần của mình để tăng cường sản xuất và phân phối vắc-xin COVID-19 ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương.”

“Chúng tôi tin rằng điều này sẽ đẩy nhanh quá trình phục hồi sau đại dịch và cho phép các gia đình và doanh nghiệp đẩy lùi cuộc khủng hoảng COVID-19,” ông tiếp tục.

Ấn Độ sẽ sử dụng năng lực sản xuất của mình để sản xuất vắc-xin của Hoa Kỳ, với nguồn tài chính đến từ Tổ chức Tài chính Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ và Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản.

Ông nói thêm, Úc sẽ tài trợ cho việc đào tạo và cung cấp hỗ trợ hậu cần cho việc phân phối vắc-xin, chủ yếu sẽ đến các đảo Thái Bình Dương, Đông Nam Á và các quốc gia ở Ấn Độ Dương.

Tuy nhiên, sáng kiến ​​này có thể bị cản trở bởi các hạn chế xuất khẩu của Hoa Kỳ đối với các nguyên liệu thô quan trọng cho chuỗi cung ứng vắc-xin của Ấn Độ.

Ông Shringla cho biết đây là vấn đề song phương với Hoa Kỳ và đã được đại sứ Ấn Độ tại Washington nêu ra.

“Vấn đề rất quan trọng này đang được xem xét,” ông nói.

Tuy vậy, sự ràng buộc này sẽ không ảnh hưởng đến việc sản xuất vắc-xin cho 1,4 tỷ người dân Ấn Độ, ông Shringla nói thêm.

Lê Vy (theo Reuters)

Xem thêm: